Người đầu tiên nối mạch thông tin từ Trại Davis đến Tổng xã ở Hà Nội
Trong điều kiện bị cô lập, thiếu nhiều phương tiện, hệ thống thu phát tin của Thông tấn xã Việt Nam tại ban Liên hợp quân sự đã hoạt động liên tục 483 ngày đêm cho tới ngày thống nhất đất nước.
Ngay sau khi Hiệp định Paris được ký kết ngày 27/1/1973, một lực lượng đặc biệt của cách mạng Việt Nam đã được thành lập tại Trại Davis (Sân bay Tân Sơn Nhất), để đảm bảo các bên thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Paris.
Ông Trương Việt Cường (sinh năm 1945), cán bộ kỹ thuật Thông tấn xã Việt Nam, là một trong những người đầu tiên lên chiếc C-130 của Mỹ, bay vào Sài Gòn với nhiệm vụ đảm bảo thông tin thông suốt, góp phần quan trọng trong cuộc đấu tranh cách mạng tại Trại Davis và Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.
Ông Cường là người đầu tiên trèo lên tháp nước cao nhất trong trại để lắp chiếc ăngten thu phát tín hiệu. Từ đây, thông tin hai miền Nam Bắc kết nối được thông suốt, hàng ngày, lượng lớn tin bài từ Sài Gòn được gửi ra Tổng xã, góp những tiếng nói đanh thép để phản đối chiến tranh, hướng đến hòa bình, độc lập, thống nhất non sông.
Bùng lên ngọn lửa cách mạng
Chàng thanh niên Trương Việt Cường vừa tốt nghiệp Đại học Bách khoa thì được “đầu quân” cho Việt Nam Thông tấn xã (sau này hợp nhất với Thông tấn xã Giải phóng thành Thông tấn xã Việt Nam ngày nay).
Thuộc thế hệ kỹ thuật viên Khóa 8 của Việt Nam Thông tấn xã, kỹ sư Trương Việt Cường phụ trách việc xử lý hình ảnh. Ấn tượng không thể quên trong cuộc đời ông là khoảnh khắc thu được bức ảnh công dân Norman Morrison tự thiêu bên bờ sông Potomac để phản đối chiến tranh xâm lược của Mỹ.
Ông kể: “Thời điểm đó, thiết bị rất hạn chế. Duy nhất chỉ có Việt Nam Thông tấn xã thu được ảnh của các hãng thông tin phương Tây như UPI, AP, Reuters phát ra rồi có hệ thống thu phát ảnh telephoto để truyền đi hình ảnh.”
[Trại Davis: ‘Ốc đảo cách mạng’ trong Chiến dịch Hồ Chí Minh]
Hệ thống này có điểm mới là không thu phát tin bằng chữ, bằng phát thanh, mà có thể phát ảnh qua các đường truyền sóng ngắn trong nước và ra thế giới, miễn là hai đầu cầu phải tùy chỉnh máy telephoto cho cùng một tần số.
Ông Cường nhớ lại rằng trong cuộc chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, máy telephoto là niềm tự hào của Việt Nam Thông tấn xã. Cơ quan phải nhờ tầng hầm của Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội) để bảo đảm an toàn cho hệ thống máy móc trong thời điểm Mỹ bắn phá ác liệt.
Ngọn lửa bùng lên trong bức ảnh và ngọn lửa phản chiến trong bài thơ “Emily, con…” của nhà thơ Tố Hữu đã tác động rất lớn đến ý chí, tinh thần của ông Trương Việt Cường:
“Những hố chông những đồng lầy kháng chiến
Những làng phố đã trở nên những pháo đài ẩn hiện
Những ngày đêm đất chuyển trời rung...
Ôi Việt Nam, xứ sở lạ lùng
Đến em thơ cũng hoá những anh hùng.”
Ở tuổi 80, trong dòng hồi tưởng về cảm xúc khi nhìn thấy bức ảnh, ông Cường vẫn rành rọt đọc hết bài thơ trong niềm xúc động. Ông bảo rằng đó là sự động viên, thôi thúc mạnh mẽ khiến ông can trường tham gia chiến đấu, cống hiến trong suốt thời kháng chiến và cả những năm tháng sau này. Người cán bộ kỹ thuật ấy đã cống hiến trọn đời cho Thông tấn xã Việt Nam đến khi về hưu năm 2005.
24 giờ thiết lập 'tai mắt' cho chính quyền cách mạng
Trong suốt sự nghiệp của mình, ông Cường đã giữ nhiều vị trí khác nhau như kỹ thuật viên, cán bộ giảng dạy kỹ thuật, Trưởng phòng Văn thư Lưu trữ, Bí thư Đoàn Thanh niên…, song quãng thời gian ghi dấu ấn đậm nét nhất trong tâm trí ông là những ngày tham gia đấu tranh cách mạng tại Trại Davis.
Ông lấy cho tôi xem những tấm ảnh đen trắng chụp một chàng trai trắng trẻo, khôi ngô trong những ngày đầu đến Trại Davis. Nụ cười ngời sáng tương phản hoàn toàn với màu xám xịt của những mái nhà fibro ximăng của trại.
