Ngành ngân hàng tiếp tục tìm giải pháp hỗ trợ khách hàng sau bão
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết đang xây dựng Dự thảo Thông tư về cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão lũ.
Cơn bão Yagi đã tàn phá khủng khiếp, hoàn lưu sau bão lại chồng thêm nỗi đau với người dân Việt Nam, nhất là những tỉnh, thành phố phía Bắc. Theo Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng Chín, các khoản vay bị ảnh hưởng của Yagi ở các tỉnh, thành phố lên tới 165.000 tỷ đồng, với hơn 94.000 khách hàng.
Bằng nguồn lực từ chính lợi nhuận của mình, các ngân hàng đang tích cực có nhiều giải pháp hỗ trợ vốn cho khách hàng vực dậy sau bão. Hiện có 32 tổ chức tín dụng đã công bố các gói tín dụng để hỗ trợ khách hàng, với lãi suất thấp hơn lãi suất cho vay thông thường 0,5%-2%, tổng trị giá các gói là 405.000 tỷ đồng.
"Điểm tựa" của người dân, doanh nghiệp
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đến thời điểm này, có trên 30.000 ha thủy sản nuôi trồng bị tại các địa phương như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh…; đặc biệt các loại cá to phục vụ cho dịp Tết bị mất trắng.
Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết sau khi bão ập vào, nhiều doanh nghiệp và người dân không có sự chuẩn bị tốt nên thiệt hại là rất đáng kể.
“Hiệp hội xác định có ba thiệt hại chính đó là thiệt hại về cơ sở vật chất, thiệt hại về hàng hóa và thiệt hại về cơ hội kinh doanh. Hiệp hội cũng phát động chương trình hỗ trợ bằng vật chất cho các bà con, ngư dân sống gần biển và cả bà con ở vùng núi,” ông Nam chia sẻ.
Nhà máy thủy điện Đông Nam Á-Nậm Lúc, một trong những khách hàng lớn nhất của SHB trên địa bàn tỉnh Lào Cai, cũng là doanh nghiệp đang chịu tổn thất nặng nề cả con người và tài sản.
Ông Nguyễn Tất Anh, Giám đốc điều hành của nhà máy vừa được điều động về đây nghẹn ngào chia sẻ do mưa lớn nhiều ngày trên địa bàn đã dẫn tới sạt lở đất đá từ trên sườn núi xuống nên nhà điều hành của nhà máy bị san phẳng hoàn toàn, 5 cán bộ nhân viên của nhà máy bị thiệt mạng.
Bên cạnh nỗi đau mất người, nhà máy còn bị ảnh hưởng nặng nề khi nước ngập toàn bộ thiết bị. Khi bão đến, hai tuyến đường đi vào nhà máy bị cô lập hoàn toàn, sau 10 ngày mới có thể đi bộ vào nhà máy. Ước tính, nhà máy bị thiệt hại trên 100 tỷ đồng do bão, chưa tính thời gian dừng vận hành không có doanh thu để sửa chữa nhà máy thời gian tới.
“Đây thật sự là một sự việc gây bàng hoàng với tất cả cán bộ, nhân viên của chúng tôi,” ông Nguyễn Tất Anh bày tỏ.
Sau khi chủ động nắm bắt thông tin thiệt hại cả về người và tài sản của Nhà máy thủy điện Đông Nam Á - Nậm Lúc, ông Hoàng Văn Sỹ - Giám đốc SHB chi nhánh Lào Cai cho biết ngân hàng đã ngay lập tức thăm hỏi, động viên khách hàng. Thấu hiểu khó khăn trước mắt của nhà máy, ngay trong tháng Chín, SHB đã giảm số tiền lãi phải trả của nhà máy với số tiền là 5 tỷ đồng đồng thời cam kết sẽ tiến hành giảm lãi trong 4 tháng cuối năm 2024, dự kiến số tiền giảm lãi là trên 10 tỷ đồng. Để doanh nghiệp có nguồn kinh phí thay thế, sửa chữa máy móc, sớm đưa nhà máy đi vào vận hành, SHB mạnh dạn cho doanh nghiệp vay với số tiền 50 tỷ đồng, lãi suất 4,5%/năm.
