Nghiên cứu tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường theo lộ trình
Đại biểu đề nghị cần đánh giá tác động kỹ lưỡng về hiệu quả của việc bổ sung mặt hàng nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để đảm bảo mục tiêu bảo vệ sức khỏe người dân.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, chiều 27/11, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Các ý kiến cơ bản đồng tình với sự cần thiết sửa đổi luật để thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, khắc phục những bất cập của luật hiện hành. Các đại biểu đã tập trung thảo luận, cho ý kiến đối với nhiều nhóm chính sách và điều khoản cụ thể trong dự thảo luật.
Trong đó có nội dung về việc đáp ứng các mục tiêu của cải cách hệ thống thuế; đối tượng chịu thuế, căn cứ tính thuế, thuế suất, lộ trình tăng thuế suất, giảm thuế, điều khoản thi hành...
Một số ý kiến bày tỏ sự quan tâm và đề nghị cần cân nhắc kỹ lưỡng việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường.
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) cho rằng, việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường có thể làm giảm tiêu thụ đồ uống có đường nhưng không chắc có thể làm giảm tỷ lệ thừa cân, béo phì và các bệnh không lây nhiễm khác.
Do đó, đại biểu đề nghị cần đánh giá tác động kỹ lưỡng và toàn diện về tính hiệu quả của việc bổ sung mặt hàng nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để đảm bảo mục tiêu bảo vệ sức khỏe người dân.
Cùng liên quan tới nội dung này, đại biểu Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) bày tỏ quan tâm đến việc bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với mức thuế suất 10%.
Theo đó, đại biểu thống nhất với việc bổ sung sản phẩm này vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để góp phần định hướng tiêu dùng, mở rộng cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp và người tiêu dùng chuyển sang sản phẩm khác không có đường, góp phần hạn chế tình trạng thừa cân, béo phì và các bệnh không lây nhiễm.
Tuy nhiên, báo cáo nghiên cứu đánh giá tác động có nêu, ngành nước giải khát chiếm 38% số lượng doanh nghiệp của ngành đồ uống. Đối với tác động về nguồn thu ngân sách, kết quả tính toán cho thấy, khi áp dụng thu thuế tiêu thụ đặc biệt 10% thì quy mô sản xuất của các doanh nghiệp bị co hẹp, đồng thời việc áp thuế không chỉ tác động tới ngành nước giải khát, mà còn tác động tới 24 ngành khác trong quan hệ liên ngành. Hệ quả tác động tới toàn nền kinh tế, kéo theo sự sụt giảm về GDP.
Vì vậy, đại biểu tỉnh Thanh Hóa cho rằng cần cân đối mục tiêu định hướng hành vi của người tiêu dùng với việc sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng nói trên. Chính phủ cần giải trình rõ hơn về mục tiêu đạt được chính sách này.
Đại biểu Cầm Thị Mẫn nhấn mạnh, việc bổ sung chính sách cần cân nhắc kỹ lưỡng để triển khai thực hiện được thông suốt và để các doanh nghiệp có thời gian xây dựng chiến lược kinh doanh, kịp thời thích ứng.
Đóng góp ý kiến vào dự án Luật, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị xem xét việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường theo lộ trình. Việc làm này nên được nghiên cứu trong bối cảnh các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh…
Theo đại biểu, nhiều loại hàng hóa khác cũng có hàm lượng cao, không chỉ riêng nước giải khát có đường. Nếu áp thuế cao thì có thể xuất hiện các loại nước ngọt, rượu bia được làm thủ công, nhập lậu vào Việt Nam, rất khó kiểm soát.
Ngoài ra, đại biểu Phạm Văn Hòa cũng đề xuất với Ban soạn thảo dự án Luật là không nên áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng điều hòa nhiệt độ bởi đây là nhu cầu, mặt hàng thiết yếu của người dân.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, qua thảo luận, đại biểu thống nhất về sự cần thiết sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt để khắc phục những bất cập của Luật hiện hành, thể chế hóa chủ trương của Đảng, điều tiết tiêu dùng phù hợp với sự chuyển dịch về xu hướng tiêu dùng trong xã hội và định hướng của Đảng, Nhà nước về bảo vệ sức khỏe của nhân dân, bảo vệ môi trường, phù hợp với xu hướng cải cách thuế trên thế giới.
Các đại biểu cũng tham gia ý kiến về đối tượng chịu thuế, căn cứ tính thuế, thuế suất, lộ trình tăng thuế, giảm thuế; đề nghị rà soát bảo đảm thống nhất và đánh giá tác động một cách toàn diện, hài hòa để bảo đảm mối quan hệ giữa người sản xuất, người tiêu dùng và lợi ích xã hội và sử dụng các công cụ khác nhau.
Đây là những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, dưới nhiều giác độ khác nhau và còn có ý kiến băn khoăn về một số nội dung cần nghiên cứu kỹ lưỡng để hoàn thiện dự thảo Luật.
Ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã được ghi âm, ghi chép đầy đủ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan, ý kiến phát biểu tại hội trường và ý kiến thảo luận tại Tổ để tiếp thu hoàn chỉnh dự án Luật, trình Quốc hội xem xét, quyết định theo chương trình xây dựng pháp luật./.