Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3: Phát huy năng lực, trí tuệ đội ngũ cán bộ lãnh đạo nữ
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà khẳng định đội ngũ cán bộ lãnh đạo nữ Việt Nam luôn tự tin, bản lĩnh, trí tuệ, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Đảng và Nhà nước ta luôn luôn coi trọng công tác phụ nữ với việc ban hành nhiều chủ trương, chính sách chăm lo, tạo điều kiện để phụ nữ, trong đó có cán bộ nữ rèn luyện, phấn đấu và trưởng thành.
Có thể kể đến như Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị về “Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước,” Chỉ thị số 21 của Ban Bí thư về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới.
Từ những chủ trương lớn đó, Quốc hội, Chính phủ đã kịp thời cụ thể hóa bằng nhiều nghị quyết, dự án luật, chương trình hành động và chỉ đạo thực hiện với nhiều kết quả cụ thể.
Đảm bảo cơ sở chính trị, pháp lý cho phụ nữ rèn luyện, phấn đấu, trưởng thành
Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ đã xác định chỉ tiêu đến năm 2030 phải có cán bộ nữ trong cơ cấu ban thường vụ cấp ủy và tổ chức đảng các cấp.
Tỷ lệ nữ cấp ủy viên các cấp đạt từ 20 - 25%; tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp đạt trên 35%.
Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về Đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng đặt mục tiêu phấn đấu đạt tỷ lệ cấp ủy viên nữ từ 15% trở lên và có cán bộ nữ trong ban thường vụ.
Theo Quy định số 50-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về công tác quy hoạch cán bộ, phấn đấu cơ cấu, tỷ lệ quy hoạch cấp ủy và các chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp theo hướng cán bộ nữ từ 25% trở lên.
Quyết định số 2282/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình “Tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và quản lý các cấp hoạch định chính sách giai đoạn 2021-2030,” trong đó xác định mục tiêu đảm bảo sự tham gia bình đẳng của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách nhằm phát huy tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ, hướng tới thực hiện cam kết đạt mục tiêu phát triển bền vững về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.
Chỉ tiêu đặt ra trong Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 là đến năm 2025 đạt 60% và đến năm 2030 đạt 75% các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga cho biết nhờ có chủ trương, hệ thống chính sách và pháp luật tương đối đầy đủ, tiến bộ về công tác phụ nữ, sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, sự nỗ lực không ngừng của các lực lượng phụ nữ, đến nay, phụ nữ Việt Nam đã không ngừng phát triển, khẳng định vai trò và vị thế, có đóng góp trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó, lực lượng nữ trí thức và nữ lãnh đạo, quản lý luôn là lực lượng tiên phong đi đầu.
Nhìn vào đội ngũ nữ lãnh đạo, quản lý hiện nay có thể thấy rõ điều này. Tỷ lệ nữ cấp ủy 3 cấp của toàn quốc nhiệm kỳ 2020-2025 đều tăng so với nhiệm kỳ trước, vượt chỉ tiêu 15%.
Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XV đạt 30,26%, cao nhất kể từ Quốc hội khóa VI trở lại đây, với trình độ chuyên môn và lý luận chính trị cao hơn so với nhiệm kỳ trước.
Nữ lãnh đạo, quản lý ở bộ, ngành Trung ương và địa phương năm 2023 tăng lên so với năm 2022. Tăng nhiều nhất là nữ lãnh đạo cấp vụ: 437/1874 nữ giữ chức vụ Phó Cục trưởng, Phó Vụ trưởng và tương đương, đạt 23,3%, tăng so với năm 2022 là 364; có 77/765 nữ giữ chức vụ Cục trưởng, Vụ trưởng và tương đương, đạt 10,06%, tăng so với năm 2022 là 72.
Hiện, có 8 nữ Thứ trưởng và tương đương, 3 nữ Bộ trưởng và tương đương, đang đảm đương các bộ, ngành rất quan trọng của Chính phủ.
Đối với địa phương, 4.279 nữ Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các cấp, chiếm 13,9%, tăng so với năm 2022 là 4.243; có 12.864 nữ trưởng phòng, phó trưởng các phòng chuyên môn và tương đương, chiếm 28,7%, tăng so với năm 2022 là 8.028.
Các nữ lãnh đạo, quản lý các cấp ngày càng được trẻ hóa, đang không ngừng nỗ lực nâng cao năng lực, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, được lãnh đạo, cán bộ và quần chúng nhân dân tín nhiệm.
Nhiều chị phát huy tốt tiếng nói của ngành, địa phương, của giới nữ trong các diễn đàn Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp.
Theo Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, giai đoạn này, tỷ lệ nữ giữ chức vụ lãnh đạo quản lý đạt cao nhất. Nữ lãnh đạo chủ chốt của các bộ, ngành trung ương đạt 43%, nữ tham gia Ban Chấp hành Trung ương đạt xấp xỉ 10%.
