Nghệ An: Bất cập trong dạy học Chương trình tiếng Anh tăng cường
Nhiều phụ huynh ở Nghệ An phản ánh gọi là tiếng Anh tăng cường nhưng thực chất các trung tâm lại thuê giáo viên tiếng Anh của các trường dạy, chất lượng không đảm bảo.
Việc dạy và học Chương trình tiếng Anh tăng cường đang được nhiều trường học ở Nghệ An triển khai với mục tiêu nâng cao năng lực học và sử dụng ngoại ngữ của học sinh.
Tuy nhiên, việc liên kết với các trung tâm ngoại ngữ để dạy học Chương trình tiếng Anh tăng cường gần đây lại nhận được nhiều ý kiến phản ánh của phụ huynh về: chương trình, chất lượng đào tạo, đội ngũ giáo viên, đơn vị liên kết, điều kiện cơ sở vật chất triển khai còn có nhiều bất cập.
Muôn kiểu tổ chức dạy học tiếng Anh tăng cường
Thời điểm này, những học sinh lớp 9 tham gia học thí điểm Chương trình tiếng Anh tăng cường của Trường Trung học Cơ sở Hà Huy Tập (thành phố Vinh) đã hoàn thành chương trình học, rút ngắn 1 năm so với lộ trình đề ra.
Theo mong muốn, các em sẽ thi lấy chứng chỉ IELTS. Nếu không đạt theo cam kết, Trung tâm Anh ngữ Clever learn sẽ phụ đạo miễn phí.
Để đảm bảo được việc dạy học sát với đối tượng, nhà trường đã tổ chức cuộc họp với phụ huynh lấy ý kiến và thống nhất chương trình học có sự điều chỉnh. Hằng tuần, lớp học vẫn duy trì 1 buổi với giáo viên nước ngoài để rèn luyện kỹ năng nghe, nói của học sinh; buổi còn lại với giáo viên Việt để bổ trợ kiến thức và sát với chương trình dạy học ở nhà trường.
Năm học 2023-2024 là năm thứ 3 Trường Trung học Cơ sở Hà Huy Tập triển khai dạy học theo Chương trình tiếng Anh tăng cường. Mỗi năm chỉ có từ 2-3 lớp, mỗi lớp gần 50 học sinh.
Cô giáo Hà Lê Hòa Bình, Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Hà Huy Tập khẳng định sau 3 năm thực hiện, việc tổ chức dạy học tiếng Anh tăng cường về cơ bản đạt được mục tiêu đề ra.
Tuy nhiên, vẫn còn có những ý kiến phản hồi về chương trình và đội ngũ giáo viên. Vì vậy, ngoài việc điều chỉnh chương trình, trường đã đề nghị thay đổi giáo viên tiếng Anh tăng cường do nhiều học sinh cho rằng giáo viên dạy chưa hiệu quả.
[Bộ GD-ĐT chỉ đạo rà soát các hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa]
Trong quá trình dạy học, nhà trường cũng gặp một số khó khăn như: khi mới đăng ký vào lớp tiếng Anh tăng cường, nhiều phụ huynh và học sinh cho rằng sẽ có thể học liên tục trong 4 năm học. Tuy nhiên, một số em sau một thời gian học có sự thay đổi về sở thích, năng khiếu nên không muốn theo đuổi lâu dài và việc học của các em chưa đáp ứng được như kỳ vọng của phụ huynh. Vì vậy, nhà trường cần phải theo sát để có những điều chỉnh phù hợp với từng đối tượng.
Hơn 2 năm trở lại đây, hầu hết các trường tiểu học trên địa bàn thành phố Vinh đều tổ chức các lớp tiếng Anh tăng cường dành cho học sinh bắt đầu từ lớp 1.
Chị N.T.V (phụ huynh một trường học trên địa bàn thành phố Vinh) bức xúc bày tỏ, con chị cũng học lớp tiếng Anh tăng cường, hiện tại muốn rút cũng không được. Chị V cho rằng chương trình đào tạo không phù hợp và tính ứng dụng vào thực tiễn không cao. Hiện các cháu phải học 2 chương trình tiếng Anh tăng cường (một chương trình tiếng Anh-Toán do Trung tâm xuất bản và bán sách; 1 giáo trình sách Kid’s box). Việc 2 chương trình học một lúc, hoàn toàn khác nhau, không có sách nào bổ trợ cho nhau, chồng chéo gây khó cho học sinh.
Nhiều phụ huynh ở các huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn… phản ánh gọi là tiếng Anh tăng cường nhưng thực chất các trung tâm lại thuê giáo viên tiếng Anh của các trường dạy, chất lượng không đảm bảo. Nhiều trường bố trí giờ học không hợp lý gây nên khoảng cách giữa học sinh đăng ký học tiếng Anh tăng cường và học sinh không có điều kiện học.
Giám sát, kiểm tra các trung tâm ngoại ngữ
Từ năm 2020, Chương trình tiếng Anh tăng cường bắt đầu được đưa vào các trường học trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Việc triển khai được căn cứ theo nhiều văn bản hiện hành từ Bộ Giáo dục và Đào tạo đến tỉnh nhằm thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030” theo quyết định của Ủy ban Nhân dân tỉnh.
Một trong những giải pháp được đưa ra trong đề án là tăng cường về thời lượng, đa dạng về hình thức học và bổ sung giáo viên có chất lượng, nhất là giáo viên bản ngữ tham gia giảng dạy.
