Nghệ An: Kiên quyết ngăn chặn khai thác hải sản bất hợp pháp
Các cấp, ngành, địa phương của tỉnh Nghệ An đã tăng tốc triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu gỡ thẻ vàng EC đối với ngành thủy sản.
Nghệ An có hơn 80km bờ biển với gần 3.400 tàu cá; trong đó có hơn 1.600 phương tiện đánh bắt xa bờ.
Thời gian qua, chung tay cùng ngành thủy sản cả nước trong việc chấp hành quy định chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), các cấp, ngành, địa phương của tỉnh đã tăng tốc triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu gỡ thẻ vàng EC đối với ngành thủy sản.
Không để tàu cá “3 không” khai thác trên ngư trường
Đồn Biên phòng Diễn Thành (Bộ đội Biên phòng Nghệ An) quản lý 8 xã vùng biên giới biển của huyện Diễn Châu và hơn 25km bờ biển với hơn 550 tàu thuyền; trong đó có hơn 200 phương tiện có chiều dài từ 15m đến dưới 24m.
Những năm qua, công tác phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp được Đồn Biên phòng xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng.
Tại Cửa biển Lạch Vạn, mỗi ngày có hàng trăm lượt phương tiện tàu, thuyền của ngư dân các xã Diễn Bích, Diễn Ngọc, Diễn Thành, Diễn Kim… thuộc huyện Diễn Châu ra, vào.
Mỗi lần làm thủ tục xuất bến cho các phương tiện tàu thuyền vươn khơi, bám biển, các cán bộ, chiến sỹ Trạm kiểm soát Biên phòng Lạch Vạn (Đồn Biên phòng Diễn Thành) đều tuyên truyền đến các chủ phương tiện và ngư dân việc khai thác đúng tuyến, đúng khu vực vùng biển, không được sử dụng các loại ngư cụ cấm, sử dụng thuốc nổ…
Ngoài ra, lực lượng Biên phòng còn trực tiếp lên phương tiện tàu, thuyền kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các giấy tờ, thiết bị giám sát hành trình nhằm duy trì nghiêm túc, kiên quyết không để xảy ra tình trạng tàu cá "3 không" (không biển số, không có giấy phép, không đăng ký đăng kiểm) tham gia hoạt động khai thác trên ngư trường.
Cùng với đó, đơn vị phân công lực lượng thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình hình trên biển, luồng lạch; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát ngăn chặn tàu cá và ngư dân đánh bắt hải sản trái phép.
Thiếu tá Nguyễn Cảnh Sĩ, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Diễn Thành cho biết, đơn vị đã triển khai đồng bộ các biện pháp như: tuyên truyền, kiên quyết xử lý phương tiện vi phạm, hoạt động tuần tra, kiểm soát trên biển, cho ngư dân ký cam kết...
Để đảm bảo việc chấp hành quy định trong khai thác hải sản, đơn vị phối hợp với các địa phương nắm chắc tình hình địa bàn, quản lý chặt chẽ, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các tàu cá có biểu hiện nghi vấn tổ chức khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài.
Đồng thời, đơn vị phối hợp với lực lượng chức năng điều tra, xác minh các tổ chức, cá nhân môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Nghệ An đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài; xử lý và tham mưu xử lý các tàu cá vi phạm. Nhìn chung, các chủ phương tiện tàu thuyền trên địa bàn huyện Diễn Châu đã chấp hành tốt các quy định về phòng, chống IUU.
Hoàn tất thủ tục xuất bến tại Trạm kiểm soát Biên phòng Lạch Vạn, ngư dân Trần Văn Ken (xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu) cho biết, những năm qua, anh luôn chấp hành việc xuất trình giấy tờ đầy đủ khi ra lạch, vào lạch; phương tiện hoạt động khai thác hải sản trên biển đúng ngư trường, không khai thác gần bờ và vùng biển cấm.
Trong quá trình xuất bến, khai thác trên biển và cập bờ, máy giám sát hành trình trên thuyền của anh luôn bật và hoạt động ổn định.
Là một trong 8 xã ven biển, bãi ngang của huyện Diễn Châu, xã Diễn Bích có hơn 130 phương tiện tàu, thuyền khai thác hải sản; trong đó có hơn 50 tàu, thuyền có công suất từ 90CV trở lên. Những năm qua, địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp.