Với những hỗ trợ kịp thời từ SHB, ông Nguyễn Tất Anh cho biết đây chính là điểm tựa quý giá trong lúc này để doanh nghiệp vượt qua khó khăn, vực dậy sớm nhất có thể.
Sát cánh cùng khách hàng tái thiết sau bão
Ông Hồ Nam Tiến - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng LPBank cho biết ngân hàng đang áp dụng giảm lãi suất vay từ 0,5%-2%/năm cho các khách hàng chịu ảnh hưởng bởi Yagi. Quy mô dư nợ áp dụng giảm lãi suất của chương trình lên tới 29.700 tỷ đồng cho hơn 63.200 khách hàng ở các khu vực, địa phương chịu thiệt hại bởi bão lũ đồng thời áp dụng các giải pháp cơ cấu nợ, giãn nợ phù hợp.
LPBank cũng đề xuất thêm các chính sách hỗ trợ như cơ cấu lại thời gian trả nợ, hỗ trợ giảm lãi suất, giúp họ sớm khắc phục hậu quả sau bão; cần cân nhắc việc tiếp tục gia hạn Thông tư 02/2023 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đồng thời bổ sung thêm đối tượng khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão vào danh sách được hỗ trợ.
"Dù còn nhiều thách thức phía trước, nhưng sự chỉ đạo sát sao và các giải pháp thiết thực từ Chính phủ, các bộ, ngành và Ngân hàng Nhà nước, LPBank tin tưởng kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục có sự tăng trưởng cao và bền vững trong thời gian tới,” ông Hồ Nam Tiến kỳ vọng.
Là ngân hàng có dư nợ lớn trên địa bàn Hải Phòng và cũng là ngân hàng có nhiều khách hàng bị ảnh hưởng của bão, bà Hồ Thị Hồng Thắm - Giám đốc Agribank Đông Hải Phòng cho biết kể từ khi bão tan đến nay, cán bộ tín dụng của ngân hàng đã xuống nhà của khách hàng để cùng dọn dẹp, thống kê thiệt hại. Chi nhánh có 1.050 khách hàng ảnh hưởng với thiệt hại 1.430 tỷ đồng.
“Chúng tôi đã giảm lãi suất cho khách hàng và xác định quý 4 không có lợi nhuận trong kinh doanh. Toàn bộ lợi nhuận dành để giảm lãi suất tối đa cho người dân, doanh nghiệp. Chúng tôi chấp nhận khả năng không đạt chỉ tiêu về tài chính để đồng hành cùng khách hàng vượt qua khó khăn hiện nay và sớm hồi phục trở lại,” bà Thắm chia sẻ.
Về phía cơ quan quản lý bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết Ngân hàng Nhà nước sẽ có Thông tư cơ cấu nợ cho khoản vay bị thiệt hại do bão.
Khách hàng được cơ cấu nợ là khách hàng được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá gặp khó khăn không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận thuộc một trong các trường hợp sau: Khách hàng bị ảnh hưởng, thiệt hại của bão số 3; đối tác của khách hàng bị ảnh hưởng, thiệt hại của bão số 3 nên không thực hiện được đúng, đầy đủ các cam kết, thỏa thuận đã ký với khách hàng.
Cụ thể, khách hàng thuộc đối tượng nêu trên có dư nợ gốc phát sinh trước ngày 7/9/2024 và từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính. Phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 7/9/2024 đến hết ngày 31/12/2025.
Số dư nợ của khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ còn trong hạn hoặc quá hạn đến 10 ngày kể từ ngày đến hạn thanh toán, thời hạn trả nợ theo hợp đồng, thỏa thuận. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ của khoản nợ đã quá hạn trên 10 ngày trong khoảng thời gian từ ngày 7/9/2024 đến ngày Thông tư này có hiệu lực khi thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu tiên theo quy định tại Thông tư này.
Cũng theo bà Giang, ngoài việc đề nghị các ngân hàng thương mại chủ động giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ cho khách vay, Ngân hàng Nhà nước sẽ báo cáo Chính phủ cho giữ nguyên nhóm nợ với các khoản nợ của khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão lũ. Với các khoản vay thuộc lĩnh vực nông nghiệp, theo Nghị định 55/CP, khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi vay. Đặc biệt, chính sách hiện nay cũng cho phép khoanh nợ tối đa 2 năm để hỗ trợ khách hàng./.