Nghẹn ngào những câu chuyện 'Sống tiếp qua năm đầu tiên mất con'
Cuốn sách giúp cho các cha mẹ mới mất con xây dựng sức chống chịu với các cú sốc đồng thời tìm thấy hy vọng, phương pháp để sống có mục đích.
Ngày 11/6, cuốn sách “Sống tiếp qua năm đầu tiên mất con: Những câu chuyện của cha mẹ đang nhớ thương con” do Nhà xuất bản Thế giới kết hợp với Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam sản xuất đã chính thức ra mắt tại Hà Nội.
Sách được dịch từ bản gốc tiếng Anh có tựa đề “Surviving my first year of child loss: Personal stories from grieving parents” do tác giả Nathalie Himmelrich biên soạn. Là một chuyên gia trị liệu về mất mát và tổn thương tinh thần, bà đã tập hợp 27 câu chuyện chân thật do chính các cha mẹ trên khắp thế giới chia sẻ về những thách thức và các phương pháp để đương đầu với nỗi buồn đau, thương nhớ trong năm đầu tiên sau khi mất con.
[Sách mới giúp trẻ em nhận thức về tin giả, khủng bố, bất bình đẳng]
Thông qua những câu chuyện đầy đau thương nhưng cũng tràn đầy hy vọng và tình yêu, cuốn sách giúp cho các cha mẹ mới mất con chống chịu với các cú sốc đồng thời nuôi dưỡng tâm trí, thân thể và tinh thần khi đang tiếc thương và buồn đau sau khi mất con.
Qua đó, các bậc cha mẹ có thể tìm thấy hy vọng, phương pháp để sống có mục đích, không phải để sống qua ngày và quan trọng nhất là họ sẽ biết rằng mình không đơn độc.
Cuốn sách này cũng giúp những người xung quanh thấu hiểu hơn về nỗ lực rất lớn của những người làm cha, làm mẹ đang thương tiếc con và làm thế nào để hỗ trợ họ tốt nhất.
Chị Vũ Lan Hương, dịch giả và là người đóng góp một câu chuyện trong sách, chia sẻ: “Trong những tuần, tháng đầu tiên sau khi mất con trai Leonardo, tôi luôn tự hỏi mình sẽ đi qua bi kịch này như thế nào, và liệu mình có tiếp tục sống được hay không. Tôi tin rằng rất nhiều cha mẹ khác trong hoàn cảnh này cũng suy nghĩ như vậy.”
Chị đã tìm đọc rất nhiều tài liệu để giúp bản thân mình thấu hiểu hơn về nỗi buồn đau và mất mát của chính mình, cũng như cách để đi qua nó. Nhưng chị không tìm thấy một cuốn sách hay tài liệu nào như vậy bằng tiếng Việt. Điều này đã thôi thúc chị dịch cuốn “Surviving my first year of child loss” sang tiếng Việt như một món quà ấm áp và hữu ích tới các cha mẹ đang nhớ thương con tại Việt Nam.
“Tôi đã khóc nức nở khi lật giở từng trang sách, nhưng trong tôi cũng dần nhen nhúm một hy vọng rằng tôi có thể biến đau thương thành hành động, giúp những kỷ niệm đẹp và tình yêu của con được sống tiếp và lan tỏa,” chị Lan Hương chia sẻ.
Quá trình dịch cuốn sách này đã diễn ra thật khó khăn với chị. Từng câu chuyện, từng trang sách đều làm sống lại những giây phút cuối cùng khi vợ chồng chị phải lìa xa con trai và những ngày tháng đau khổ cùng cực sau đó.
“Mỗi buổi tối khi ngồi trước máy tính và dịch sách, nước mắt tôi lại tuôn lã chã. Có những lúc tôi khóc nấc lên, cảm giác trái tim mình bị bóp nghẹt. Khi ấy, tôi phải dừng lại, hít thở sâu, đi dạo quanh nhà hoặc nắm lấy tay chồng để bình tĩnh lại và tiếp tục công việc,” dịch giả tâm sự.
Vậy là chị cùng em gái Vũ Lan Dung của mình đã hoàn tất bản dịch cuốn sách. Số tiền thu được từ bán sách (sau khi trừ chi phí bản quyền và sản xuất) sẽ được đưa vào Quỹ Nụ cười của Leonardo do vợ chồng chị thành lập để ủng hộ các gia đình tại Làng trẻ em SOS Việt Nam.
Nói về cuốn sách, ông Đặng Hoàng Giang, tác giả chính luận, nhà hoạt động xã hội, chia sẻ: “Ở Việt Nam, hầu như chưa có trợ giúp chuyên môn về tâm lý cho cha mẹ mất con, chưa có những nhóm, mạng lưới để các thành viên tương trợ, dìu dắt nhau. Do đó, cuốn sách này thật quan trọng. Nó khiến những cha mẹ mất con cảm thấy không cô đơn, có những người cũng đã và đang tìm cách đi qua đầm lầy đau đớn của cuộc đời như họ.”
Ông bày tỏ mong muốn cuốn sách này đến với tất cả mọi người, không chỉ những người đã mất con.
“Qua cuốn sách, bạn sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những cha mẹ, những con người trong bi kịch khổng lồ nhất. Những câu chuyện của họ sẽ khiến bạn khiêm nhường, khiến bạn biết ơn những gì bạn có, và khiến bạn dừng lại để sắp xếp lại các ưu tiên trong cuộc sống,” ông nói./.