Người lính 'quân hàm xanh' vững vàng nơi tiền đồn Tây Nam

Nhiều mô hình, chương trình hiệu quả đã được bộ đội biên phòng các tỉnh khu vực Tây Nam thực hiện để phát huy sức mạnh của nền biên phòng toàn dân, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ.

Chiến sỹ Trạm kiểm soát Biên phòng Sông Đốc tuần tra, kiểm soát biên giới biển. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Lực lượng bộ đội biên phòng các tỉnh Tây Nam đã triển khai nhiều mô hình, chương trình hiệu quả, từ đó phát huy sức mạnh của nền biên phòng toàn dân, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Nhiều mô hình thiết thực, hiệu quả

Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng các tỉnh khu vực Tây Nam đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, đáp ứng yêu cầu đặt ra trong tình hình mới.

Tại tỉnh Cà Mau, bộ đội biên phòng đã triển khai nhiều mô hình, chương trình hiệu quả, nổi bật nhất là mô hình Tổ tàu thuyền an toàn. Hiện toàn tỉnh có 23 tổ với 201 phương tiện, 731 thuyền viên.

Tổ tàu thuyền an toàn huyện Trần Văn Thời được thành lập từ năm 2000. Trước đây, mô hình này chỉ dừng lại ở việc cứu hộ, cứu nạn bạn tàu khi ra khơi không may gặp sự cố, đến nay đây là lực lượng được ví như “dân quân biển," góp phần bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.

Ông Đoàn Quốc Lượm, Tổ trưởng Tổ tàu thuyền an toàn huyện Trần Văn Thời, cho biết trước những khó khăn do ngành thủy sản của Việt Nam bị phạt “thẻ vàng” IUU, tổ tàu thuyền an toàn của huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền tới ngư dân về vấn đề này. Quan trọng nhất là giúp người dân nhận thức được chính họ sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề, trực tiếp về đánh bắt, khai thác hải sản.

Đại úy Đỗ Văn Lanh, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Sông Đốc (Bộ đội biên phòng tỉnh Cà Mau) đánh giá tổ tàu thuyền an toàn hoạt động đánh bắt trên các tuyến bờ, khơi, lộng với nhiều ngành nghề khác nhau.

Hoạt động trên vùng biển rộng là điều kiện thuận lợi để các tổ tàu thuyền an toàn nắm tình hình, phát hiện và thông báo cho bộ đội biên phòng cùng cơ quan chức năng về các trường hợp vi phạm chủ quyền vùng biển, xâm nhập trái phép hay hoạt động của tội phạm trên biển, cũng như các thông tin tai nạn và công tác cứu nạn, cứu hộ…

[Chuyện về những người lính quân hàm xanh ở Thành phố Hồ Chí Minh]

Đặc biệt, trong công tác tuyên truyền, việc vận động phương tiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, không khai thác hải sản trái phép sang vùng biển nước ngoài, không báo cáo, không theo quy định IUU là nhiệm vụ trọng tâm.

Theo Đại tá Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chỉ huy trưởng nghiệp vụ, Bộ đội biên phòng tỉnh Cà Mau, hiệu quả của các mô hình vận động quần chúng, dân vận khéo của đơn vị trên nhiều lĩnh vực thời gian qua được chính quyền địa phương, nhân dân đánh giá cao. Tiêu biểu là các mô hình “Tổ tàu thuyền an toàn,” “Ấp điểm không có tội phạm và tệ nạn xã hội,” “Lớp học tình thương trên đảo Hòn Chuối," “Đội tuyên truyền pháp luật học đường," “Hũ gạo tình thương," “Góp tiền lẻ-chia sẻ khó khăn”…

“Các mô hình này góp phần cùng chính quyền địa phương, nơi các đồn biên phòng đứng chân, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần để nhân dân yên tâm bám trụ nơi khu vực biên giới biển. Xuất phát từ tình hình thực tiễn ở cơ sở, bộ đội biên phòng tỉnh tiếp tục triển khai nhiều hơn nữa các phong trào, chương trình, mô hình giúp dân phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo bền vững ở khu vực biên giới một cách thực tâm, thực chất và hiệu quả," Đại tá Nguyễn Văn Ngọc thông tin.