Ông lấy ra một tấm ảnh chụp tháp nước Trại Davis, nơi ông từng trèo lên, lắp ăngten thu phát tín hiệu, để đường truyền thông tin giữa hai miền Nam Bắc được thông suốt. Ngày 30/4/1975, tháp nước này cũng chính là nơi Đại úy Phạm Văn Lãi cắm lá cờ cách mạng trong giây phút hấp hối của chế độ Việt Nam Cộng hòa.
Trại Davis là trụ sở của Ban Liên hợp Quân sự bốn bên: Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Mỹ và Việt Nam Cộng hòa nhằm thực hiện các điều khoản về quân sự mà hiệp định đã quy định về ngừng bắn, rút quân Mỹ và chư hầu, hủy bỏ căn cứ quân sự của Mỹ và chư hầu, trao trả tù binh và tìm kiếm người mất tích...
Ngày trong chiều 26/1/1973, Tổng Biên tập Đào Tùng đã triệu tập một nhóm cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên để giao nhiệm vụ thông tin tại Ban Liên hợp Quân sự bốn bên, trong đó ông Nguyễn Như Kim, Trưởng ban Biên tập Tin Đối ngoại làm Trưởng đoàn Việt Nam Thông tấn xã.
Nhóm kỹ thuật gồm có ông Trương Việt Cường (kỹ sư vô tuyến điện), Ngô Duy Phùng (điện báo viên) và Phạm Quang Khang (cơ khí sửa chữa teletype). Họ có trách nhiệm mang vào Sài Gòn các máy thu phát lớn (500kW) nặng đến 1,5 tấn để phát tin từ Sài Gòn ra Hà Nội.
“Cảm xúc lúc đó là rất phấn khởi và tự hào. Tất cả đều sẵn sàng lên đường đấu tranh cách mạng ngay trong ‘sào huyệt’ của địch,” ông Cường nhớ lại.
Ban Liên hợp Quân sự đóng tại Trại Davis, nguyên là một trại lính của quân đội Mỹ, nằm ở phía Tây Nam sân bay Tân Sơn Nhất.
Bao quanh trại là hàng rào thép gai dày đặc. Nội thất, đồ dùng, bàn ghế hoàn toàn bằng sắt. Với cái nắng nóng của Sài Gòn, nhiệt độ trong phòng có lúc lên đến hơn 40 độ C, cộng thêm tiếng máy bay cứ 5 phút lại một chuyến suốt ngày đêm ngay sát doanh trại, khiến mọi người đều thấy rất áp lực.
“Phía Việt Nam Cộng hòa còn đặt nhiều máy nghe trộm, cố gắng kiểm soát thông tin, phá sóng, gây nhiễu thông tin liên lạc của ta. Ngày đêm, họng súng đen ngòm chĩa vào trại, địch thường xuyên gây rối, đe dọa phá máy móc, cướp tài liệu khiến chúng tôi không khỏi căng thẳng. Song, tất cả luôn giữ tinh thần kiên quyết bảo vệ máy móc thiết bị, duy trì ‘huyết mạch’ thông tin,” ông Cường tâm sự.
Như vậy, hàng tấn máy móc thiết bị thông tin đã được các kỹ thuật viên đưa vào sào huyệt của địch chỉ trong 24 giờ, vượt qua khó khăn về vật chất và sự phá hoại điên cuồng của kẻ địch, trở thành “tai mắt” hiệu quả của Ban Liên hợp Quân sự.
“Rất nhiều người đã nói rằng hệ thống teletype của Thông tấn xã Việt Nam không chỉ phải là khối sắt thép vô tri vô giác mà là công cụ hữu ích ‘có hồn’ góp phần không nhỏ vào cuộc đấu tranh quân sự-ngoại giao trong ‘ốc đảo cách mạng’ này,” ông Cường khẳng định.
Trong điều kiện bị cô lập, thiếu nhiều phương tiện, hệ thống thu phát tin của Thông tấn xã Việt Nam tại ban Liên hợp quân sự đã hoạt động liên tục 483 ngày đêm cho tới ngày thống nhất đất nước. Những năm sau đó, ông Trương Việt Cường cùng các cán bộ kỹ thuật của Thông tấn xã Việt Nam lại giúp Campuchia xây dựng một cơ sở kỹ thuật thông tin hoàn chỉnh từ năm 1979 đến 1981.
Trong không khí kỷ niệm 78 năm thành lập Thông tấn xã Việt Nam (15/9/1945-15/9/2023), ông Cường tự hào bảo “nhà tôi ba đời làm Thông tấn”: “Bố vợ tôi công tác tại Ban Biên tập Tin đối ngoại, vợ tôi – Trang Kim Thu là cán bộ Trung tâm Ảnh, con gái của chúng tôi - Trương Thanh Thủy cũng từng là phóng viên ảnh, nhưng nay đã chuyển công tác”./.