Ông Nguyễn Văn Liên, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Diễn Bích cho biết, chính quyền địa phương đã tổ chức nhiều buổi đối thoại, cuộc họp, mời các ngư dân là chủ phương tiện tàu cá có chiều dài 15m trở lên tham dự để triển khai các nội dung trong công tác phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp.
Qua đó để người dân thực hiện đầy đủ, đúng quy định. Xã phối hợp với Đồn Biên phòng Diễn Thành thường xuyên kiểm tra đối với các tàu cá chưa đủ giấy tờ như: giấy phép hoạt động, đăng kiểm, mất kết nối… để tuyên truyền và xử lý nghiêm vi phạm.
Ngăn chặn khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài
Tỉnh Nghệ An, có hơn 3.400 tàu thuyền khai thác hải sản; trong đó, số phương tiện có chiều dài 6m trở lên phải đăng ký là gần 2.520 chiếc. Hiện đã đăng ký được hơn 2.450 chiếc (đạt 97,69%) và cập nhật lên hệ thống cơ sở dữ liệu Vnfishbase 100%…
Ngày 23/5, Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An ban hành kế hoạch nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 52/NQ-CP, ngày 22/4/2024 của Chính phủ về việc "Ban hành Chương trình hành động và Kế hoạch của Chính phủ triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành thủy sản."
Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu, chính quyền các cấp, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tích cực tuyên truyền, vận động, kịp thời phát hiện từ sớm, từ xa, ngăn chặn ngay trong bờ đối với tàu cá và ngư dân có ý định vi phạm, đặc biệt là khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
Các đơn vị triển khai đồng bộ, quyết liệt các quy định của pháp luật về thủy sản trong quản lý đội tàu, kiểm soát hoạt động tàu cá trên biển, tại cảng, xuất, nhập bến phải tuân thủ đầy đủ theo quy định; thực hiện tổng kiểm tra, rà soát toàn bộ các tàu cá trên địa bàn, đảm bảo nắm chắc thực trạng (số lượng tàu, tàu cá đã hoặc chưa hoặc hết hạn đăng ký, đăng kiểm, cấp phép; tàu cá đã chuyển nhượng, mua bán, xóa đăng ký; tàu cá hoạt động trên địa bàn ngoài tỉnh, tàu cá chưa lắp thiết bị VMS...).
Qua đó, xử lý nghiêm, triệt để theo quy định của pháp luật đối với tàu cá không đủ điều kiện tham gia khai thác thủy sản.
Chính quyền các cấp, các cơ quan, tổ chức theo dõi, giám sát 100% tàu cá hoạt động trên biển qua Hệ thống giám sát; nắm rõ và xử lý nghiêm trường hợp vi phạm quy định mất kết nối VMS (không báo cáo vị trí 6 giờ một lần, mất kết nối quá 10 ngày không đưa tàu về bờ…); đảm bảo 100% tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên ra, vào cảng (kể cả cảng cá, bến cá tư nhân) phải có đầy đủ giấy tờ, có lắp thiết bị VMS; đặc biệt là thiết bị VMS phải đảm bảo hoạt động bình thường theo quy định khi tham gia hoạt động khai thác hải sản từ lúc rời cảng, xuất bến qua các đồn, trạm Biên phòng đến khi nhập bến, cập cảng.
Chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý, kiểm soát 100% tàu cá đăng kiểm tại tỉnh Nghệ An hoạt động ngoài tỉnh và tàu cá của tỉnh khác hoạt động trên địa bàn; thiết lập cơ chế chia sẻ, trao đổi thông tin giữa các địa phương có liên quan để kịp thời ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm khai thác IUU.
Các địa phương thực hiện các đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, thực thi pháp luật thủy sản trên biển; thực hiện các quy định về xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc hải sản khai thác, đảm bảo không có sản phẩm bất hợp pháp xuất khẩu ra nước ngoài.
Chính quyền các cấp, cơ quan, tổ chức kiên quyết ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; tăng cường lực lượng, phương tiện để thực hiện cao điểm; thường xuyên thanh tra, kiểm tra, xem xét trách nhiệm và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao.../.