Người dân Iraq biểu tình gần sứ quán Thụy Điển sau vụ đốt kinh Koran
Cảnh sát Iraq đã phải phong tỏa các tuyến phố bao quanh Đại sứ quán Thụy Điển ở Baghdad bằng các khối bêtông dày, khiến người biểu tình chỉ có thể tập trung trên đại lộ gần khu vực Đại sứ quán.
Ngày 30/6, hàng nghìn người dân Iraq đã tập trung gần Đại sứ quán Thụy Điển tại thủ đô Baghdad để tiếp tục biểu tình phản đối vụ một người tị nạn ở Thụy Điển đốt bản sao kinh Koran hôm 28/6.
Đây là ngày thứ hai diễn ra biểu tình tại Iraq để phản đối vụ việc đang gây làn sóng phẫn nộ trong thế giới Hồi giáo vào đúng dịp Lễ trọng Eid al-Adha.
Cảnh sát Iraq đã phải phong tỏa các tuyến phố bao quanh Đại sứ quán Thụy Điển ở Baghdad bằng các khối bêtông dày, khiến người biểu tình chỉ có thể tập trung trên đại lộ gần khu vực Đại sứ quán.
Biện pháp này được triển khai sau khi người biểu tình đã tràn vào bên trong Đại sứ quán Thụy Điển trong ngày đầu tiên và ở lại đó khoảng 15 phút trước khi bị lực lượng an ninh đưa ra ngoài.
Ngoài thủ đô Baghdad, một số cuộc biểu tình với quy mô nhỏ hơn cũng đã diễn ra ở thành phố cảng Basra hôm 30/6 với sự tham gia của hàng trăm người.
Các cuộc biểu tình này được tổ chức bởi những người ủng hộ Giáo sỹ dòng Shiite Moqtada Sadr. Trong thông điệp gửi tới những người biểu tình, Giáo sỹ Sadr cảnh báo việc đốt bản sao kinh Koran là hành vi “kích động hận thù” và chống lại hàng triệu người Hồi giáo trên khắp thế giới.
Tại nước láng giềng Iran, hàng chục người cũng đã biểu tình bên ngoài Đại sứ quán Thụy Điển ở thủ đô Tehran nhưng hiện chưa có thêm thông tin chi tiết.
[Bộ Ngoại giao Iraq đề nghị Thụy Điển dẫn độ đối tượng đốt Kinh Koran]
Các tín đồ Hồi giáo và chính phủ nhiều nước có cộng đồng người Hồi giáo đã có những phản ứng mạnh sau khi xảy ra vụ Salwan Momika - một người tị nạn Iraq sống tại Thụy Điển, đốt bảo sao kinh Koran trước đền thờ Hồi giáo lớn nhất ở thủ đô Stockholm hôm 28/6, đúng ngày đầu tiên diễn ra Lễ Eid al-Adha của người Hồi giáo.
Trong động thái mới nhất, Bộ Ngoại giao Kuwait đã triệu Đại sứ Thụy Điển tại Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) để trao công hàm phản đối vụ việc.
Trước đó, UAE, Maroc và Iraq cũng đã triệu đại diện ngoại giao của Thụy Điển để phản đối hành vi "thiếu tôn trọng và xúc phạm thế giới Hồi giáo," trong khi Thổ Nhĩ Kỳ lên tiếng chỉ trích các hành động chống lại những người Hồi giáo./.