Hiệu quả của phong trào đã khẳng định đây là chủ trương đúng đắn nhằm xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh, cụ thể hóa quan điểm, chủ trương, phương châm toàn dân, toàn diện của Đảng ta trong xây dựng, quản lý và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Xây chắc thế trận lòng dân

Bộ đội biên phòng tỉnh Kiên Giang xác định hệ thống chính trị ở cơ sở có vai trò quan trọng trong việc tổ chức và vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, qua đó tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, huy động mọi khả năng phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh.

Trên địa bàn biên giới tỉnh Kiên Giang, các phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới trong tình hình mới," “Toàn dân tham gia phòng, chống dịch COVID-19 và xuất, nhập cảnh trái phép," “Hộ gia đình tham gia bảo vệ đường biên, mốc quốc giới," “Tổ phụ nữ giữ gìn đường biên, cột mốc biên giới”... đã phát huy hiệu quả.

Đại tá Huỳnh Văn Đông, Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang, phát biểu trong buổi làm việc với đoàn phóng viên. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Chị Nguyễn Thị Kiều Hạnh, Phó tổ trưởng Tổ nhân dân tự quản khu phố Xà Xía (phường Mỹ Đức, thành phố Hà Tiên) cho biết từ khi thành lập đến nay, tổ đã tổ chức tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân hiểu được giá trị của chủ quyền, an ninh biên giới cùng chiến sỹ biên phòng ngăn chặn hành vi xuất nhập cảnh trái phép.

Chị Hạnh chia sẻ khu vực gần tuyến biên giới đa phần các hộ dân đều là đồng bào dân tộc, do đó công tác thông tin tuyên truyền thời gian qua còn gặp nhiều hạn chế. Tuy nhiên, giải pháp “đến từng ngõ, gõ cửa từng nhà” đã phần nào khắc phục được hạn chế này.

Về công tác vận động quần chúng nhân dân, chị Ngông Liếm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Mỹ Đức thông tin Hội đã ký kế hoạch phối hợp với Đội vận động quần chúng của Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên xây dựng kế hoạch bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới. Căn cứ trên kế hoạch, Hội xây dựng Tổ phụ nữ bảo vệ đường biên, cột mốc với 10 chị em tham gia.

Trong quá trình thực hiện, Hội Liên hiệp Phụ nữ và Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên tổ chức nhiều buổi tuyên truyền cho những hộ sống gần tuyến biên giới cũng như chị em về chính sách biên giới, đồng thời hỗ trợ nhân dân phát triển đời sống kinh tế, góp phần làm giảm tệ nạn xã hội, đặc biệt là tình trạng buôn lậu…

“Sau thời gian thực hiện mô hình, các hội viên đã có sự chuyển biến rõ nét về nhận thức, đặc biệt là với tình trạng xuất nhập cảnh trái phép, công tác phòng, chống buôn lậu… Bên cạnh đó, Hội cũng hỗ trợ các gia đình vùng biên giới tiếp cận các nguồn vốn chính sách để từng bước ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế," Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Mỹ Đức Ngông Liếm cho biết.

Thông qua quần chúng nhân dân, nhiều tin có giá trị phục vụ công tác quản lý, bảo vệ biên giới và công tác đấu tranh với các loại tội phạm, nhất là tội phạm ma túy, mua bán người, buôn lậu, xuất, nhập cảnh trái phép... được xử lý kịp thời, qua đó góp phần củng cố “thế trận lòng dân," xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh ở khu vực biên giới.

Đại tá Huỳnh Văn Đông, Chính ủy bộ đội biên phòng tỉnh Kiên Giang, nhấn mạnh để phát huy được sức mạnh tổng hợp nền biên phòng toàn dân, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, thời gian tới, lực lượng biên phòng địa phương triển khai đồng bộ hơn nữa các biện pháp công tác biên phòng.

Đặc biệt tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp, trọng tâm là đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân cùng góp phần xây dựng biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển./.

Bài 1: Người lính quân hàm xanh giữ vững biên cương, hải đảo

Bài 2: Nỗ lực phòng, chống vi phạm IUU trên vùng biển Tây Nam Tổ quốc

Hồng Đạt-Huỳnh Anh (TTXVN/Vietnam+)