Ngày hội văn hóa các dân tộc vùng Đông Bắc: Bản sắc, hội nhập và vươn xa

Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần XI năm 2024 do tỉnh Lạng Sơn đăng cai tổ chức, diễn ra từ ngày 2- 4/11 với sự tham gia của 8 tỉnh, với nhiều hoạt động phong phú.

Giới thiệu, quảng bá các sản phẩm văn hóa, sản vật của đồng bào dân tộc tới đông đảo người dân du khách. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Tối 2/11, tại Quảng trường đường Hùng Vương, thành phố Lạng Sơn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với tỉnh Lạng Sơn tổ chức khai mạc Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ XI năm 2024.

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh sự kiện nhằm tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc vùng Đông Bắc trong nền văn hóa thống nhất, đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Vùng Đông Bắc là nơi hội tụ nhiều dân tộc với kho tàng văn hóa phong phú, đa dạng gắn liền với quá trình đấu tranh dựng nước, giữ nước hào hùng của dân tộc ta.

Trong chiến lược phát triển đất nước, vùng dân tộc thiểu số nói chung, vùng Đông Bắc nói riêng luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, ban hành nhiều chủ trương, chính sách ưu tiên bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa gắn với phát triển kinh tế-xã hội. Chính vì vậy, những năm qua, các tỉnh vùng Đông Bắc quan tâm đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kinh tế, xã hội, thiết chế văn hóa, thể thao góp phần giữ gìn, bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng nâng lên.

Trong bối cảnh đất nước đang hội nhập sâu rộng, các giá trị văn hóa tốt đẹp đã và đang được đồng bào bảo tồn, phát huy, tạo thành nguồn lực, là động lực quan trọng để các dân tộc vùng Đông Bắc vượt qua khó khăn, từng bước vươn lên.

Những thành tựu về văn hóa được tạo dựng qua nhiều thế hệ sẽ còn được nối tiếp, vun đắp và tô đậm hơn theo dòng chảy lịch sử. Đó cũng là minh chứng hùng hồn cho tinh thần đại đoàn kết, ý chí bất khuất, khát vọng vươn lên của các dân tộc Việt Nam nói chung, người dân vùng Đông Bắc nói riêng, tạo tiền đề, nền tảng vững chắc để các tỉnh vùng Đông Bắc cùng cả nước nỗ lực hơn nữa trong kỷ nguyên mới-kỷ nguyên vươn mình của dân tộc...

Chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc tại lễ khai mạc kéo dài trong 60 phút thực hiện bởi trên 500 diễn viên, nghệ nhân các địa phương với chủ đề “Đông Bắc-Tự hào và tỏa sáng” gồm 3 chương: “Sắc màu Đông Bắc,” “Đông Bắc-Bản trường ca quang vinh” và “Đông Bắc-Tự hào và tỏa sáng.”

Các tiết mục ca ngợi vẻ đẹp văn hóa của 8 tỉnh vùng Đông Bắc với hoạt cảnh núi non kì vĩ, phong cảnh hữu tình nên thơ. Qua đó thể hiện Đông Bắc là xứ sở tươi đẹp, nơi sinh sống của nhiều đồng bào các dân tộc khác nhau, chính sự đa dạng ấy làm phong phú về bản sắc văn hóa, với nhiều đặc trưng văn hóa vật thể và phi vật thể của cộng đồng.

Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ XI năm 2024 do tỉnh Lạng Sơn đăng cai tổ chức, diễn ra từ ngày 2- 4/11 với sự tham gia của 8 tỉnh: Hà Giang, Bắc Giang, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Cao Bằng, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc và Lạng Sơn.

Với chủ đề “Văn hóa vùng Đông Bắc-Bản sắc, hội nhập và vươn xa,” Ngày hội được tổ chức nhằm phát huy tinh thần đoàn kết các dân tộc, lan tỏa tình yêu thương, cổ vũ, động viên tinh thần nhân dân cùng vượt qua mọi khó khăn, nhanh chóng khắc phục hậu quả nặng nề của bão số 3 (Yagi); củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, sớm ổn định cuộc sống, thúc đẩy kinh tế-xã hội vùng Đông Bắc phát triển nhanh và bền vững.

Nhân sự kiện này, các tỉnh tham gia nói chung và Lạng Sơn nói riêng có cơ hội giới thiệu, quảng bá tiềm năng phát triển du lịch, giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số tới bạn bè trong nước và quốc tế, góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm nhấn đáng chú ý trên bản đồ văn hóa, du lịch toàn cầu.

Các hoạt động đặc sắc diễn ra trong khuôn khổ ngày hội như trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống dân tộc; không gian trưng bày giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa truyền thống của địa phương; hội thảo khoa học “Du lịch văn hóa vùng Đông Bắc-khơi nguồn và phát triển;” liên hoan văn nghệ quần chúng và trình diễn trang phục các dân tộc vùng Đông Bắc; thi đấu các môn thể thao dân tộc; thi trình diễn kỹ năng hướng dẫn viên du lịch; triển lãm “Đặc trưng văn hóa các dân tộc vùng Đông Bắc trong cộng đồng văn hóa các dân tộc Việt Nam”.../.