Đội ngũ cán bộ lãnh đạo nữ dù ở cương vị nào, vị trí lãnh đạo nào cũng tự tin, bản lĩnh, trí tuệ, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, được Đảng, Nhà nước và xã hội ghi nhận, đánh giá cao. Qua đó cho thấy, vai trò và vị thế của phụ nữ lãnh đạo trong xã hội cũng như trong các cấp ủy được ghi nhận và được khẳng định ngày càng rõ nét hơn.
“Hơn lúc nào hết, phụ nữ đã phát huy tốt năng lực, trình độ của mình, đặc biệt là phát huy tốt truyền thống, phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam. Uy tín và vị thế của đội ngũ lãnh đạo nữ trên trường quốc tế được nâng lên,” Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho hay.
Trong buổi gặp mặt, chúc mừng đại diện nữ trí thức tiêu biểu và trao Giải thưởng Kovalevskaia năm 2023, nhân kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 diễn ra chiều 7/3, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã nêu ra những con số ấn tượng về phụ nữ tham chính với nhìn nhận, tỷ lệ nữ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan Đảng, Nhà nước được nâng cao về số lượng và chất lượng.
Theo Báo cáo khoảng cách giới toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới công bố tháng 6/2023, Việt Nam đã tăng 11 bậc về bình đẳng giới so với năm 2022 (đứng thứ 72/146 nước).
Đặc biệt, trong lĩnh vực chính trị, Việt Nam xếp từ thứ hạng 106 năm 2022 lên thứ hạng 89 năm 2023 (tăng 27 bậc), trong đó tỷ lệ nữ trong nghị viện xếp hạng 53.
Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo nữ các cấp
Kết quả công tác nữ nói chung, công tác cán bộ lãnh đạo nữ nói riêng đã đóng góp quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước.
Điều đó khẳng định đội ngũ cán bộ lãnh đạo nữ nói riêng, đội ngũ tri thức nói chung đã hội tụ đầy đủ, toàn diện những phẩm chất truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ mới với tinh thần “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang,” xứng đáng với sự ghi nhận, đánh giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thư gửi phụ nữ Việt Nam nhân dịp kỷ niệm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng và Ngày Quốc tế Phụ nữ ngày 8/3/1952: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ.”
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nội vụ, công tác cán bộ lãnh đạo nữ có những tiến bộ vượt bậc nhưng so với tiềm năng và vị thế, vai trò của phụ nữ vẫn còn những mặt khó khăn và hạn chế, chưa đạt mục tiêu trong các nghị quyết của Đảng là đến năm 2025 khoảng 60% các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ.
Hiện, tỷ lệ này ở Trung ương mới đạt 42% và ở địa phương mới đạt 35%.
“Có sự suy giảm đối với công tác quy hoạch đội ngũ cán bộ lãnh đạo nữ các cấp, một số ngành đang có dấu hiệu hẫng hụt, giảm sút tỷ lệ nữ chuẩn bị cho nguồn đội ngũ lãnh đạo nữ trong giai đoạn tới. Dưới góc độ quản lý nhà nước, chúng tôi rất lo lắng, băn khoăn,” Bộ trưởng Nội vụ trăn trở.
Từ thực tế này, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà mong muốn Đảng, Chính phủ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo đến công tác phụ nữ, đặc biệt là công tác cán bộ lãnh đạo nữ trên tinh thần Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 21 của Ban Bí thư, đặc biệt là Nghị quyết số 26 và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới.
Đây là những căn cứ và cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác phụ nữ. Dưới góc độ quản lý nhà nước, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và các cấp ủy tập trung cho công tác quy hoạch, đảm bảo xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo nữ đáp ứng yêu cầu về chỉ tiêu, chất lượng.
Theo bà Phạm Thị Thanh Trà, chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp vào năm 2025 và Đại hội XIV của Đảng, giai đoạn này rất quan trọng để rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ lãnh đạo nói chung, cán bộ lãnh đạo nữ nói riêng.
Với trách nhiệm của mình, Bộ Nội vụ sẽ tham mưu Ban cán sự đảng Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ, các cấp có thẩm quyền tiếp tục có cơ chế chính sách đủ mạnh, đảm bảo công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch cán bộ nữ, nhất là chuẩn bị đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp nhiệm kỳ 2025-2030.
“Chưa bao giờ công tác cán bộ lãnh đạo nữ có được cơ hội tốt như bây giờ để rèn luyện, phấn đấu, trưởng thành,” nhấn mạnh điều này, nữ “Tư lệnh” ngành Nội vụ mong muốn chị em tiếp tục phát huy phẩm chất của phụ nữ Việt Nam, ra sức tu dưỡng, rèn luyện, tự tin, tự trọng, tự hào, bản lĩnh, trí tuệ, năng động, sáng tạo trên các lĩnh vực công tác, xứng đáng với việc quy hoạch và bố trí xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo nữ, đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng./.