Nghiên cứu việc mở rộng tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gợi mở các cơ sở giáo dục đào tạo có thể tổ chức kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm gắn với Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.
Chiều 19/11, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến và Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã dự Lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam và Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại Học viện Tài chính.
Chung vui cùng thầy và trò của Học viện Tài chính, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến tin tưởng với truyền thống 60 năm xây dựng và phát triển, Học viện Tài chính sẽ thực hiện thành công triết lý của mình trong đào tạo nguồn nhân lực, “đào tạo những gì xã hội cần chứ không chỉ đào tạo những gì mình đang có” để cung cấp các sản phẩm đào tạo và nghiên cứu khoa học tài chính-kế toán chất lượng cao cho xã hội.
Theo ông Đỗ Văn Chiến, hơn 20 năm qua, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã khởi xướng tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở các khu dân cư vào dịp kỷ niệm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11).
Qua thực tiễn, Ngày hội đã nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, sự hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân, góp phần củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo đồng thuận xã hội, huy động được sức mạnh của nhân dân, đồng lòng, chung sức thực hiện thắng lợi nhiều mục tiêu nhiệm vụ của đất nước, của từng địa phương, cơ sở.
Từ kết quả đó, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã báo cáo Ban Bí thư đồng ý cho tổ chức thí điểm Ngày hội Đại đoàn kết tại cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mong muốn nghiên cứu thêm thực tiễn, nếu được sẽ báo cáo với cấp có thẩm quyền, để đề xuất, mở rộng tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở các cơ quan hành chính, sự nghiệp, doanh nghiệp…
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gợi mở các cơ sở giáo dục đào tạo như Học viện Tài chính có thể tổ chức kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm gắn với Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc với những nội dung có nhiều ý nghĩa như: ôn lại lịch sử truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng với việc ôn lại lịch sử hình thành, phát triển của Học viện; tri ân các thế hệ thầy cô giáo, những người có công lao xây dựng Học viện; hoạt động an sinh-xã hội mỗi năm một số địa chỉ nhân đạo giúp đỡ thầy, cô giáo và các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn…
Chúc mừng các thầy, cô giáo nhân ngày 20/11, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc ghi nhận trong những năm qua, các thầy giáo, cô giáo, viên chức, người lao động trong toàn Học viện đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách để hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch giảng dạy và nghiên cứu khoa học, mang lại nhiều kết quả tích cực.
Trong quá trình hơn 60 năm xây dựng và phát triển, Học viện Tài chính đã đóng góp nguồn nhân lực đáng kể cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước ở các lĩnh vực kinh tế, tài chính, kế toán và trở thành địa chỉ tin cậy trong việc “thu hút nhân tài-bồi dưỡng nhân tâm-hoàn thiện nhân cách-phát triển nhân lực."
Đến nay, Học viện Tài chính đã trở thành cơ sở giáo dục đào tạo đa ngành, đa phương thức theo định hướng nghiên cứu, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao gắn kết đào tạo với nghiên cứu khoa học, đáp ứng nhu cầu của xã hội, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Nhấn mạnh chúng ta đang sống trong thời đại 4.0, lấy nền tảng công nghệ số làm đột phá, Phó Thủ tướng đề nghị nhà trường tiếp tục đổi mới, cập nhật chương trình đào tạo; tăng cường hợp tác với các trường quốc tế; đặc biệt cần nâng cao kỹ năng thực hành cho người học…
"Chúng ta đang xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, do đó, lao động cũng phải theo cơ chế thị trường, sản phẩm đào tạo của nhà trường phải đáp ứng được nhu cầu của các tập đoàn, công ty nước ngoài, trong nước," Phó Thủ tướng nêu rõ.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị Học viện Tài chính tiếp tục đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học và đưa kết quả nghiên cứu vào thực tiễn. Bộ Tài chính tiếp tục quan tâm, đồng hành cùng Học viện trong quá trình xây dựng, phát triển, trở thành cơ sở đào tạo cán bộ tài chính hàng đầu, cung cấp nhân lực cho thị trường lao động trong nước và quốc tế.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đào Tùng, Giám đốc Học viện Tài chính, hơn 60 qua, Học viện đã không ngừng nỗ lực trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, nhân lực tài chính, đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển đất nước.
Đến nay, Học viện đã đào tạo được hơn 500 tiến sỹ, hơn 10.000 thạc sỹ và hơn 100.000 cử nhân kinh tế cho nước nhà và hơn 500 cử nhân, thạc sỹ cho đất nước bạn Lào, Campuchia./.