Nghiên cứu hình thức giám sát, phản biện xã hội sát với thực tiễn
Một trong những hạn chế nổi lên trong việc triển khai các hình thức giám sát, phản biện xã hội là một số cấp ủy chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng hoạt động giám sát, phản biện.
Tiếp tục chương trình Phiên họp 25, sáng 16/8, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTƯMTTQVN ngày 15/6/2017 quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Hơn 19.000 cuộc đối thoại trực tiếp trong 5 năm
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh, ngay sau khi Nghị quyết liên tịch số 403 được ban hành, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, đoàn thể liên quan tổ chức hội nghị tập huấn toàn quốc để quán triệt, hướng dẫn triển khai thi hành Nghị quyết, đồng thời, ban hành các thông tri, hướng dẫn cụ thể.
Ở địa phương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, thành ủy đã ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội.
Trong hầu hết các chương trình, kế hoạch của tỉnh ủy, thành ủy về việc tổ chức thực hiện các nội dung lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành, Bộ Chính trị và Ban Bí thư đều giao Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp có trách nhiệm tham gia giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền và xây dựng hệ thống chính trị.
[Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tăng đồng thuận xã hội]
Ở Trung ương, trong quá trình thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam luôn có sự phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ trong việc thực hiện các quy định của Nghị quyết; thường xuyên trao đổi, thống nhất trong xây dựng kế hoạch giám sát, phản biện xã hội hằng năm; việc phối hợp, tham gia các Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội...; việc xem xét, trả lời kiến nghị từ kết quả giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan Trung ương của các tổ chức chính trị-xã hội theo quy định của pháp luật.
Nhiều ý kiến đóng góp, kiến nghị và phản biện của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có giá trị cả về lý luận và thực tiễn, được Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao; là cơ sở quan trọng để các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu, bảo đảm các luật, pháp lệnh, nghị quyết được thông qua phù hợp với thực tiễn và có tính khả thi cao; các bộ, ban, ngành thực hiện các quy định trên thực tế bảo đảm hiệu quả; góp phần nâng cao hiệu quả công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Hằng năm, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc chủ trì hiệp thương với các tổ chức chính trị-xã hội cùng cấp thống nhất lựa chọn nội dung, đối tượng, số cuộc giám sát, phản biện xã hội phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức, xây dựng dự thảo kế hoạch gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ cho ý kiến, tránh trùng lặp, chồng chéo về nội dung giám sát, địa bàn, đối tượng giám sát, bảo đảm chặt chẽ, khoa học.
Riêng đối với công tác phản biện xã hội, trong 5 năm qua, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã phản biện xã hội bằng hình thức tổ chức đối thoại trực tiếp giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với cơ quan, tổ chức có văn bản là 19.714 cuộc.
Còn lúng túng trong lựa chọn nội dung giám sát
Bên cạnh những kết quả đạt được, một trong những hạn chế, khó khăn nổi lên trong việc triển khai các hình thức giám sát, phản biện xã hội là một số cấp ủy chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội.
Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội ở một số địa phương, nhất là cấp cơ sở còn lúng túng trong lựa chọn nội dung giám sát. Chất lượng một số cuộc giám sát còn hạn chế.
Một số địa phương mới chú trọng hình thức giám sát theo đoàn và phối hợp giám sát, chưa quan tâm đến giám sát theo hình thức nghiên cứu, xem xét văn bản.
Trong thực hiện hoạt động giám sát, phản biện, ở một số địa phương, lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chưa thể hiện được bản lĩnh dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Cán bộ làm công tác giám sát, phản biện còn mỏng, thường xuyên thay đổi do yêu cầu luân chuyển, điều động cán bộ...
Về nhiệm vụ và giải pháp, dự thảo Báo cáo nêu kiến nghị về việc cấp ủy các cấp cần tiếp tục quan tâm, tập trung chỉ đạo, định hướng công tác giám sát, phản biện xã hội phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương; tăng cường trách nhiệm trong cho ý kiến vào kế hoạch giám sát, phản biện hàng năm và báo cáo kết quả giám sát, phản biện hàng năm của Mặt trận Tổ quốc.
Các bộ, ban, ngành, Ủy ban Nhân dân các cấp tăng cường công tác phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác giám sát, phản biện xã hội; chủ động thực hiện đúng, đầy đủ các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
Liên quan đến kiến nghị sửa đổi Nghị quyết liên tịch số 403, dự thảo Báo cáo đề cập đến việc bổ sung quy định cụ thể về đối tượng của phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội, gồm: dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; nghiên cứu, điều chỉnh các hình thức giám sát, phản biện phù hợp với yêu cầu, thực tiễn, khả năng thực hiện và điều kiện bảo đảm đối với Mặt trận Tổ quốc cấp huyện, cấp xã để bảo đảm thực chất, hiệu quả, tránh hình thức.../.