Nghị quyết số 43 giúp phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch
Đến hết năm 2023, sau 2 năm triển khai Nghị quyết số 43, nước ta đã từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế, khôi phục các hoạt động kinh tế, xã hội.
Ngày 25/5, theo chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận về Báo cáo của Đoàn Giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023.”
Chiều 25/5, tại tổ thảo luận, các đại biểu đã cho ý kiến về Chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc-Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước); Điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Phục hồi và phát triển nền kinh tế sau đại dịch
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, Nghị quyết số 43 được Quốc hội ban hành trong bối cảnh đặc biệt, khi dịch COVID-19 với những diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, gây tác động tiêu cực nặng nề đến đời sống người dân và tình hình kinh tế-xã hội đất nước.
Nghị quyết với nhiều chính sách mạnh mẽ, quyết liệt, mang tính đặc thù, chưa từng có tiền lệ nhằm đạt “mục tiêu kép”: hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, giúp phục hồi và phát triển nền kinh tế sau đại dịch.
Đến hết năm 2023, sau 2 năm triển khai Nghị quyết số 43, nước ta đã từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế, khôi phục các hoạt động kinh tế, xã hội. Các hoạt động kinh tế, xã hội của đất nước từ trạng thái thích ứng với dịch bệnh nhanh chóng trở lại trạng thái bình thường, từng bước phục hồi.
Nhiều chính sách đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả kịp thời như: chính sách tín dụng qua hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội, hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, giảm thuế suất giá trị gia tăng đã góp phần hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì và phục hồi sản xuất kinh doanh.
Các cơ chế đặc thù được Quốc hội thông qua đã phát huy hiệu quả, tăng cường trách nhiệm, năng lực điều hành, tính chủ động, sáng tạo của các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương, rút ngắn thời gian thực hiện, thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn, bổ sung dòng tiền quan trọng, kịp thời cho nền kinh tế, đồng thời phát huy hiệu quả các dự án đầu tư.
Bên cạnh những kết quả tích cực là cơ bản, Báo cáo của Đoàn Giám sát cũng chỉ ra còn những tồn tại, hạn chế trong thực hiện Nghị quyết số 43 như: công tác chuẩn bị đầu tư một số dự án chậm, chưa đảm bảo tính sẵn sàng để thực hiện, giải ngân vốn theo yêu cầu về thời hạn của Nghị quyết; danh mục dự án trình Quốc hội không sát thực tế, phải điều chỉnh nhiều; việc hoàn thiện thủ tục đầu tư, phân bổ vốn còn chậm trễ, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai và giảm hiệu quả sử dụng nguồn vốn của Chương trình.
Tiến độ thực hiện và giải ngân vốn nhiều dự án không bảo đảm thời hạn quy định trong 2 năm 2022-2023, đặc biệt, các dự án đầu tư trong lĩnh vực y tế, công nghệ thông tin có tiến độ rất chậm. Một số chính sách thực hiện không đạt kế hoạch, mục tiêu đề ra như: chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại đạt tỷ lệ giải ngân thấp (chỉ đạt khoảng 3,05% kế hoạch); chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động (đạt 56% kế hoạch), phải chuyển nguồn để thực hiện chính sách khác...
Các đại biểu Quốc hội thống nhất cho rằng Nghị quyết 43 về chính sách tài khóa tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội là quyết sách đúng đắn, kịp thời, góp phần quan trọng vào phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi phát triển kinh tế-xã hội.
Các ý kiến tập trung phân tích kết quả được, bất cập, hạn chế và nguyên nhân, trách nhiệm trong việc thực hiện nghị quyết; đóng góp nhiều giải pháp để đảm bảo kết quả hiệu quả hơn khi ban hành chính sách trong tình hình khẩn cấp, cấp bách hoặc khi có những biến động bất ngờ về kinh tế-xã hội do các yếu tố khách quan.
Các đại biểu Quốc hội cũng đóng góp giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng quốc gia và thực hiện có hiệu quả các chính sách của Nghị quyết 43 còn chưa kết thúc.
Phát biểu trao đổi về các vấn đề các đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cảm ơn các đại biểu đã đưa ra những ý kiến thẳng thắn, xác đáng, những ý kiến này sẽ là những bài học quý cho quá trình xây dựng và thực hiện chính sách sau này.
