Ngành Công Thương: Nắm bắt cơ hội từ xu hướng chuyển đổi số
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng trong môi trường cạnh tranh bởi phương thức phân phối hàng hóa dựa trên công nghệ buộc doanh nghiệp bán lẻ phải thay đổi để tồn tại và phát triển.
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang mang lại cho thị trường bán lẻ thế giới và Việt Nam cả những cơ hội và thách thức mới.
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng trong môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt bởi những thay đổi mạnh mẽ của phương thức phân phối hàng hóa dựa trên nền tảng khoa học kỹ thuật, nhất là công nghệ buộc doanh nghiệp bán lẻ phải thay đổi để tồn tại và phát triển.
Theo Bộ Công Thương, tổng quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam hiện nay đạt khoảng 140 tỷ USD và dự báo sẽ tăng lên khoảng 350 tỷ USD vào năm 2025. Với mức ước đạt này sẽ đóng góp khoảng 59% tổng ngân sách quốc nội (GDP) cả nước.
Hơn nữa, đây là ngành có tốc độ tăng trưởng cao, đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP của đất nước, góp phần chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế theo hướng gia tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ.
Quý 1 vừa qua, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 1.187.000 tỷ đồng, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 78,9% tổng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của cả nước trong quý đầu năm nay.
Nhận định từ các chuyên gia thương mại cho thấy thị trường bán lẻ đang phát triển tốt là nhờ vào GDP tăng trưởng ấn tượng qua các năm, hệ thống hạ tầng thương mại đang được cải thiện và sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử.
Thế nhưng, trước bối cảnh cạnh tranh gay gắt, cùng những thay đổi mạnh mẽ của phương thức phân phối hàng hóa dựa trên nền tảng khoa học kỹ thuật, nhất là công nghệ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các nhà bán lẻ nội địa đang đứng trước thách thức lớn.
Chia sẻ về xu hướng mới của ngành bán lẻ, bà Đinh Thị Bảo Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại thuộc Bộ Công Thương, cho rằng thị trường đang vận động theo hướng thuộc về người mua. Hơn nữa, người mua ngày càng có nhiều công cụ hiện đại để tùy chỉnh lựa chọn ở kênh bán hàng hiện đại và truyền thống.
[Ngành bán lẻ: Đón sóng hồi phục sau đại dịch, tăng tốc chuyển đổi số]
Đáng lưu ý, người tiêu dùng Việt Nam đang quan tâm đến công nghệ số nhiều hơn với tỷ lệ người sử dụng Internet tăng lên mức 75% dân số và tỷ lệ người mua sắm trực tuyến lên tới 60%.
Công cụ này giúp người mua hàng có thể chốt đơn hàng ở bất kỳ đâu và khung giờ nào trong ngày. Điều này giúp tăng tỷ lệ tiếp cận của nhà bán lẻ với người mua hàng so với việc chờ đợi dành thời gian để đến với cửa hàng/sạp hàng truyền thống.
Ngoài ra, để cạnh tranh, nhà bán lẻ liên tục phải đổi mới kênh bán hàng ngoại tuyến và trực tuyến, cung cấp dịch vụ hỗ trợ, ứng dụng công cụ trực tuyến cũng như thanh toán điện tử thuận tiện nhất có thể.
Bên cạnh đó, những thay đổi về nhân khẩu học xã hội của người tiêu dùng dự kiến sẽ diễn ra với tốc độ chưa từng thấy, tạo ra những nhu cầu và mong muốn ngày càng mở rộng và đa dạng. Những đặc điểm như độ tuổi trung bình cao hơn, bệnh liên quan đến béo phì, huyết áp, tim mạch… cũng tác động đến cơ cấu hàng hóa tiêu dùng.
Phân tích những khó khăn thách thức của ngành bán lẻ, ông Hoàng Sơn Công, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp và chuyển giao công nghệ ngành bán lẻ cho rằng nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi tuyển dụng nhân sự và triển khai công nghệ số. Việc ứng dụng những công nghệ này vào tuyển dụng chưa thật sự phổ biến và vẫn gặp khó khăn do chưa ứng dụng thành thạo.
