Nghệ thuật Tuồng xứ Quảng và Giáo sư Hoàng Châu Ký
Cả cuộc đời Giáo sư Hoàng Châu Ký đã cống hiến cho sự nghiệp bảo tồn và phát triển nghệ thuật Tuồng, ông được tôn vinh là “Bậc thầy của nghệ thuật Tuồng,” “Cây đại thụ Tuồng”...
Nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam (12/8 âm lịch), Đà Nẵng tổ chức nhiều hoạt động vinh danh Giáo sư Hoàng Châu Ký, trong đó có tọa đàm "Giáo sư Hoàng Châu Ký với Nghệ thuật Sân khấu Tuồng Việt Nam" nhằm ghi nhận những đóng góp của ông đối với sự nghiệp bảo tồn và phát huy Nghệ thuật Sân khấu Việt Nam.
Cả cuộc đời Giáo sư Hoàng Châu Ký đã cống hiến cho sự nghiệp bảo tồn và phát triển nghệ thuật Tuồng.
Ông được những người yêu mến nghệ thuật Tuồng trân trọng tôn vinh là “Bậc thầy của nghệ thuật Tuồng,” “Cây đại thụ Tuồng,” “Người sáng lập nghệ thuật Tuồng cách mạng,” “Cánh chim đầu đàn của nghệ thuật Tuồng”...
“Người truyền giáo hát bội” Hoàng Châu Ký
Tuồng hay còn gọi Hát bội là loại hình Nghệ thuật Sân khấu cổ truyền đặc sắc của Việt Nam được hình thành trên cơ sở ca vũ nhạc và các trò diễn xướng dân gian vốn có từ lâu đời và rất phong phú của dân tộc Việt Nam.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng Trần Chí Cường chia sẻ, theo các nghiên cứu khoa học, nghệ thuật Tuồng xứ Quảng có thể đã xuất hiện và phát triển từ thế kỷ XVII và trở thành một phần quan trọng của đời sống tinh thần của người dân xứ Quảng, là một loại hình nghệ độc đáo được trình diễn ở khắp nơi, phục vụ từ giới bình dân đến giới trí thức.
Đến ngày nay, lĩnh vực sân khấu đã có nhiều thay đổi, tiếp cận với xu hướng của thế giới, thì nghệ thuật Tuồng vẫn có một vị trí đặc biệt trong văn hóa truyền thống của dân tộc, trở thành một di sản văn hóa quý giá để giới thiệu với du khách, bạn bè trong và ngoài nước.
Với những giá trị đó, nghệ thuật Tuồng xứ Quảng ở Đà Nẵng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2015.
[Khi người trẻ hiện đại hóa tuồng cổ bằng cách làm độc đáo]
Theo ông Trần Chí Cường, nói đến nghệ thuật Tuồng xứ Quảng không thể không nhắc đến Giáo Sư Hoàng Châu Ký với những đóng góp đồ sộ và tình yêu lớn lao mà ông dành cho nghệ thuật Tuồng. Giáo sư Hoàng Châu Ký là “người truyền giáo hát Bội,” “ngọn lửa Hồng Sơn đất Quảng”, người vừa được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật.
Giáo sư Hoàng Châu Ký sinh năm 1921 tại xã Quế Lộc, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam và mất vào năm 2008 tại thành phố Đà Nẵng. Ông tham gia hoạt động cách mạng và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1942.
Ông từng bị địch bắt và đưa về giam ở các nhà lao Hội An, Hỏa Lò, nhà lao Vĩnh Điện, Điện Bàn.
Trong kháng chiến chống Pháp, ông làm Bí thư Huyện ủy Quế Sơn, Huyện ủy Tiên Phước, đặc khu Hoàng Văn Thụ, Chủ tịch huyện Quế Sơn, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến huyện Phước Sơn, Phó Trưởng Ban Tuyên huấn của tỉnh phụ trách Văn hóa-Giáo dục Quảng Nam, Ủy viên Thường vụ Chi hội văn nghệ Liên khu V, Tổng Biên tập Báo Hừng Đông và Dân tộc.
Sau khi tập kết ra Bắc, ông là Tổng Thư ký đầu tiên và là Bí thư Đảng Đoàn Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Nghệ thuật Sân khấu, Trưởng đoàn Đoàn Tuồng Liên khu V, Giám đốc Đoàn Tuồng Bắc Trung ương, Viện Trưởng Viện Sân khấu, Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ Tuồng Quảng Nam-Đà Nẵng.
Giáo sư Hoàng Châu Ký đã để lại khoảng hơn 50 tác phẩm và bài viết trong các lĩnh vực từ sáng tác, chỉnh lý, đạo diễn, nghiên cứu lý luận, các chuyên luận chuyên sâu về nghệ thuật Tuồng.
