Người châu Âu rút hàng tỷ USD để tìm “bến đỗ” tốt hơn các ngân hàng
Số liệu từ công ty dịch vụ tài chính Refinitiv Lipper cho thấy đã có hơn 34 tỷ euro chảy vào các quỹ thị trường tiền tệ châu Âu trong tháng 3, trở thành loại tài sản bán chạy nhất trong tháng.
Những người tiết kiệm ở châu Âu đang rút ngày càng nhiều tiền khỏi các ngân hàng và tìm kiếm kênh đầu tư cho lợi nhuận tốt hơn, khi những ngân hàng này từ chối trả thêm tiền để giữ lại các khoản tiền gửi đó.
Xu hướng trên xuất hiện khi một số ngân hàng lớn nhất tại khu vực châu Âu khởi đầu năm 2023 với lợi nhuận ấn tượng, dù các báo cáo của họ cũng cho thấy một hiện tượng được gọi là “bank walk” - chỉ tình trạng dòng tiền mặt của khách hàng chảy khỏi các ngân hàng chậm nhưng ở mức đáng kể.
Các ngân hàng đã nhanh chóng tính thêm tiền lãi cho các khoản vay khi lãi suất tăng nhanh và chấm dứt gần 15 năm chỉ quanh mức 0% vào năm ngoái.
Tuy nhiên, hầu hết ngân hàng lại rất chần chừ tăng lãi suất tiền gửi cho hàng triệu khách hàng của mình.
Điều đó giúp lợi nhuận tại nhiều ngân hàng lớn tăng trưởng vượt mong đợi của giới phân tích, nhưng lại khiến người tiết kiệm không hài lòng. Chính những diễn biến này làm dấy lên những câu hỏi mới về tính ổn định lâu dài của lĩnh vực ngân hàng châu Âu.
Tìm kiếm các “bến đỗ” mới
Các quỹ thị trường tiền tệ đang tỏ ra rất hấp dẫn đối với những người đang tìm kiếm lợi nhuận tốt hơn từ các khoản tiền mặt của mình khi lạm phát vẫn cao.
Trong những năm gần đây, lợi tức của các quỹ này chỉ cao hơn lãi suất tiền gửi ngân hàng một chút. Nhưng chỉ số Quỹ thị trường tiền tệ định giá bằng đồng bảng Anh của công ty theo dõi thị trường Crane đã báo cáo lợi suất trung bình bảy ngày là 4,12% tính đến ngày 25/4.
Lợi suất của chỉ số tương đương tính bằng đồng euro là 2,81%. Những con số trên đều cao hơn đáng kể so với lãi suất dưới 1% của một số ngân hàng.
[Chuyên gia kinh tế: Hệ thống ngân hàng châu Âu đang ở vị thế vững chắc]
Số liệu từ công ty dịch vụ tài chính Refinitiv Lipper cho thấy đã có hơn 34 tỷ euro (37,6 tỷ USD) chảy vào các quỹ thị trường tiền tệ châu Âu trong tháng Ba, trở thành loại tài sản bán chạy nhất trong tháng đó.
Công ty quản lý đầu tư Fidelity International cũng báo cáo dòng tiền đổ vào các quỹ thị trường tiền tệ trên nền tảng đầu tư của họ trong khoảng thời gian từ ngày 1/1-26/4 đã tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính đến cuối năm ngoái, loại hình quỹ thị trường tiền tệ đã đạt trị giá hơn 1.400 tỷ euro.
Con số này vẫn còn rất nhỏ so với 9.450 tỷ euro được gửi trong các tài khoản vãng lai hoặc séc tại các ngân hàng trên toàn Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone).
Sự tự tin của các ngân hàng
Tại nước Anh, khách hàng của NatWest đã rút 11,1 tỷ bảng Anh (13,9 tỷ USD) trong ba tháng đầu năm.
Tiền gửi của HSBC (không bao gồm các dòng tiền nhập vào một lần) giảm 10 tỷ USD xuống còn 1.600 tỷ USD vào cùng giai đoạn, trong khi ngân hàng Barclays và Lloyds lần lượt ghi nhận mức giảm 5 tỷ bảng và 2,2 tỷ bảng.
Tại Đức, dữ liệu của Ngân hàng trung ương Bundesbank cho thấy tiền gửi của các hộ gia đình đã giảm gần 8% so với một năm trước đó.
Deutsche Bank, ngân hàng lớn nhất của nước Đức, cho rằng mức giảm 4,7% trong tiền gửi của chính họ trong quý đầu năm một phần là do lo ngại về khả năng sụp đổ lây lan từ cuộc khủng hoảng ngân hàng ở Mỹ và Thụy Sĩ.
Ngân hàng BNP Paribas của Pháp cũng báo cáo mức giảm khiêm tốn về tiền gửi trong quý đầu tiên, trong khi Santander của Tây Ban Nha là ngân hàng lớn duy nhất ở châu Âu báo cáo mức tăng 6% so với cùng kỳ năm 2022.
Tuy nhiên, các quản lý ngân hàng cấp cao tại châu Âu đã “phớt lờ” mối đe dọa từ việc lượng tiền gửi suy giảm.
Khi được hỏi về mức giảm tiền gửi 1,6% trong quý 1/2023, Giám đốc điều hành UniCredit Andrea Orcel cho biết ngân hàng này đang có vị thế thanh khoản vững chắc với tỷ lệ khả năng thanh toán lên tới 163%.
Do đó, UniCredit đủ khả năng đạt lợi nhuận trong mảng quản lý cơ sở tiền gửi của mình.
Ở khía cạnh lạc quan, tiền gửi giảm mạnh hơn cũng có thể giúp các ngân hàng cân bằng các khoản nợ của họ (chủ yếu là những gì họ nợ người gửi tiền) với sự sụt giảm giá trị tài sản trong tương lai, khi nhu cầu cho vay có dấu hiệu chậm lại.
Nhưng các ngân hàng cũng phải đảm bảo rằng họ có đủ thanh khoản và vốn trong tay để trang trải cho các thương vụ có thể bất ngờ “lật thuyền.”
Hầu hết các ngân hàng đều khẳng định nắm trong tay thanh khoản và mức vốn cao hơn yêu cầu quy định.
Nhưng sự sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley Bank của Mỹ và Credit Suisse của Thụy Sỹ là lời cảnh báo về những gì có thể xảy ra khi khách hàng ồ ạt rời bỏ các ngân hàng cùng lúc.
Một số nhà lập pháp đã lên tiếng chỉ trích các ngân hàng vì sự chênh lệch giữa mức phí họ áp lên người đi vay và lãi suất dành cho người tiết kiệm, rằng các ngân hàng chỉ quan tâm đến bảo toàn lợi nhuận của mình mà bỏ mặc người gửi tiền.
Giám đốc điều hành HSBC Noel Quinn mô tả mức giảm tiền gửi tại ngân hàng của ông là "không có gì đáng kể."
Còn ông Andy Halford, Giám đốc Tài chính của Standard Chartered nhận định người dùng đa phần sẽ ưu tiên bảo mật hơn các khoản thanh toán lãi. Theo ông, khách hàng rồi sẽ tìm tới và gửi tiền ở “những nơi an toàn”./.