Nghệ An: Nhiều khởi sắc ở bản tái định cư Văng Môn của người Ơ Đu
Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền địa phương, nhiều chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ đã tạo động lực để cộng đồng dân tộc Ơ Đu ở Nghệ An phát triển, vươn lên.
Trong nhiều năm qua, chất lượng đời sống, trình độ dân trí của người dân Ơ Đu ở bản Văng Môn đã có những chuyển biến.
Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền địa phương, nhiều chương trình mục tiêu, dự án đầu tư, hỗ trợ đã giúp cuộc sống của người Ơ Đu và diện mạo nông thôn có sự khởi sắc.
Thay da đổi thịt
Dân tộc Ơ Đu là một trong 5 dân tộc ít người nhất (gồm Si La, Pu Péo, Brâu, Rơ Măm và Ơ Đu) trong cộng đồng 54 dân tộc của cả nước. Người Ơ Đu hiện diện duy nhất trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Trước đây, người Ơ Đu sinh sống ở hai bản Xốp Pột, Kim Hòa, xã Kim Đa (huyện Tương Dương) và một số hộ rải rác ở hai bản của xã Kim Tiến và xã Xá Lượng (huyện Tương Dương).
Năm 2006, người Ơ Đu di chuyển về sinh sống tại bản tái định cư Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương để nhường đất xây dựng Thủy điện Bản Vẽ. Một số hộ ít hộ dân tộc Ơ Đu chuyển về sống xen kẽ với người dân tộc Thái, Khơ Mú ở 4 xã: Tam Đình, Thạch Giám, Xá Lượng, Lượng Minh, huyện Tương Dương.
Bản Văng Môn cách trung tâm huyện lỵ Tương Dương gần 70km nằm trên Quốc lộ 48C, quanh năm soi bóng bên con suối hiền hòa.
Bà Vi Thị Mùi, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Nga My, huyện Tương Dương cho biết người Ơ Đu ở bản Văng Xôm hiện có 102 hộ, 345 nhân khẩu. Sau 17 năm về sinh cơ, lập nghiệp ở bản tái định cư, đời sống vật chất, tinh thần của bà con nhân dân ngày càng được nâng lên rõ rệt. Đổi thay lớn nhất là bà con biết chú trọng vào công tác phát triển sản xuất, chăn nuôi, đặc biệt quan tâm đến việc học hành của con em.
[Quan tâm, chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo]
Ngoài ra, các phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa luôn được gìn giữ. Bản đã thành lập được một đội văn nghệ, một câu lạc bộ xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững; nghề dệt thổ cẩm trong bản vẫn được các bà, các mẹ, chị em phụ nữ duy trì; các nghi thức, lễ hội như lễ hội Tiếng sấm đầu năm, các trò chơi nhảy sạp, thổi sáo, các món ăn truyền thống, sản phẩm mây tre đan… vẫn được duy trì.
Hiện nay, 100% gia đình người dân tộc Ơ Đu được sử dụng điện lưới thắp sáng, nước hợp vệ sinh, được cấp thẻ Bảo hiểm y tế. Các chế độ, chính sách như hỗ trợ cây, con giống, hỗ trợ tiền điện, vay vốn phát triển kinh tế đến người dân Ơ Đu được các cấp chính quyền thực hiện đầy đủ.
Điều dễ nhận thấy nhất ở bản Văng Môn là hệ thống đường giao thông nội bản đã được bêtông sạch sẽ. Nhà ở của người dân là hàng chục ngôi nhà sàn xây dựng theo mẫu chung nằm xen kẽ với những ngôi nhà sàn của người Thái, Khơ Mú. To nhất, khang trang nhất là Nhà sinh hoạt cộng đồng được xây dựng với kinh phí 4,5 tỷ đồng nằm ở trung tâm bản. Quốc lộ 48C chạy qua bản đã tạo nên một lợi thế để người dân trong bản Văng Môn mở cửa hàng kinh doanh buôn bán, thông thương hàng hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Theo bà Vi Thị Mùi, sự đổi thay theo chiều hướng tích cực của người dân Ơ Đu nhờ các chương trình, dự án mà Đảng, Nhà nước đã quan tâm đầu tư, như: Quyết định 755/QĐ-TTg về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo ở các xã, bản đặc biệt khó khăn; chính sách hỗ trợ di dân tái định cư theo Quyết định 33/QĐ-TTg; Chương trình xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.
Đặc biệt là Quyết định số 2086/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội đối với dân tộc thiểu số rất ít người; Quyết định số 936/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình mục tiêu phát triển văn hóa giai đoạn 2016-2020.
Đặc biệt, năm 2017, Đề án Hỗ trợ Phát triển Kinh tế-Xã hội Dân tộc Ơ Đu giai đoạn 2016-2025 do tỉnh Nghệ An triển khai, đồng bào Ơ Đu được đầu tư hệ thống giếng khoan; hàng chục khung cửi phát triển nghề dệt may truyền thống; hàng chục chuồng bò xây mới kiên cố và hơn 300 con bò giống; hơn 70 máy cắt cỏ, cải tạo 8,5ha đất trồng cỏ và cung cấp cỏ giống, mở các lớp tiếng Ơ Đu…
Bảo tồn văn hóa
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Vi Thị Mùi cho biết toàn xã Nga My có 9 bản với dân số hơn 1.110 người, thuộc 4 dân tộc Thái, Kinh, Ơ Đu, Khơ Mú, trong đó dân tộc Thái chiếm đến 90%. Quá trình cộng cư giữa các dân tộc nên lối sống, phong tục, tập quán, văn hóa của cộng đồng người Ơ Đu cũng chịu sự ảnh hưởng, có sự tác động, giao thoa.
