Nghị quyết về chất vấn tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV
Quốc hội yêu cầu tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy định pháp luật, hướng dẫn, phổ biến, truyền thông rõ hơn về dạy thêm, học thêm; cải tiến phương pháp, hình thức tổ chức dạy học.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký chứng thực Nghị quyết số 224/2025/QH15 về chất vấn tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Nâng cao hiệu quả quản lý thu, chi ngân sách nhà nước
Quốc hội thống nhất đánh giá, sau 1,5 ngày làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, với tinh thần đổi mới, đồng hành cùng Chính phủ, phát huy tốt trách nhiệm giải trình, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 9 đã thành công tốt đẹp, thu hút sự quan tâm của cử tri và nhân dân cả nước.
Quốc hội hoan nghênh, ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ trên các lĩnh vực, đạt nhiều kết quả tích cực, tạo nền tảng, động lực cho việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
Quốc hội cơ bản tán thành với các giải pháp, cam kết mà Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và các thành viên khác của Chính phủ đã báo cáo tại phiên chất vấn.
Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ và các cơ quan liên quan tập trung thực hiện các giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong các lĩnh vực được chất vấn.
Đối với lĩnh vực tài chính, Quốc hội yêu cầu tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thu, chi ngân sách nhà nước; phấn đấu tăng thu ngân sách nhà nước trong năm 2025 trên 15% so với dự toán. Phát triển mạnh các kênh huy động vốn từ thị trường vốn; trong năm 2025, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để nâng hạng thị trường chứng khoán lên thị trường mới nổi. Bố trí nguồn ngân sách nhà nước để triển khai các Nghị quyết của Bộ Chính trị về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế tư nhân, xây dựng pháp luật, sắp xếp tổ chức bộ máy, miễn, giảm học phí và chủ trương miễn viện phí.
Cùng với đó, rà soát, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu tỷ lệ giải ngân trong năm 2025 đạt 100% kế hoạch. Nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách về thuế để hỗ trợ tăng sức mua, kích cầu tiêu dùng và du lịch nội địa. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, ứng dụng chuyển đổi số, cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh, giảm mạnh chi phí tuân thủ pháp luật.

Quốc hội yêu cầu triển khai hiệu quả Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Cơ cấu lại tài chính, vốn, tài sản, đẩy nhanh thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp đối với các lĩnh vực nhà nước không cần nắm giữ, tập trung đầu tư có trọng tâm vào các ngành, lĩnh vực mũi nhọn, then chốt, có thế mạnh, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn.
Đồng thời, thể chế hóa đầy đủ và thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân và Nghị quyết số 198/2025/QH15 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân. Phấn đấu trong năm 2025, tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt 51-52%; tăng tỷ trọng thu ngân sách nhà nước từ kinh tế tư nhân trong tổng thu ngân sách nhà nước; tăng hiệu quả giải quyết việc làm và năng suất lao động. Thực hiện các giải pháp hỗ trợ các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thuận lợi trong việc chuyển đổi từ phương pháp khoán thuế sang nộp thuế theo pháp luật về quản lý thuế.
Xây dựng chính sách thu hút FDI có chọn lọc, ưu tiên các doanh nghiệp công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn, thân thiện với môi trường, có cam kết chuyển giao công nghệ và liên kết với doanh nghiệp trong nước; khuyến khích các doanh nghiệp FDI đẩy mạnh đào tạo, nâng cao năng lực lao động Việt Nam, triển khai hoạt động nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam.
Trong năm 2025, tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện quy định, có chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư, phát triển các loại hình khu công nghiệp, khu kinh tế mới (khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp chuyên ngành, khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp công nghệ cao, khu kinh tế chuyên biệt, khu thương mại tự do) và các mô hình tương tự.
Phổ biến, truyền thông rõ hơn về dạy thêm, học thêm
Đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Quốc hội yêu cầu tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế giáo dục đại học; rà soát, sửa đổi, bảo đảm sự đồng bộ giữa Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục nghề nghiệp. Xây dựng cơ chế, chính sách đột phá để đầu tư phát triển các đại học quốc gia, đại học vùng và cơ sở giáo dục đại học trọng điểm ngang tầm với các cơ sở giáo dục đại học ở các nước tiên tiến. Sớm sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy định về hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong các cơ sở giáo dục đại học. Phát triển đội ngũ giảng viên, các nhà khoa học bảo đảm đủ cơ cấu, số lượng, chất lượng đáp ứng yêu cầu giảng dạy, nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học cơ bản, các ngành kỹ thuật và công nghệ then chốt. Có chính sách hỗ trợ tài chính cho người học bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục đại học; hỗ trợ đào tạo trong các ngành ưu tiên phát triển, các lĩnh vực khoa học cơ bản, các ngành công nghiệp nền tảng và công nghệ chiến lược.

Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy định pháp luật, hướng dẫn, phổ biến, truyền thông rõ hơn về dạy thêm, học thêm. Cải tiến phương pháp, hình thức tổ chức dạy học; tăng cường xây dựng nguồn học liệu mở, ứng dụng Trí tuệ Nhân tạo, chuyển đổi số và các thiết bị dạy học thông minh, nâng cao chất lượng dạy và học chính khóa, năng lực tự học của học sinh. Tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở dạy thêm, kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về dạy thêm.
Ngoài ra, tiếp tục quán triệt và chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định, nhiệm vụ, giải pháp trong việc bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường. Tổ chức bữa ăn học đường, bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm và dinh dưỡng hợp lý./.