Người lính “quân hàm xanh” vững vàng nơi tiền đồn Tây Nam Tổ quốc

Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau và Kiên Giang đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khai thác hải sản đến ngư dân, chủ tàu, góp phần sớm gỡ Thẻ vàng IUU.

Cán bộ biên phòng Đồn Biên phòng Sông Đốc (Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau) kiểm tra tàu cá, phòng chống khai thác IUU. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Để thực hiện mục tiêu chung tay cùng cả nước sớm gỡ thẻ vàng IUU, hướng đến xây dựng nghề cá có trách nhiệm, phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, lực lượng bộ đội biên phòng là điều kiện cần, trong khi điều kiện đủ chính là sự đồng lòng và ý thức trách nhiệm của mỗi ngư dân trên hải trình vươn khơi bám biển.

Tuyên truyền là trọng tâm xuyên suốt

Xác định tuyên truyền, nâng cao nhận thức của ngư dân là giải pháp căn bản, xuyên suốt trong thực hiện nhiệm vụ chống vi phạm IUU, Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến ngư dân, chủ tàu, thuyền trưởng trên địa bàn, qua đó nâng cao ý thức chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Thượng tá Phùng Đức Hưng, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau cho biết đơn vị giao nhiệm vụ cho các đảng viên Đồn Biên phòng phụ trách các hộ ở khu vực biên giới biển tuyên truyền, vận động chủ cơ sở khai thác, sản xuất, kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật.

Bộ đội Biên phòng hướng dẫn để ngư dân nhận biết ranh giới vùng biển Việt Nam với các nước; phổ biến quy định về ghi, nộp nhật ký khai thác thủy sản, báo cáo khai thác, lắp đặt, vận hành thiết bị giám sát hành trình…. Bên cạnh đó, cảnh báo, răn đe, ngăn ngừa hành vi vi phạm.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau đã kịp thời trao đổi, thống nhất với lực lượng chức năng, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương công khai vụ việc vi phạm, xử lý pháp luật trên phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền, đồng thời răn đe, cảnh báo về hậu quả của hành vi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.

[Kiên Giang phát động 2 đợt chống khai thác hải sản bất hợp pháp]

Tỉnh Kiên Giang với đặc thù có đường biên giới cả thủy và bộ, việc làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước, quy chế khu vực biên giới… luôn đòi hỏi sự kịp thời, nhất quán, chặt chẽ và hiệu quả cao.

Tại huyện An Biên, Đồn Biên phòng Tây Yên (Kiên Giang) đã tích cực tham mưu chính quyền hai huyện An Biên và Châu Thành thành lập hai Tổ tàu thuyền an toàn, bến bãi an toàn. Đơn vị cũng đẩy mạnh triển khai các mô hình, phong trào ngư dân bám biển… tạo chuyển biến sâu rộng trong quần chúng nhân dân.

Đại úy Nguyễn Văn Lành, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng Kênh Dài (Đồn Biên phòng Tây Yên) cho biết trạm đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tuyên truyền các văn bản quy định của pháp luật về Luật Thủy sản 2017, các quy định phòng, chống IUU.

Bộ đội Biên phòng tuần tra kiểm soát, phòng chống khai thác IUU vùng cửa biển Cà Mau. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Thượng úy Lê Doãn Hà Sơn, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng Pháo Đài, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên (Kiên Giang) cho biết trạm phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền đến từng tổ dân phố, từng nhà dân; tham mưu xây dựng nhiều cụm panô, áp phích để tuyên truyền phòng, chống vi phạm IUU một cách trực quan, sinh động.

Ngư dân Vũ Quốc Anh (ngụ xã Thuận Yên, thành phố Hà Tiên) chia sẻ: “Chúng tôi nhiều lần được Bộ đội Biên phòng trực tiếp lên tàu tuyên truyền về Luật Thủy sản, tác hại của việc khai thác thủy sản xâm phạm vào vùng biển nước ngoài… Cán bộ, chiến sĩ Biên phòng rất nhiệt tình giải đáp thắc mắc, hướng dẫn chúng tôi làm đúng các thủ tục đăng ký, đăng kiểm, đảm bảo tham gia đánh bắt đúng với quy định của Nhà nước.”

Tại Kiên Giang, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã độc lập và chủ động phối hợp cùng các lực lượng, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho ngư dân và các chủ tàu… Qua đó, kịp thời tuyên truyền, nhắc nhở về hệ lụy của việc vi phạm vùng biển nước ngoài ảnh hưởng đến chính trị, ngoại giao, kinh tế của quốc gia và ảnh hưởng đến chính ngư dân.