Với những cống hiến cho nền sân khấu Việt Nam, năm 1984, ông được phong hàm Giáo sư. Năm 2001, ông được Nhà nước trao tặng giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.
Năm 2022, ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật với cụm tác phẩm “Sách: Tuồng cổ; kịch bản sân khấu: Thanh gươm chủ chiến; kịch bản sân khấu: Trần Quý Cáp.”
Bảo tồn và phát huy giá trị Nghệ thuật Sân khấu Tuồng
Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Đà Nẵng Nguyễn Thị Hội An cho rằng trong thời đại công nghệ và hiện đại hóa hiện nay, việc bảo tồn, phát huy nghệ thuật Tuồng là vô cùng khó khăn, vì phải giữ được tinh hoa của bộ môn sân khấu truyền thống nhưng vẫn phù hợp với yêu cầu của thời đại.
Nhưng hiện nay, nghệ thuật Tuồng nói riêng và sân khấu nói chung vô cùng thiếu tác giả trẻ, tài năng viết kịch bản cho sân khấu Tuồng cũng như đội ngũ kế cận nghiên cứu lý luận sân khấu.
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Đà Nẵng, cần tập trung, nghiên cứu sâu hơn, thậm chí huy động các nhóm nhà khoa học, nghệ sỹ để xây dựng các đề án, đề tài cấp Nhà nước nghiên cứu về cuộc đời và các tác phẩm của Giáo sư Hoàng Châu Ký.
Bởi vì, nhiều tác phẩm chỉnh lý từ Tuồng cổ và Tuồng hiện đại, Tuồng lịch sử, Tuồng dân gian cùng các công trình nghiên cứu lý luận của Giáo sư Hoàng Châu Ký đã tạo được dấu ấn và mở ra xu hướng phát triển của nghệ thuật Tuồng trong thế kỷ XX.
“Kết quả của những nghiên cứu này sẽ giúp ích cho các nhà quản lý, tác giả, đạo diễn, nhà nghiên cứu có định hướng cho việc bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Tuồng trong tương lai,” bà Nguyễn Thị Hội An nhấn mạnh.
Còn Nhà Nghiên cứu Hồ Xuân Tịnh, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam nhận định, Giáo sư Hoàng Châu Ký là người tiên phong bảo tồn và phát triển nghệ thuật tuồng.
"Tuồng Quảng Nam" là công trình nghiên cứu do giáo sư Hoàng Châu Ký chủ biên, với sự tham gia biên soạn của các nhà nghiên cứu, nghệ sỹ: Trương Đình Quang, Vĩnh Huế, Trần Đình Sanh, Hồ Hữu Có, Cao Đình Liên, Hoàng Hoài Nam, đã được xuất bản năm 2001. Công trình này có thể xem là cuốn cẩm nang của nghệ thuật Tuồng xứ Quảng.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Nghệ sỹ Ưu tú Đoàn Thị Tình, Giáo sư Hoàng Châu Ký là người “tiếp lửa,” “gieo nguồn” sáng tạo nghệ thuật Tuồng.
Ông là một chiến sỹ, một trí thức trên mặt trận văn hóa, đồng thời là một nghệ sỹ tài hoa và tâm huyết: sáng tác, đạo diễn, nghiên cứu khoa học, đào tạo cùng một di sản về nghệ thuật Tuồng với những luận điểm bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc luôn tươi mới cho thế hệ trẻ soi chung và tiếp bước.
Còn Thạc sỹ Ngôn ngữ học Phan Lê Quỳnh Anh (Đà Nẵng) cho hay, các hình tượng được xây dựng trong kịch bản Tuồng đều hướng về đặc trưng văn hóa dân tộc.
Đó là quan niệm “trung quân, ái quốc,” là chủ nghĩa anh hùng sẵn sàng xả thân vì vua, vì nước, là đạo lý, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam từ bao đời nay.
Có thể khẳng định Tuồng qua kịch bản Hoàng Châu Ký đã làm phong phú thêm nền văn học dân gian Việt Nam; đồng thời góp phần vào quá trình cách tân ngôn ngữ Tuồng; đóng góp lớn cho dòng Tuồng Quảng Nam nói riêng và cả nước nói chung.
Quan trọng hơn, những tinh hoa ngôn ngữ Tuồng được phát hiện sẽ làm sáng rõ những giá trị ẩn chứa bên trong bộ môn nghệ thuật góp phần tạo nên bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.
Cả cuộc đời giáo sư Hoàng Châu Ký cống hiến cho sự nghiệp bảo tồn và phát triển nghệ thuật Tuồng, ông là một Thầy Tuồng - một nhà sư phạm kiệt xuất của bộ môn Hát bội, người tiên phong trong sự nghiệp bảo tồn, phát triển và chấn hưng loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc của dân tộc Việt Nam./.