Ngành đường sắt loay hoay bài toán thay thế đầu máy, toa xe ‘hết đát'

Nếu chỉ đóng mới hoàn toàn để thay thế toa xe hết niên hạn, các doanh nghiệp vận tải đường sắt sẽ phải chịu áp lực về vốn và chi phí tài chính.

Sửa chữa toa xe tại Công ty cổ phần Xe lửa Gia Lâm. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) kiến nghị cấp có thẩm quyền tạm dừng việc thực hiện niên hạn đối với những đầu máy, toa xe hết niên hạn theo quy định của Luật Đường sắt.

Lý do được ngành đường sắt đưa ra bởi tại Nghị định 01/2022/NĐ-CP ngày 4/1/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 65/2016/NĐ-CP ngày 12/5/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đường sắt, cho phép kéo dài lộ trình thực hiện niên hạn phương tiện giao thông đường sắt (đầu máy, toa xe) đến năm 2025.

Theo đó, các phương tiện hết niên hạn sử dụng trước ngày 31/12/2018 được phép hoạt động đến hết ngày 31/12/2023. Các phương tiện hết niên hạn sử dụng từ ngày 1/1/2019 đến ngày 31/12/2019 được phép hoạt động đến hết ngày 31/12/2024.

Các phương tiện hết niên hạn sử dụng từ ngày 1/1/2020 đến ngày 31/12/2025 được phép hoạt động đến hết ngày 31/12/2025. Các phương tiện hết niên hạn sử dụng từ ngày 1/1/2026 không được kéo dài thời gian hoạt động.

Đại diện VNR cho biết nếu chiểu theo quy định này, đến 2025, ngành đường sắt thiếu khoảng 60 đầu máy, hơn 500 toa xe. Để đầu tư số này, Tổng công ty tính toán sơ bộ cần đến khoảng 8.000 tỷ đồng và đó mới chỉ là thay thế đầu máy, toa xe hiện nay, tức sử dụng dầu diesel, chứ chưa tính đến đầu máy, toa xe sử dụng nhiên liệu xanh.

“Nếu chỉ đóng mới hoàn toàn để thay thế toa xe hết niên hạn, các doanh nghiệp vận tải đường sắt sẽ phải chịu áp lực về vốn và chi phí tài chính. Cứ như vậy, chỉ đầu tư một vài đoàn tàu nữa là doanh nghiệp cũng hết khả năng vay,” phía VNR thừa nhận.

[Hàng nghìn toa xe, đầu máy đường sắt sẽ trở thành… đống phế liệu]

Đặt vấn đề đối với những đầu máy quá niên hạn nhưng chất lượng vận hành vẫn tốt, đại diện VNR cho rằng niên hạn chỉ là một yếu tố và là thước đo về an toàn, xác định khả năng an toàn phương tiện thiết bị. Nhưng phương tiện còn có nhiều yếu tố khác như thời gian khai thác, hệ số sử dụng, tác động của ảnh hưởng khai thác để dẫn đến đủ điều kiện khai thác hay không? Nếu điều kiện khai thác không đảm bảo dù chưa đến niên hạn vẫn phải bỏ và ngược lại nếu quá niên hạn nhưng chứng minh được vẫn đảm bảo chạy an toàn thì đề xuất để mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và xã hội.

“Trong thời gian kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Đường sắt 2017, Tổng công ty Đường sắt đã kiến nghị cấp có thẩm quyền cho phép tạm dừng việc thực hiện niên hạn đối với phương tiện giao thông đường sắt để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh,” phía VNR kiến nghị cho hay./.

Việt Hùng (Vietnam+)