Nghị viện châu Âu phê chuẩn hiệp ước mới về chính sách di cư và tị nạn
Những điều luật mới của EU quy định rõ ràng về sàng lọc trước khi nhập cảnh - bao gồm nhận dạng, thu thập dữ liệu sinh trắc học cũng như kiểm tra sức khỏe và an toàn trong thời gian tối đa là 7 ngày.
Ngày 10/4 (giờ Brussels), Nghị viện châu Âu đã thông qua 10 điều luật nhằm cải cách chính sách di cư và tị nạn của Liên minh châu Âu (EU), như đã thỏa thuận với các quốc gia thành viên vào tháng 12/2023.
Tiêu chí trọng tâm của gói di cư vừa được thông qua là “đoàn kết và trách nhiệm."
Để giúp các nước châu Âu đang gặp áp lực di cư, các quốc gia thành viên khác của EU sẽ phải tham gia vào việc tái định cư những người xin tị nạn hoặc những người được hưởng sự bảo vệ quốc tế trên lãnh thổ của họ, hoặc lựa chọn hình thức khác là đóng góp tài chính hoặc cung cấp hỗ trợ hoạt động và kỹ thuật.
Những điều luật này bao gồm quy định mới nhằm giải quyết các tình huống khủng hoảng và bất khả kháng để thiết lập một cơ chế ứng phó với sự gia tăng đột ngột lượng người di cư và đảm bảo sự đoàn kết và hỗ trợ cho các quốc gia thành viên đang phải đối mặt với làn sóng đặc biệt của công dân nước thứ ba.
Những điều luật mới cũng đưa ra quy định rõ ràng về sàng lọc trước khi nhập cảnh - bao gồm nhận dạng, thu thập dữ liệu sinh trắc học cũng như kiểm tra sức khỏe và an toàn trong thời gian tối đa là 7 ngày, áp dụng các cơ chế giám sát độc lập để đảm bảo tôn trọng các quyền cơ bản, rút ngắn thời gian xử lý đơn xin tị nạn tại biên giới EU, lưu trữ dữ liệu về những người nhập cảnh EU một cách bất thường trong bộ cơ sở dữ liệu Eurodac.
Nghị viện EU cũng ủng hộ việc đưa ra các tiêu chuẩn thống nhất mới cho tất cả các quốc gia thành viên liên quan đến việc công nhận tình trạng người tị nạn hoặc tình trạng cần được bảo vệ bổ sung; đồng thời làm mới các tiêu chuẩn liên quan đến vấn đề nhà ở, giáo dục và chăm sóc sức khoẻ của người xin tị nạn.
Dự kiến, các quy định mới sẽ bắt đầu được áp dụng từ năm 2026 và 27 nước thành viên EU sẽ có 2 năm để đưa ra những thay đổi tương ứng trong luật pháp quốc gia của mình.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen ca ngợi kết quả trên, bình luận điều này sẽ "bảo đảm biên giới châu Âu... đồng thời đảm bảo các quyền cơ bản" của người di cư, đồng thời nhấn mạnh: “Chúng ta phải là người quyết định ai sẽ đến Liên minh châu Âu và trong hoàn cảnh nào, chứ không phải những kẻ buôn lậu và buôn người."
Các chính phủ EU - phần lớn trong số đó đã phê duyệt thỏa thuận trước đó - cũng hoan nghênh kết quả này.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Bộ trưởng di cư của Hy Lạp, Dimitris Kairidis, đều gọi đây là "sự kiện lịch sử"./.