Hơn hết, doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa vì nếu nhà bán lẻ không kịp ứng dụng công nghệ vào bán hàng sẽ rất dễ “bị bóc phốt” gây ảnh hưởng, sụp đổ ngay trong một thời gian ngắn.
Không những thế, việc phát triển về công nghệ khiến hình thức quảng cáo đa dạng hơn, lan truyền nhanh hơn những sản phẩm quảng cáo truyền thống.
Đơn cử như hoạt động livetream có sức lan tỏa nhanh hơn nhiều so với quảng cáo trên truyền hình hay hình thức bán hàng hotline. Do đó, nếu doanh nghiệp không phát triển hình thức công nghệ sẽ có thể tụt hậu so với đối thủ cạnh tranh.
Ông Nguyễn Lâm Thanh, CEO Tiktok Việt Nam chia sẻ sàn thương mại điện tử là loại hình kinh doanh bán lẻ. TikTok đang tạo điều kiện cho nông dân tận dụng thế mạnh công nghệ, hỗ trợ bán hàng… Cùng với đó, thúc đẩy hợp tác với các tổ chức, đoàn thể, hội phụ nữ tạo dựng kết nối, tạo thêm kênh bán lẻ và tăng thu nhập cho các bên.
Vì vậy, nhằm vượt qua thách thức, bản thân TikTok cũng đang tạo điều kiện cho nông dân tận dụng được thế mạnh công nghệ, hỗ trợ bán hàng… Cùng với đó, TikTok thúc đẩy hợp tác với tổ chức, đoàn thể, hội phụ nữ nhằm tạo dựng thêm kết nối, kênh bán lẻ và tăng thu nhập cho các bên.
Tương tự, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op đề ra định hướng các tháng tiếp theo sẽ tập trung nguồn lực để chấn chỉnh, củng cố hoạt động của hệ thống, nâng cao hiệu quả kinh doanh nhằm tạo tích lũy và nền tảng phát triển bền vững cho các năm tiếp theo.
Cụ thể, Saigon Co.op sẽ cải tổ sâu và mạnh mẽ chiến lược hàng hóa, giá, nâng cao lợi thế cạnh tranh, số hóa trong hoạt động quản lý, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Ngoài ra, doanh nghiệp tập trung nâng cao hiệu quả quản trị, đa dạng hóa thương mại điện tử và dịch vụ chăm sóc khách hàng hướng tới mục tiêu doanh số năm 2023 tăng trưởng 4% so với năm 2022.
Theo ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Trung tâm Phát triển Thương mại điện tử thuộc Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số, dù tiềm năng phát triển và lợi ích của thương mại điện tử với nền kinh tế Việt Nam là rất lớn nhưng doanh nghiệp vẫn thiếu kỹ năng kinh doanh trực tuyến; khó khăn tạo dựng được niềm tin với khách hàng cũng như tuân thủ các quy định của quốc gia nhập khẩu.
Ngoài ra, việc thực hiện truy xuất nguồn gốc của doanh nghiệp còn chưa chuẩn hóa về nội dung, hình thức; chưa tập trung vào chăm sóc, xây dựng gian hàng chất lượng trên các nền tảng thương mại điện tử để tối ưu doanh thu và tiếp cận khách hàng…
Để hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm khách hàng qua kênh thương mại điện tử, ông Nguyễn Văn Thành cho rằng cần hoàn thiện thể chế, chính sách tạo thuận lợi cho phát triển thương mại điện tử. Chẳng hạn như hạ tầng, nhân lực, khuyến khích khu vực tư nhân đổi mới sáng tạo và tích cực tham gia ứng dụng thương mại điện tử; chuẩn hóa thị trường, chuẩn hóa thông tin...
Tuy nhiên, bên cạnh hỗ trợ từ phía nhà nước, bản thân doanh nghiệp phải nâng cao năng lực sản xuất, đa dạng sản phẩm hướng tới thế hệ trẻ. Bởi đây chính là tệp khách hàng tiềm năng nhất của thương mại điện tử thời gian tới./.