Nghệ An xử lý việc đánh bắt, tiêu thụ cá nóc sau khi TTXVN phản ánh

Sở Y tế tỉnh Nghệ An đã ban hành công văn số 3799/SYT-NVY đề nghị các sở ngành liên quan, UBND 5 huyện, thị xã ven biển triển khai một số nội dung nhằm chủ động phòng, chống ngộ độc do cá nóc.

Việc xử lý chế biến thông thường hay phơi khô, độc tố này chưa bị phá hủy. (Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN)

Liên quan đến tình trạng người dân nhiều xã ven biển trên địa bàn huyện Diễn Châu (Nghệ An) công khai buôn bán cá nóc tràn lan ở các chợ đầu mối, chợ dân sinh; tình trạng người dân miền biển sử dụng phổ biến cá nóc trong bữa ăn hằng ngày mà TTXVN đã phản ánh, ngày 7/11, Sở Y tế tỉnh Nghệ An đã ban hành công văn số 3799/SYT-NVY đề nghị các sở ngành liên quan, Ủy ban nhân dân 5 huyện, thị xã ven biển của tỉnh Nghệ An triển khai kịp thời một số nội dung nhằm chủ động phòng, chống ngộ độc do cá nóc.

Theo đó, Sở Y tế tỉnh Nghệ An đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương căn cứ quy định phân công, phân cấp quản lý an toàn thực phẩm và các quy định liên quan để chỉ đạo triển khai công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong việc đánh bắt, kinh doanh, tiêu thụ cá nóc. Trong đó, tập trung công tác tuyên truyền về khai thác, thu gom, chế biến, kinh doanh cá nóc và đẩy mạnh kiểm tra, xử lý các vi phạm theo thẩm quyền.

Cùng với đó, Ủy ban Nhân dân các địa phương ven biển, Ủy ban Nhân dân các huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Nghi Lộc, thị xã Cửa Lò, thị xã Hoàng Mai chỉ đạo các cơ quan chức năng tại địa phương tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục kiến thức an toàn thực phẩm cho cán bộ và nhân dân để chủ động phòng ngừa ngộ độc do cá nóc; tăng cường công tác kiểm tra an toàn thực phẩm nói chung và kinh doanh cá nóc nói riêng theo phân công, phân cấp trên địa bàn quản lý.

Đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng các phương án, lực lượng, phương tiện, vật tư, hóa chất để kịp thời khắc phục, giảm thiểu ảnh hưởng khi có ngộ độc thực phẩm xảy ra; xử trí vụ ngộ độc thực phẩm (nếu có) theo hướng dẫn của Sở Y tế.

Trước đó, TTXVN đã thực hiện bài viết “Báo động tình trạng người dân miền biển sử dụng cá nóc phổ biến trong bữa ăn,” phản ánh thực trạng cá nóc được bày bán tràn lan, công khai tại nhiều chợ đầu mối, chợ dân sinh trên địa bàn huyện Diễn Châu (Nghệ An).

Nguồn cá nóc chủ yếu được các tiểu thương, người dân mua ở Cảng cá Lạch Vạn (xã Diễn Ngọc) do ngư dân các xã ven biển, bãi ngang… khai thác trên biển bằng tàu, thuyền, bè mảng. Cá nóc còn được người dân chế biến thành các món sử dụng phổ biến trong bữa ăn hằng ngày.

Nhiều gia đình còn mua cá nóc với số lượng lớn rồi mổ, xẻ thịt phơi khô để sử dụng lâu dài. Không chỉ cung cấp trên địa bàn huyện, tiểu thương còn cung cấp cho các địa bàn trong và ngoài huyện.

Thực trạng này đã diễn ra từ nhiều năm qua; Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An đã ban hành chỉ thị về việc phòng, chống ngộ độc cá nóc, nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân hoạt động đánh bắt, thu mua, chế biến, vận chuyển, kinh doanh cá nóc và các sản phẩm từ cá nóc.

Tuy nhiên, cơ chế phối hợp giữa ngành liên quan và chính quyền địa phương cơ sở còn bất cập, thiếu đồng bộ trong thực hiện chỉ thị dẫn đến tình trạng cá nóc vẫn bày bán ở nhiều chợ; người dân vẫn dễ dàng tìm mua cá nóc với số lượng lớn để chế biến các món ăn.

Cá nóc được gọi là “cá tử thần” bởi có chứa độc tố tetrodotoxin tập trung nhiều ở các bộ phận gan, thận, tụy, túi tinh, cơ bụng, buồng trứng… Bình thường, độc tố này tồn tại ở dạng tiền độc tố tetrodomin không độc. Tuy nhiên, khi cá nóc bị ươn hoặc bị bầm dập thì tetrodomin sẽ biến đổi thành tetrodotoxin gây ra độc tố cực mạnh, cực kỳ nguy hiểm khi ăn phải.

Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, độc tố tetrodotoxin có trong cá nóc là chất độc cực mạnh, gấp hằng trăm lần so với xyanua. Với 10 gram thịt cá nóc chứa độc tố tetrodotoxin khiến người từ khỏe mạnh rơi vào tình trạng ngộ độc.

Khoảng từ 1 - 2 mg chất độc tetrodotoxin cũng gây nên tử vong cho con người nếu không được cấp cứu kịp thời.

Độc tố tetrodotoxin trong cá nóc chỉ giảm một nửa khi đun sôi ở 100 độ C trong 6 giờ và bị phá hủy hoàn toàn khi đun ở 200 độ C trong 10 phút. Vì vậy, cách xử lý, sơ chế và chế biến thông thường (nấu, nướng chín, phơi khô) thì độc tố này chưa bị phá hủy./.