Người dân cần làm gì để thực hiện đổi thẻ ATM từ sang thẻ chip?
Để thúc đẩy khách hàng đổi thẻ thẻ ATM nội địa công nghệ từ sang thẻ chip nội địa, đến thời điểm này đa số các tổ chức tín dụng đều miễn phí cho dịch vụ này.

Mặc dù việc chuyển đổi chuyển đổi thẻ ATM nội địa công nghệ từ (thẻ từ) sang thẻ chip nội địa đã được phổ biến rộng rãi từ khá sớm nhưng đến nay mới chỉ đạt khoảng 30%-40%. Một số ngân hàng thương mại cho biết vẫn đang tiếp tục triển khai nhiều giải pháp để khuyến khích khách hàng nhanh chóng chuyển đổi.
Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi
Dù Ngân hàng Nhà nước khẳng định sau ngày 31/12, khách hàng vẫn có thể sử dụng thẻ từ để giao dịch thẻ tại ATM, POS, tuy nhiên lộ trình sẽ sớm được thực hiện trong thời gian tới. Việc bắt buộc chuyển từ thẻ từ sang thẻ chip nhằm đảm bảo quyền lợi cho chủ thẻ, giúp giao dịch trở nên an toàn và bảo mật hơn.
Lãnh đạo Hội Thẻ Việt Nam cho biết hiện cả nước có khoảng 110 triệu thẻ. Số lượng thẻ ATM công nghệ từ vẫn còn rất nhiều vì tỷ lệ chuyển sang thẻ chip mới được khoảng 30%-40%. Hội Thẻ Việt Nam luôn khuyến cáo các ngân hàng đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi sang thẻ chip cho khách hàng để giao dịch đảm bảo an toàn, bảo mật hơn vì thẻ chip khó bị làm giả hơn rất nhiều so với thẻ từ.
[Sau ngày 31/12, thẻ từ vẫn giao dịch bình thường trên ATM, POS]
Agribank là một trong 4 ngân hàng có lượng khách hàng cá nhân lớn nhất hệ thống, hiện phục vụ hơn 14 triệu thẻ đang hoạt động và luôn duy trì vị thế tốp 3 ngân hàng thương mại trên thị trường với gần 4.000 ATM/CDM, gần 25.000 POS được lắp đặt phân bổ trên khắp các tỉnh thành, vùng miền xa xôi trên toàn quốc.
Vì vậy ngay từ tháng 5/2020 ngân hàng đã tiên phong trong việc thực hiện chuyển đổi thẻ chip nội địa và triển khai phát hành thẻ chip nội địa. Song song với việc phát hành thẻ chip nội địa không tiếp xúc thì Agribank cũng đang phát hành thẻ chip quốc tế không tiếp xúc thương hiệu Visa/Mastercard/JCB theo chuẩn EMV. Bên cạnh đó, tại tất cả các ATM/CDM/POS của Agribank cũng đã cơ bản hoàn thành cập nhật tính năng chấp nhận thanh toán thẻ chip nội địa, thẻ quốc tế không tiếp xúc để hỗ trợ khách hàng giao dịch.
Trong khi đó, đại diện VietinBank cũng cho biết do lượng khách hàng rất lớn, trải rộng trên cả nước, đến nay, VietinBank đã thực hiện chuyển đổi thành công gần 50% thẻ ATM từ đang lưu hành trên thị trường.
Hiện khách hàng dùng thẻ ATM từ sẽ được giảm hơn 50% phí khi chuyển đổi, phát hành mới thẻ chip Contactless E-Partner Premium trong giai đoạn từ nay đến hết 31/3/2022…
"Sau thời điểm 31/12/2021, dù đã chuyển đổi hay chưa, hệ thống giao dịch của VietinBank luôn đáp ứng để giao dịch của khách hàng luôn được thông suốt, an toàn, đặc biệt dịp cuối năm, không ảnh hưởng đến quyền lợi của chủ thẻ cho đến khi chuyển đổi thành công trong năm 2022," đại diện VietinBank cho hay.
Để gia tăng tính an toàn, bảo mật của giao dịch và tối ưu hóa tiện ích của sản phẩm thẻ, lãnh đạo Vietcombank và BIDV cũng khuyến khích chủ thẻ chuyển đổi thẻ công nghệ từ sang thẻ công nghệ chip. Đặc biệt, Vietcombank hỗ trợ khách hàng chuyển đổi hoàn toàn miễn phí và cung cấp kênh chuyển đổi trực tuyến trên VCB DigiBank và BIDV SmartBanking nhanh chóng, thuận tiện.