Bộ trưởng cho biết, Nghị quyết số 43 được xây dựng trong một hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, khi tăng trưởng kinh tế giảm mạnh, doanh nghiệp gặp nhiều thách thức, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, đòi hỏi phải có giải pháp cấp bách để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân ổn định được đời sống, phục hồi dần kinh tế xã hội.
Trao đổi tại hội trường, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng chia sẻ, sau khi có Nghị quyết 43, Chính phủ đã giao cho Ngân hàng Nhà nước chủ trì phối hợp với các bộ, ngành để xây dựng và tham mưu trình Nghị định số 31.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết chưa có một chương trình nào mà Ngân hàng Nhà nước dành nhiều thời gian và công sức để tổ chức triển khai như vậy. Nhiều hội nghị được tổ chức, yêu cầu đến từng chi nhánh tỉnh, thành phố triển khai tại các địa phương.
Thống đốc Ngân hàng nhà nước bày tỏ tâm đắc với nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội cho rằng trong bối cảnh phức tạp, chưa từng có tiền lệ thì các chính sách có thể chưa sát với thực tiễn nhưng điều quan trọng là qua đây chúng ta rút ra được bài học kinh nghiệm về cách thức hỗ trợ có doanh nghiệp và người dân.
Kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên
Chiều 25/5, thảo luận tại tổ, các đại biểu đã cho ý kiến về Chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc-Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông)-Chơn Thành (Bình Phước).
Theo quy hoạch, đường cao tốc Gia Nghĩa-Chơn Thành thuộc tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Tây. Đây là trục giao thông quan trọng, kết nối vùng Tây Nguyên với vùng Đông Nam bộ, vùng Tây Nam bộ và Thành phố Hồ Chí Minh.
Việc đầu tư cao tốc Gia Nghĩa-Chơn Thành sẽ giải quyết điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, tạo không gian phát triển mới, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh khu vực vùng Đông Nam bộ và Tây Nguyên.
Cho ý kiến về Chủ trương đầu tư Dự án, đa số ý kiến thống nhất với sự cần thiết đầu tư dự án cao tốc Bắc-Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông)-Chơn Thành (Bình Phước), nhằm cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 và các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ; mở ra không gian phát triển mới cho các địa phương, tạo tính kết nối Đông Nam bộ và Tây nguyên, tạo sự lan tỏa, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Đầu tư dự án cũng phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội và quy hoạch liên quan. Các ý kiến phát biểu cũng cơ bản đồng tình với phạm vi đầu tư và hướng tuyến của Dự án, quy mô đầu tư và phương thức đầu tư.
Trao đổi với các đại biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng (đại biểu đoàn Điện Biên) cho biết, đồng bào Tây Nguyên hết sức chờ đợi dự án này. Dự án nếu thành hiện thực thì đây là tuyến đường đẹp và chắc chắn có hiệu quả lớn trong kết nối Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Thành phố Hồ Chí Minh.
Về phía Bộ Giao thông Vận tải cũng rất mừng, được Quốc hội và Chính phủ quan tâm dành 50% kinh phí thực hiện dự án, phần còn lại kêu gọi doanh nghiệp. Bộ trưởng cũng khẳng định “không lo lắng trong việc thu hút nhà đầu tư” với dự án này. Lý do, đây là dự án có thời gian thu phí không quá dài, trong 18 năm, đã bảo đảm cả lãi suất ngân hàng và tỷ suất đầu tư. Thời gian này tương đối tương đồng với 3 dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông đã hoàn thành và sắp thu phí.
Ngoài ra, việc dự án được áp dụng cơ chế về chia sẻ doanh thu cũng là điều kiện thuận lợi hơn để thu hút các nhà đầu tư tham gia. Cũng theo Bộ trưởng, các đại biểu Quốc hội có thể yên tâm về vấn đề trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc này. Bởi lẽ, Bộ đã có kinh nghiệm, pháp lý cũng đã đầy đủ và các nhà đầu tư rất quan tâm tới trạm dừng nghỉ.
Cũng tại phiên thảo luận tổ chiều 25/5, các đại biểu cho ý kiến về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030./.