Ngành giáo dục nỗ lực vượt khó để hoàn thành nhiệm vụ năm học
Trong năm học 2022-2023, toàn ngành giáo dục đã nỗ lực để vượt qua những khó khăn, thách thức về nhân lực, cơ sở vật chất, chương trình mới và đạt những kết quả đáng khích lệ.
Dù còn gặp nhiều khó khăn như thiếu cơ sở vật chất, thiếu đội ngũ giáo viên trong khi là năm đầu tiên phải thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới đồng thời ở cả ba cấp học nhưng trong năm học 2022-2023, toàn ngành giáo dục đã nỗ lực và đạt nhiều kết quả quan trọng.
Tháo gỡ rào cản pháp lý
Báo cáo tại Hội nghị Tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024, báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết trong năm học vừa qua, bộ đã trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền 56 văn bản quy phạm pháp luật. Các văn bản quy phạm pháp luật được xây dựng trên tinh thần kiến tạo môi trường pháp lý để tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, từng bước tháo gỡ các nút thắt, những vướng mắc từ thực tiễn đặt ra, tạo hành lang pháp lý quan trọng trong quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo, được nhân dân ủng hộ, đồng tình.
Bộ đã hoàn thiện hồ sơ thuyết minh Luật điều chỉnh về nhà giáo và đã được Chính phủ thống nhất thông qua về sự cần thiết ban hành và các chính sách dự kiến đưa vào nội dung của Luật Nhà giáo. Bộ cũng tiến hành rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, công bố các văn bản thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ hết hiệu lực năm 2022; bãi bỏ các văn bản không còn phù hợp 3.
Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng thẳng thắn thừa nhận công tác soạn thảo một số văn bản còn chậm tiến độ, đặc biệt là các văn bản có ảnh hướng lớn đến định hướng phát triển toàn ngành như: Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050; Quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ giáo dục hòa nhập. Ngành đang nỗ lực để hoàn thiện, ban hành các văn bản này.
Phát triển đội ngũ, bổ sung cơ sở vật chất
Xác định đôi ngũ nhà giáo là cốt lõi, then chốt của ngành, trong năm học 2022-2023, ngành giáo dục và đào tạo đã không ngừng nỗ lực để phát triển đội ngũ, đặc biệt trong bối cảnh cả nước thiếu giáo viên.
Bộ cũng đã rà soát, khảo sát việc thực hiện chế độ làm việc của giáo viên phổ thông, thực trạng chính sách đối với gáo viên mầm non công lập, từ đó đề xuất các chính sách đặc thù nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của giáo viên.
Bộ đã trình Chính phủ và phối hợp với Bộ Nội vụ để tăng số lượng giáo viên cho ngành. Tính đến hết năm học 2022-2023, theo thống kê sơ bộ trên cơ sở dữ liệu ngành, tổng số giáo viên mầm non, phổ thông là trên 1,2 triệu người (tăng gần 72.000 người so với năm học 2021-2022, trong đó công lập chiếm 88,57%, ngoài công lập chiếm 11,43%). Số cán bộ quản lý tăng 100.135 người (công lập chiếm 90,4%, ngoài công lập chiếm 9,6%).
Chất lượng đội ngũ cũng tăng lên. Trong năm học vừa qua, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn cấp mầm non là 86,3%, cấp tiểu học là 83,3%, cấp trung học cơ sở là 90,3%, cấp trung học phổ thông là 99,9%.
[Bộ trưởng Bộ GD-ĐT giải đáp hàng loạt vấn đề nóng của giáo viên]
Cơ sở vật chất của ngành cũng được cải thiện. Hệ thống trường, lớp tiếp tục được quy hoạch, đầu tư đáp ứng nhu cầu học tập của người dân. Theo thống kê, cả nước hiện có 37.619 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập, trong đó cấp mầm non có 12.152 trường, cấp tiểu học có 12.354 trường, cấp trung học cơ sở có 10.672 trường và cấp trung học phổ thông có 2.441 trường. Trong đó, số trường liên cấp là 2.311 trường.
Nâng chất lượng giáo dục
Với những nỗ lực của toàn ngành, chất lượng giáo dục trong năm 2022-2023 đã đạt những kết quả đáng khích lệ.
