Người đàn ông hoại tử gần toàn bộ ruột non nghi do ngộ độc thức ăn
Bệnh nhân P.V.M. 72 tuổi, ở Hà Nội vào cấp cứu tại Bệnh viện Hữu Nghị trong tình trạng sốc nhiễm trùng, nhiễm độc nặng, hoại tử gần như toàn bộ ruột non nghi do ngộ độc.
Ngày 6/4, Bệnh viện Hữu Nghị thông tin, các bác sĩ của Bệnh viện đã phẫu thuật thành công cho một bệnh nhân hoại tử gần như toàn bộ ruột non nghi do ngộ độc.
Bệnh nhân P.V.M. nam giới, 72 tuổi, ở Hà Nội vào cấp cứu tại Bệnh viện Hữu Nghị trong tình trạng sốc nhiễm trùng, nhiễm độc nặng. Người nhà kể sau khi ăn rau sống và thịt lợn hun khói thì ông M. xuất hiện đau bụng, nôn nhiều và đi ngoài. Sau khi làm các xét nghiệm và chụp cắt lớp ổ bụng, các bác sỹ chẩn đoán bệnh nhân bị sốc do hoại tử ruột. Bệnh nhân được chuyển mổ cấp cứu.
Bệnh nhân vào phòng mổ trong tình trạng sốc nhiễm trùng nhiễm độc nặng, mạch nhanh nhỏ khó bắt, huyết áp tụt, các bác sĩ đã phải dùng các thuốc vận mạch liều cao cùng tiến hành vừa mổ vừa hồi sức.
Trong quá trình mổ, bác sĩ nhận thấy một đoạn dài gần 2,5m ruột non bị hoại tử đen nên đã tiến hành cắt toàn bộ đoạn ruột hoại tử và phục hồi lại lưu thông ruột.
Ngay sau mổ tình trạng sốc của bệnh nhân đã được cải thiện, bỏ thở máy, hiện tại bệnh nhân đã đi ngoài và ăn uống nhẹ, dự kiến xuất viện trong vài ngày tới.
Bác sĩ Hoàng Việt Dũng - Trưởng Khoa Ngoại tổng hợp, người trực tiếp phẫu thuật cho biết hoại tử ruột non là bệnh lý rất nặng, tỷ lệ tử vong cao, cần được chẩn đoán và xử trí kịp thời. Nguyên nhân hoại tử ruột hay gặp trong các bệnh về máu gây tắc mạch mạc treo, tắc ruột do xoắn vặn, do dây chằng thắt nghẹt gây thiếu máu ruột dẫn đến hoại tử, thoát vị bẹn nghẹt, do viêm ruột… Viêm ruột hoại tử có thể do Clostridial, là một loại trực khuẩn gặp ở thức ăn vệ sinh kém, trong thịt chưa chín kỹ, nhiễm giun đũa. Biểu hiện lâm sàng bao gồm đau bụng, nôn, sốt, đi ngoài phân lỏng có thể có máu, bụng chướng, nặng có thể sốc, suy hô hấp, suy thận cấp, toan chuyển hóa… và tử vong.
Theo bác sĩ Dũng, việc chẩn đoán bệnh dựa vào lâm sàng, các xét nghiệm chuyên khoa và chụp cắt lớp vi tính ổ bụng. Sau đó bệnh nhân được điều trị phối hợp nội và ngoại khoa. Bệnh nhân được chỉ định mổ viêm ruột hoại tử trong các trường hợp có nguyên nhân cơ học, viêm phúc mạc thủng, điều trị nội khoa không kết quả.
Bác sĩ Dũng khuyến cáo các bệnh nhân có tiền sử tim mạch, các bệnh về máu, sử dụng thuốc chống đông…cần khám và kiểm tra định kỳ. Có chế độ ăn, dinh dưỡng hợp lý, thức ăn sạch sẽ, ăn chín, uống sôi có thể giảm thiểu các nguy cơ của loại bệnh lý này. Trong trường hợp người bệnh nếu có các triệu chứng xuất hiện đột ngột như trên cần đến ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị sớm nhất./.