Với các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân thì tỷ lệ chuyển đổi đạt cao do số lượng thẻ ít và tập chung chủ yếu ở các thành phố lớn.
Tại TPBank, tính đến thời điểm hiện tại, ngân hàng này đã hoàn thiện chuyển đổi khoảng 98% số lượng thẻ từ của khách hàng sang thẻ công nghệ thẻ chip với mục tiêu chuyển đổi hoàn tất trước 31/12. Tương tự, tại Ngân hàng Nam Á, tỷ lệ chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip cũng đạt khoảng 66%. Một số ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân khác cũng đạt tỷ lệ khá cao.
Để thúc đẩy khách hàng đổi thẻ từ sang thẻ chip, đến thời điểm này đa số ngân hàng đều miễn phí cho dịch vụ này.
Hiện có hai cách phổ biến để đổi thẻ từ sang thẻ chip. Cách thứ nhất, khách hàng chỉ cần mang chứng minh thư/hộ chiếu/thẻ căn cước công dân còn hiệu lực đến điểm giao dịch của ngân hàng và đề nghị chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip và sẽ nhận thẻ từ 5-10 ngày làm việc.
Cách thứ hai là có thể truy cập vào ứng dụng ngân hàng số, mobile banking để thực hiện và nhận thẻ tại nhà hoặc tại điểm giao dịch của ngân hàng. Ngoài ra, ở một số ngân hàng số, người dùng có thể đổi thẻ từ sang thẻ chip tại các cây ATM đa năng.
Sự khác nhau giữa thẻ từ và thẻ chip?
Lãnh đạo Công ty cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) cho biết thẻ từ là thẻ có chứa dải băng từ với nhiệm vụ lưu trữ thông tin đã được mã hóa của khách hàng. Dữ liệu trên thẻ từ được lưu trữ cố định trên dải từ (mặt sau thẻ) và chỉ được mã hóa một lần, vì vậy dễ dẫn đến rủi ro đánh cắp thông tin thẻ và gian lận giao dịch.
Thẻ chip còn được gọi là "thẻ thông minh," thẻ có gắn một vi mạch trên bề mặt thẻ và đây là điểm khác biệt cơ bản giữa thẻ chip và thẻ băng từ. Đối với thẻ chip, dữ liệu giao dịch gồm dữ liệu được lưu cố định tại chip (mặt trước thẻ) và mật mã giao dịch thay đổi theo mỗi giao dịch.

Cụ thể, mỗi khi thẻ chip được dùng để thanh toán thì chip sẽ tạo ra một mã giao dịch độc nhất và không bao giờ lặp lại. Trong trường hợp thẻ của khách hàng bị đánh cắp thông tin từ một cửa hàng nào đó, chiếc thẻ giả sẽ không bao giờ hoạt động vì mã giao dịch bị trộm sẽ không dùng lại được, chiếc thẻ đó sẽ bị từ chối.
Thẻ chip nội địa sẽ đáp ứng đầy đủ các yếu tố kỹ thuật về an toàn, bảo mật theo bộ tiêu chuẩn VCCS tiên tiến nhất. Thẻ sử dụng vi mạch chip để lưu giữ thông tin thẻ thay vì lưu trên dải từ, giảm thiểu các giao dịch giả mạo, gian lận do chỉ có ngân hàng phát hành mới đọc được dữ liệu trong thẻ. Mỗi giao dịch sẽ có một mã xác thực riêng, đảm bảo không lấy cắp dữ liệu để giả mạo được giao dịch thẻ.
Mặt khác, với công nghệ thanh toán không tiếp xúc, "tap & go"- "chạm và đi" cùng với việc cho phép thanh toán không xác thực người dùng với giao dịch giá trị nhỏ của thẻ chip không tiếp xúc sẽ giúp đẩy nhanh tốc độ xử lý giao dịch thanh toán, tiện lợi hơn thanh toán bằng tiền mặt.
Chỉ với thao tác chạm nhẹ vào thiết bị POS mà không cần quẹt hay đưa chip vào đầu đọc thẻ là khách hàng đã có thể bắt đầu thực hiện giao dịch. Hơn nữa, thẻ chip nội địa còn có thể tích hợp các ứng dụng các dịch vụ, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt với các ngành khác như giao thông, bảo hiểm, y tế, giáo dục và dịch vụ công./.