Giáo dục mầm non giảm hàng nghìn điểm trường lẻ, tỷ lệ huy động trẻ em đến trường đạt 70,4% tăng 4,6% so với năm học trước. Tuy nhiên, vẫn còn một số tỉnh có tỷ lệ huy động rất thấp so với mức chung cả nước.
Ở bậc phổ thông, việc triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, đặc biệt đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10 trong năm học 2022-2023 bước đầu đạt những kết quả tích cực.
Năm học 2022-2023, tỷ lệ huy động học sinh đi học đúng độ tuổi cấp tiểu học đạt 99,7%. Tỷ lệ huy động học sinh hoàn thành Chương trình giáo dục tiểu học vào trung học cơ sở đạt 94,3%. Tỷ lệ học sinh hoàn thành Chương trình giáo dục trung học cơ sở đạt 90,7%. Cả nước có 63/63 tỉnh, thành phố (đạt tỷ lệ 100%) duy trì và đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, trong đó có 30/63 tỉnh, thành phố 113 (đạt tỷ lệ 47,6%) đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 (tăng 4 tỉnh so với năm trước); 11 tỉnh/ thành phố (đạt tỷ lệ 17,5%) đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung hoc cơ sở mức độ 2; 7 tỉnh/thành phố (đạt tỷ lệ 11,1%) đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3.
Kết quả tại các Kỳ thi Olympic khu vực, quốc tế năm 2023 đạt thành tích cao với 11 huy chương Vàng, 14 huy chương Bạc, 12 huy chương đồng và 5 bằng khen.
Với giáo dục thường xuyên đã tăng hơn 1.000 trung tâm trong năm học vừa qua so với năm học trước, đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên, học tập suốt đời của người dân.
Vẫn nhiều thách thức
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện kế hoạch năm học 2022-2023 của ngành vẫn còn những tồn tại, hạn chế.
Khó khăn, thách thức lớn nhất của ngành hiện nay là tình trạng thiếu giáo viên. Theo thống kê sơ bộ trên cơ sở dữ liệu ngành, hiện nay cả nước còn thiếu 118.253 giáo viên, tăng thêm 11.308 người so với năm học 2021-2022. Trong đó cấp mầm non tăng 7.887 người, cấp tiểu học tăng 169 người, cấp trung học cơ sở tăng 1.207 người, cấp trung học phổ thông tăng 2.045 người.
Số lượng thiếu giáo viên tập trung vào vị trí giáo viên mầm non; thiếu giáo viên môn Tiếng Anh, Tin học đối với tiểu học; môn Âm nhạc, Mỹ thuật đối với trung học phổ thông khi áp dụng Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 từ năm học 2022-2023. Trong triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới cũng có sự lúng túng trong sắp xếp tổ hợp môn học ở lớp 10, vấn đề sách giáo khoa vẫn còn những bất cập.
Cùng với thiếu đội ngũ, vẫn còn tình trạng thiếu trường, thiếu lớp và áp lực tuyển sinh đầu cấp, nhất là tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Tại một số địa phương vẫn còn phòng học nhờ, phòng học tạm; thiếu các phòng chức năng, thiết bị dạy học tối thiểu làm ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học, đặc biệt là khi thực hiện Chương trình mới.
Ở bậc mầm non, công tác bảo đảm an toàn cho trẻ em mầm non ở các cơ sở giáo dục mầm non độc lập, tư thục, nhất là tại các vùng đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất còn hạn chế.
Với giáo dục thường xuyên vẫn còn hạn chế; tỷ lệ huy động người học xóa mù chữ ở vùng biên giới, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn còn thấp, kết quả xóa mù chữ không bền vững.
Công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho trẻ em, học sinh; công tác hỗ trợ, tư vấn tâm lý, kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, học sinh còn chưa thực sự hiệu quả. Tình trạng bạo lực học đường, mất an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học vẫn còn xảy ra ở một số cơ sở giáo dục, gây bức xúc trong dư luận.
Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay những kết quả đạt được của năm học 2022-2023 là động lực, trong khi những tồn tại sẽ là bài học kinh nghiệm để ngành nỗ lực hơn nữa trong năm học tới./.