Mặc dù bà con dân tộc Ơ Đu vẫn còn lưu giữ được những nét đặc trưng riêng có như các hoạt động, nghi thức trong các dịp lễ Tết, lễ hội Tiếng sấm đầu năm…., nhưng văn hóa của người Ơ Đu vẫn đứng trước nguy cơ bị mai một.
Nhìn nhận một cách khách quan từ thực tế, hiện nay, người Ơ Đu ở Văng Môn trong sinh hoạt hàng ngày đa phần đều sử dụng trang phục theo kiểu người Thái, Khơ Mú và người Kinh. Chỉ những dịp bản làng có lễ hội, Tết thì những bộ trang phục truyền thống mới xuất hiện.
Nhà ở của người Ơ Đu hiện nay cũng không còn yếu tố truyền thống như trước đây. Thay vào đó, họ ở nhà sàn xây theo mẫu nhà tái định cư, hoặc ở nhà sàn giống như nhà của người Thái. Đáng lo lắng nhất là trang phục, tiếng nói, ngôn ngữ của người Ơ Đu đã bị mai mốt dần.
Bà Vi Thị Dung (sinh năm 1947, bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương, Nghệ An) là một trong số rất ít người còn nắm giữ được cách thức dệt và làm được bộ váy áo (áo, chân váy và thắt lưng) của người Ơ Đu cho biết đĐể làm được bộ váy truyền thống của người Ơ Đu cần rất nhiều quy trình, công đoạn tìm kiếm nguyên vật liệu.
Trong bản có nhiều người biết dệt, nhưng họ không làm nữa, thanh niên lớn lên cũng chẳng mặn mà với nghề dệt. Từ năm 2007, khi chuyển về bản tái định cư lo sợ trang phục truyền thống của dân tộc mình bị mai một nên bà đã “vực” dậy nghề dệt. Tuy nhiên, hiện nay do tuổi đã cao, để làm được bộ váy bà Dung phải mất nửa tháng.
“Trang phục váy của phụ nữ Ơ Đu màu đen là chủ yếu, ngoài ra còn bổ sung một số hoa văn nên có một nét đẹp riêng,” Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Vi Thị Mùi cho biết thêm. Lý giải vì sao trang phục của phụ nữ Ơ Đu ít hoa văn, bà Vi Thị Dung cho hay: “Câu chuyện bắt nguồn từ lịch sử. Từ xa xưa, do sợ bị địa chủ bắt đi nên người phụ nữ Ơ Đu không dám mặc trang phục có hoa văn đẹp, sặc sỡ.”
Thực trạng đáng lo ngại trong công tác bảo tồn văn hóa dân tộc Ơ Đu hiện nay là bài toán đi tìm ngôn ngữ, chữ viết của người Ơ Đu. Ông Lo Thanh Bình (75 tuổi, bản Văng Môn) cho biết: "Hiện ở Văng Môn, ngoài tôi ra thì chỉ có vài người khác nói được tiếng Ơ Đu, nắm được một số từ vựng tiếng Ơ Đu. Từ năm 1960 trở về trước, người dân sử dụng được ngôn ngữ Ơ Đu khá nhiều. Nhưng sau này các cụ mất đi, con cháu sống chung với các dân tộc khác nên mất dần ngôn ngữ. Đến nay thì người sử dụng được ngôn ngữ Ơ Đu trong bản còn rất ít. Ngôn ngữ Ơ Đu phát âm rất khó, không nhớ được nên rất dễ quên. Điều này dẫn đến thực tế là đã có nhiều lớp truyền dạy tiếng Ơ Đu cho bà con trong bản nhưng hiệu quả mang lại không cao."
Ông Lương Xuân Hiệp, Trưởng phòng Phòng Dân tộc huyện Tương Dương, Nghệ An cho biết: "Thực hiện Quyết định số 2086/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đối với dân tộc thiểu số rất ít người, Phòng Dân tộc huyện Tương Dương mở một số lớp truyền dạy ngôn ngữ Ơ Đu theo hình thức truyền khẩu cho người dân bản. Tuy nhiên, hiệu quả mang lại không được như mong muốn. Việc bảo tồn ngôn ngữ là một nội dung tương đối khó vì trong bản Văng Môn người biết sử dụng ngôn ngữ Ơ Đu rất ít. Về chữ viết thì chúng tôi vẫn đang tìm nguồn tài liệu, người biết chữ viết Ơ Đu, nỗ lực làm mọi cách để khôi phục được chữ viết của người Ơ Đu."
Ông Lương Xuân Hiệp cho biết thêm trong những năm qua, các Chương trình Mục tiêu Quốc gia Phát triển Kinh tế-Xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi đã đạt được những kết quả nhất định.
Trong phát triển văn hóa, cộng đồng dân tộc Ơ Đu tại bản Văng Môn đã được thụ hưởng nhiều nội dung như bảo tồn các giá trị văn hóa; hỗ trợ bảo vệ bà mẹ, trẻ em; hỗ trợ một số hiện vật như khung cửi dệt vải, nhạc cụ dân tộc… Sự quan tâm đầu tư này đã tạo nên những tiền đề, tạo động lực để cộng đồng dân tộc Ơ Đu phát triển, vươn lên./.