Nghệ thuật múa của người Lào ở Điện Biên là Di sản Quốc gia
Nghệ thuật trình diễn múa dân gian của người Lào có từ xa xưa, được hình thành, phát triển thông qua lao động, sản xuất, sự giao tiếp của cộng đồng, là kết quả sáng tạo của nhiều thế hệ.
Mới đây, ngày 2/11, tỉnh Điện Biên đã tổ chức Lễ Công bố quyết định và trao giấy chứng nhận của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc công nhận nghệ thuật trình diễn dân gian “Múa của người Lào” ở Điện Biên là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên, nghệ thuật múa của người Lào được thực hành, gìn giữ và phát huy tại 16 bản, thuộc 9 xã của 2 huyện Điện Biên và Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên.
Nghệ thuật trình diễn múa dân gian của người Lào có từ xa xưa, được hình thành, phát triển thông qua lao động, sản xuất, sự giao tiếp của cộng đồng, là kết quả sáng tạo của nhiều thế hệ, được tồn tại, lưu giữ trong nhân dân.
Mỗi điệu múa chứa đựng những nội dung khác nhau nhưng nhìn chung đều vươn tới khát vọng cuộc sống thanh bình, đầm ấm, hạnh phúc, yên vui quên đi mọi vất vả, khó khăn trong cuộc sống.
Mỗi động tác múa đều mang bản sắc, cốt cách văn hóa của người Lào, thể hiện tâm tư, tình cảm, cách ứng xử đẹp của con người với con người, con người với thiên nhiên.
Nghệ thuật trình diễn múa dân gian là sản phẩm văn hóa đặc sắc, không thể thiếu trong sinh hoạt văn hóa tinh thần của người Lào. Múa dân gian được thực hành trong dịp Tết Nguyên đán, trong đám cưới, mừng nhà mới, trong các lễ hội (Lễ hội Té nước, Lễ mừng Cơm mới...), các cuộc vui liên hoan văn nghệ, hội thi, hội diễn, sự kiện văn hóa tại thôn, bản và giao lưu hợp tác quốc tế...
Thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên đã có nhiều giải pháp gìn giữ điệu múa Lào truyền thống, trong đó tập trung vào việc tôn vinh các nghệ nhân dân tộc Lào đủ tiêu chí để đề nghị phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực Di sản Văn hóa Phi vật thể.
Đồng thời, tỉnh thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện để các nghệ nhân ưu tú tham gia thực hành, truyền dạy và phát huy giá trị di sản tại cộng đồng. Hằng năm, tỉnh Điện Biên tổ chức nhiều hoạt động lễ hội, trong các hoạt động này có phần trình diễn nghệ thuật múa của người Lào do các nghệ nhân, chủ thể văn hóa trình diễn, thực hành.
Cùng với đó, Điện Biên tổ chức cho nghệ nhân người Lào tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ tại các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Không chỉ vậy, đội văn nghệ ở các bản người Lào được thành lập nhằm giữ gìn, phổ biến, trao truyền và phát huy những giá trị đặc sắc về dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của dân tộc mình. Hiện nay, tại huyện Điện Biên có 7/9 bản đã lập đội văn nghệ; huyện Điện Biên Đông có 6/7 bản có đội văn nghệ.
Ngoài ra, hình ảnh, hiện vật về đời sống văn hóa nói chung, nghệ thuật múa của người Lào nói riêng được tổ chức trưng bày, triển lãm tại Bảo tàng tỉnh Điện Biên và các gian hàng trưng bày trong Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
[Lễ cúng dòng họ của người Mông trắng - Di sản Phi vật thể Quốc gia]
Điện Biên cũng tổ chức bảo tồn Lễ hội Té nước (Bun Huột Nặm), Lễ mừng Cơm mới (Kin Khẩu Hó)... của người Lào. Tại các lễ hội này, các điệu múa truyền thống cũng được cộng đồng thể hiện.
Nghệ thuật múa của người Lào không chỉ là đặc trưng văn hóa để nhận diện tộc người; mang lại giá trị giải trí mà còn tạo ra sự gắn kết cộng đồng.
Điệu múa của người Lào có sức lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống sinh hoạt văn hóa cộng đồng và trở thành nếp sinh hoạt văn hóa trong mọi mặt đời sống của người Lào, góp phần làm phong phú kho tàng Di sản Văn hóa dân tộc Lào nói riêng, văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên nói chung.
Tại Quyết định số 1405/QĐ-BVHTTDL, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố Nghệ thuật trình diễn dân gian “Múa của người Lào” huyện Điện Biên, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia.
Cũng trong ngày 2/11, tỉnh Điện Biên đã công bố quyết định và trao giấy chứng nhận của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc công nhận “Lễ cúng dòng họ của người Mông trắng” là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia.
Tại lễ công bố, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên Vừ A Bằng đề nghị cấp ủy, chính quyền các huyện Điện Biên Đông, Điện Biên, Tuần Giáo… đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa nâng cao ý thức giữ gìn, bảo tồn, phát huy những nét văn hóa truyền thống các dân tộc Mông, Lào nói riêng và cộng đồng các dân tộc thiểu số khác nói chung. Mỗi huyện cần quan tâm đầu tư kinh phí bảo tồn, giữ gìn, lan truyền văn hóa các dân tộc để văn hóa các dân tộc thực sự là nền tảng tinh thần trong mọi mặt đời sống xã hội./.