Trong quá trình triển khai, các sở giáo dục trên địa bàn đã liên kết với các trung tâm tổ chức dạy tăng cường tiếng Anh trong trường học và bước đầu thu được nhiều kết quả đáng khích lệ.
Cụ thể, điểm trung bình môn tiếng Anh trong các kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông tăng liên tục trong 3 năm gần đây, từ 3,98 điểm lên 5,46 điểm; nhiều học sinh đạt chứng chỉ năng lực quốc tế tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Pháp… được miễn thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông môn ngoại ngữ, xét tuyển thẳng vào các trường Đại học; phong trào học tiếng Anh lan tỏa khắp từ thành thị đến nông thôn, vùng cao.
Qua 3 năm thực hiện, Sở Giáo dục và Đào tạo đã triển khai đầy đủ các yêu cầu như: chương trình đào tạo, đội ngũ giáo viên, điều kiện cơ sở vật chất, cam kết chuẩn đầu ra; đồng thời đã có quy định cụ thể về thẩm quyền kiểm tra phê duyệt (với cấp Trung học Phổ thông do Sở Giáo dục và Đào tạo phê duyệt; cấp học Mầm non, Tiểu học, Trung học Cơ sở do Phòng Giáo dục và Đào tạo phê duyệt).
Tuy nhiên, quá trình triển khai vẫn còn một số bất cập bởi các cơ sở giáo dục chưa làm tốt công tác tuyên truyền dẫn tới có phụ huynh nghĩ con em được xếp vào lớp tiếng Anh tăng cường là vào lớp chọn. Khi thực hiện chương trình tăng cường ở bậc Tiểu học, Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông do yêu cầu sỹ số không quá 20 học sinh/lớp nên các lớp học phải chia đôi học sinh.
Đối với những trường có số lượng học sinh tham gia Chương trình tăng cường nhiều sẽ khó khăn trong việc bố trí phòng học. Trong khi đó, giáo viên tham gia dạy tăng cường yêu cầu phải có chứng chỉ năng lực đạt chuẩn quốc tế gây khó khăn trong việc tuyển chọn...
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tăng cường kiểm tra, giám sát tại các cơ sở; tham mưu ban hành nghị quyết, văn bản về việc quy định mức thu tối đa các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của nhà trường, hướng dẫn thực hiện Chương trình tăng cường tiếng Anh, quy trình lựa chọn trung tâm để liên kết...
Sở đang tổ chức bồi dưỡng nâng chuẩn năng lực tiếng Anh quốc tế IELTS cho đội ngũ giáo viên cốt cán của các đơn vị. Sau khi hoàn thành khóa học, các giáo viên này có đủ năng lực tham gia trực tiếp dạy tiếng Anh tăng cường.
Sở Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quy trình 6 bước về thẩm định các trung tâm ngoại ngữ có liên kết với các trường, giúp các đơn vị công khai minh bạch việc lựa chọn các trung tâm đủ năng lực đáp ứng yêu cầu.
Thời gian tới, Sở có các giải pháp để tăng cường giám sát việc thực hiện Chương trình tiếng Anh tăng cường tại các cơ sở giáo dục; tăng cường kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh kịp thời những đơn vị thực hiện không đúng quy trình, quy định.
Sở sẽ giám sát việc lựa chọn trung tâm liên kết để các trường chọn được các đơn vị có chất lượng; đồng thời, định hướng các trường khảo sát nhu cầu của học sinh, tổ chức đánh giá đầu vào để phân vào các lớp phù hợp với nhu cầu và năng lực của các em.
Sở có chính sách khuyến khích, thu hút các trung tâm ngoại ngữ có chất lượng triển khai Chương trình tiếng Anh tăng cường ở các địa phương xa trung tâm.
Với những huyện miền núi, các trung tâm không thể triển khai dạy trực tiếp thì khuyến khích dạy trực tuyến (các trung tâm đầu tư cơ sở vật chất như máy chiếu, máy tính bảng, hệ thống âm thanh...).
Từ năm học 2022-2023, Sở yêu cầu sau khi phê duyệt kế hoạch dạy tăng cường cho các cơ sở giáo dục, Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố, thị xã tổng hợp số liệu báo cáo về Sở (tên cơ sở giáo dục, tên trung tâm phối hợp dạy tăng cường, số lớp, số học sinh, số tiết/tuần, số tiền/tiết) và thời khóa biểu dạy tăng cường của tất cả các cơ sở giáo dục trên địa bàn toàn tỉnh.
Trên cơ sở thời khóa biểu dạy tăng cường của các cơ sở giáo dục, Sở sẽ thành lập các đoàn để kiểm tra, dự giờ dạy và sẽ không báo trước cho hiệu trưởng hay Phòng Giáo dục và Đào tạo.
Ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, khẳng định thời gian tới, Sở sẽ xem xét vai trò, trách nhiệm của Hiệu trưởng trong việc tổ chức các chương trình giáo dục trong nhà trường; tập trung rà soát chất lượng đội ngũ giáo viên tham gia dạy tiếng Anh tăng cường; giám sát chặt chẽ việc thực hiện Chương trình giảng dạy của các trung tâm ngoại ngữ tại các cơ sở giáo dục (tăng cường dự giờ, thăm lớp, cả trực tiếp và trực tuyến); phối hợp để khảo sát đánh giá chuẩn đầu ra đối với các lớp tiếng Anh tăng cường, ít nhất là lớp 3, lớp 5 và lớp 8.
Quá trình thực hiện phải đảm bảo đúng các văn bản và quy định của pháp luật./.