Người biểu tình bất ngờ tạt súp vào bức họa Mona Lisa lừng danh
Hai người phụ nữ đã hất súp vào bức họa nàng Mona Lisa được trưng bày tại bảo tàng Louvre nhằm yêu cầu nâng giá bán nông sản trong nước và bảo vệ ngành nông nghiệp trước hàng nhập khẩu giá rẻ.
Ngày 28/1, hai nhà hoạt động nữ đã ném súp vào bức họa Mona Lisa ở bảo tàng Louvre nhằm kêu gọi bảo vệ quyền lợi của người nông dân.
Theo báo cáo, kiệt tác của danh họa Leonardo da Vinci được gia cố sau lớp kính chống đạn nên không bị hư hại.
Sau khi ném súp vào bức tranh, hai người phụ nữ hét lên bằng tiếng Pháp với đám đông người xem: “Điều quan trọng nhất là gì? Nghệ thuật hay quyền được sử dụng thực phẩm lành mạnh và bền vững?
Video và hình ảnh về vụ ném súp lan truyền vào sáng Chủ nhật cho thấy tấm kính bảo vệ của bức tranh Mona Lisa bị bao phủ bởi những vệt súp cam.
Các nhân viên an ninh của bảo tàng Louvre đã dùng một tấm rèm màu đen chắn trước mặt hai người phụ nữ này trước khi đưa họ ra khỏi phòng trưng bày tranh. Theo hãng tin AP, cảnh sát Paris đã bắt giữ hai phụ nữ này sau vụ việc trên.
Hai nhà hoạt động dường như mặc áo phông có in cụm từ “Riposte Alimentaire” (tạm dịch là “phản ứng với thực phẩm).
Trong tuyên bố đăng lên mạng xã hội X, tổ chức Riposte Alimentaire cho biết hành động của hai phụ nữ này là bất bạo động và họ hy vọng nâng cao nhận thức về vấn đề mà nông dân phải đối mặt cũng như những lo ngại về vấn đề an ninh lương thực.
Theo nhóm này, nông dân Pháp bị chèn ép bởi áp lực phân phối hàng loạt, đến mức khiến họ phải bán lỗ các sản phẩm của mình. Ngoài ra, hệ thống nông nghiệp và thực phẩm hiện nay cũng gây ra những hậu quả môi trường cực kỳ đáng lo ngại.
Riposte Alimentaire là một phần của phong trào A22, tập hợp các nhóm biểu tình như Just Stop Oil, đã gây chú ý vào năm 2022 sau khi đổ súp lên bức tranh “Hoa hướng dương” của danh họa Vincent van Gogh tại bảo tàng Phòng trưng bày Quốc gia ở London.
Theo hãng tin AP, vụ việc hất súp vào bức họa Mona Lisa xảy ra khi nông dân Pháp đang biểu tình với yêu sách được bảo vệ tốt hơn trước hàng nhập khẩu và tăng giá cho những nông sản họ sản xuất ra.
Rachida Dati, Bộ trưởng Văn hóa Pháp, cho biết trong một bài đăng trên X rằng không có nguyên nhân nào có thể biện minh cho việc phá hoại bức họa Mona Lisa.
Mona Lisa từng là mục tiêu của những người biểu tình trong quá khứ. Vào năm 2022, một người đàn ông ăn mặc như một bà già đã bôi một lớp kem giống như bánh ngọt lên bức tranh.
Hơn một thập kỷ trước, vào năm 2009, một người phụ nữ đã ném chiếc cốc gốm vào bức tranh. Năm 1956, bức tranh bị ném đá và axit, buộc bảo tàng phải áp dụng biện pháp bảo vệ bức tranh sau tấm kính cường lực.
Từ giữa tháng 1/2024, phong trào biểu tình của nông dân Pháp đã lan rộng ra nhiều địa phương nhằm phản đối tình trạng có nhiều gánh nặng chồng chất lên vai họ, từ chi phí sản xuất, giá năng lượng tăng vọt đến các quy định gắt gao về sử dụng thuốc trừ sâu.
Ngày 26/1, nông dân Pháp đã dựng rào chắn đường trên một trong những tuyến đường cao tốc chính nối thủ đô Paris với thành phố Lille ở miền Bắc nước này.
Sự việc đã làm ách tắc giao thông kéo dài vài km. Đây là lần đầu tiên trong năm 2024 thủ đô của Pháp rơi vào tình trạng gián đoạn giao thông quy mô lớn do biểu tình của nông dân gây ra.
Trước đó, ngày 25/1, hàng trăm chiếc máy kéo chặn ngang đường cao tốc A16. Các nghiệp đoàn nông dân cho biết để gia tăng áp lực với chính phủ, phong trào biểu tình sẽ được mở rộng ra miền Bắc và khắp cả nước trong những ngày tới.
Nhiều nông dân cho biết họ đang cảm thấy “ngạt thở” với các chính sách quản lý của chính phủ, với quá nhiều quy định chồng chéo và “không phù hợp với thực tế," đặc biệt là các điều khoản chiểu theo các tiêu chuẩn của Thỏa thuận Xanh châu Âu.
Trong bối cảnh giá nguyên liệu thô và năng lượng tăng cao làm sụt giảm lợi nhuận của nhiều nông trang, đặc biệt là những trang trại nhỏ và truyền thống, chính phủ Pháp được cho là chưa có nhiều biện pháp hỗ trợ cụ thể, khiến các nông dân cảm thấy giống như “những người vô hình” trong các cuộc tranh luận chính trị về hậu quả của lạm phát và khủng hoảng./.