Tạo chuyển biến tích cực

Quyết tâm sớm gỡ cảnh báo thẻ vàng IUU, phát triển bền vững ngành Thủy sản, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia và hội nhập quốc tế không chỉ là mong muốn mà còn là nhiệm vụ hàng đầu của lực lượng bộ đội biên phòng.

Theo Thượng úy Lê Doãn Hà Sơn, nhờ tích cực tuyên truyền, ý thức của bà con đã được nâng lên rõ rệt thông qua việc chấp hành các quy định của pháp luật. Thời gian qua, trên địa bàn thành phố Hà Tiên không có phương tiện vi phạm về khai thác hải sản bất hợp pháp.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau đã phát hiện 17 vụ với 44 trường hợp vi phạm IUU trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Cũng như nhiều ngư dân khác, ông Nguyễn Cao Cường, Tổ trưởng Tổ tàu thuyền an toàn thành phố Hà Tiên nhận thấy việc tuyên truyền của cán bộ, chiến sỹ biên phòng đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của ngư dân, bà con chăm lo đánh bắt, vươn khơi bám biển theo đúng quy định pháp luật. Anh em trong Tổ cũng luôn nêu cao ý thức trách nhiệm trong việc vận động, tuyên truyền cho ngư dân chấp hành đúng qui định khi vươn khơi khai thác hải sản.

Qua đó, vừa bảo vệ an ninh chủ quyền biển, đảo, vừa góp phần chung tay cùng cả nước sớm tháo gỡ “thẻ vàng” IUU và người hưởng lợi trực tiếp cũng chính là ngư dân.

Hiện nay, 100% tàu cá tại tỉnh Cà Mau đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đảm bảo đầy đủ giấy tờ, trang thiết bị an toàn cho người, phương tiện khi hoạt động trên biển. Nhờ vậy, các vi phạm IUU đã giảm rõ rệt.

Đặc biệt, ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản của ngư dân được nâng lên, tình trạng sử dụng kích điện, đèn cao áp quá công suất, giã cào gần bờ để khai thác làm ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản, đã giảm hẳn.

Thiếu tá Lê Thành Út, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Rạch Gốc (Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau) cho biết công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cho ngư dân đã tạo được sự chuyển biến tích cực, rõ nét.

Từ đầu năm 2023 đến nay, trong thời gian cao điểm “180 ngày,” trên địa bàn Đồn Biên phòng Rạch Gốc quản lý không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.

Ngư dân Nguyễn Văn Thủy (Khóm 6, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển) bày tỏ hiện không còn tình trạng ngư dân tự ý ra khơi đánh bắt như trước, tất cả đều thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, từ giấy tờ thủ tục đăng ký, đăng kiểm đến ghi nhật ký đánh bắt… đều rõ ràng.

Với trên 30 năm đánh bắt thủy sản trên vùng biển quê hương, ngư dân Nguyễn Văn Việt (Khóm 4, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời) luôn tâm niệm mình phải làm ăn đúng theo pháp luật, không tham lam, tranh giành, ảnh hưởng đến lợi ích chung.

“Tôi nhận thấy việc ra vùng biển nước ngoài khai thác thủy sản bất hợp pháp là việc tuyệt đối không nên làm bởi nếu bị phát hiện sẽ phải chịu phạt nặng, có khi bằng thu nhập cả mấy năm đi đánh bắt. Bản thân tôi luôn nhắc nhở người thân, bạn bè khi ra khơi cần tuân thủ các quy định của pháp luật, làm ăn chính đáng, tuyệt đối không được xâm phạm vùng biển nước ngoài,” ông Nguyễn Văn Việt chia sẻ.

Cùng với ông Việt, ông Thủy, các ngư dân khác đánh bắt trên ngư trường Cà Mau-Kiên Giang đều tin tưởng, với nỗ lực của chính quyền, các lực lượng chức năng, nhất là Bộ đội Biên phòng Việt Nam sẽ sớm được gỡ “thẻ vàng” IUU, giúp bà con yên tâm làm ăn, cải thiện đời sống./.

Bài 1: Giữ vững biên cương

Bài 2: Nỗ lực phòng, chống vi phạm IUU

Bài 4: Xây chắc nền biên phòng toàn dân: Những mô hình thiết thực

Hồng Đạt-Huỳnh Anh (TTXVN/Vietnam+)