Ngành bảo hiểm nhân thọ đang đối mặt với khủng hoảng niềm tin
Ba tháng năm 2023, tổng số lượng hợp đồng bảo hiểm nhân thọ ước đạt trên 13,68 triệu hợp đồng, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2022; tuy nhiên tổng doanh thu ước đạt 37.849 tỷ đồng, giảm 1,4% so cùng kỳ.
Ngành bảo hiểm nhân thọ Việt Nam đang đối mặt với khủng hoảng niềm tin lớn nhất trong lịch sử gần 30 năm phát triển. Nếu doanh nghiệp không tìm cách khắc phục thì sẽ rất khó tồn tại và phát triển.
Đó là nhận định của ông Ngô Trung Dũng, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, tại buổi gặp gỡ báo chí thông tin về thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh chiều 24/4.
Theo ông Ngô Trung Dũng, tính đến cuối tháng 3/2023, tổng số lượng hợp đồng bảo hiểm nhân thọ ước đạt trên 13,68 triệu hợp đồng, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Tuy nhiên, so với cuối năm 2022, số lượng hợp đồng có sự suy giảm đáng kể gần 250.000 hợp đồng. Tổng doanh thu ba tháng năm 2023 ước đạt 37.849 tỷ đồng, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước.
Lý giải về sự suy giảm này, ông Dũng cho rằng kể cả khi thị trường tăng trưởng tốt, số lượng hợp đồng vẫn có thể giảm vì có nhiều hợp đồng đến thời điểm kết thúc.
Tuy nhiên, nguyên nhân cũng có thể là do sự suy giảm niềm tin của thị trường, khiến ít người mua bảo hiểm hơn và có khách hàng mua qua kênh ngân hàng (bancassurance) dừng đóng tiếp.
Thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho thấy hiện cả thị trường có khoảng 730.000 đại lý bảo hiểm chính thức; trong đó, kênh bancassurance đang mang về nguồn thu lớn.
[Đi tìm những góc khuất của thị trường bảo hiểm nhân thọ]
Trong năm 2022 có 995.400 hợp đồng bảo hiểm nhân thọ được phân phối qua kênh bancassurance, chiếm 46% doanh số khai thác mới. Lũy kế đến hết năm 2022, có hơn 2,92 triệu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ được bán theo hình thức này, với tổng phí 44.959 tỷ đồng, chiếm khoảng 25% tổng doanh số.
Sự tăng trưởng nóng của kênh bancassuarance thời gian qua đã bộc lộ một số hạn chế nhất định. Nhiều người dân cho biết bị ngân hàng ép mua bảo hiểm khi tới vay vốn; thậm chí không ít người phản ánh bị "lừa" từ gửi tiết kiệm sang mua bảo hiểm nhân thọ...
Theo ông Ngô Trung Dũng, Hiệp hội cũng đã ghi nhận những phản ánh về chất lượng tư vấn, chất lượng dịch vụ khách hàng của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cũng như những hạn chế liên quan đến kênh phân phối bảo hiểm thông qua ngân hàng.
Kể từ khi có mặt ở thị trường Việt Nam năm 1996 đến nay, đây là lúc ngành bảo hiểm nhân thọ đối mặt với khủng hoảng lớn nhất trong lịch sử. Các doanh nghiệp bảo hiểm đang chịu ảnh hưởng rất nặng nề, nếu không tự điều chỉnh, nâng cấp hơn nữa về quy trình, nghiệp vụ thì sẽ rất khó tồn tại và phát triển.
Về phía Hiệp hội, ông Dũng cũng cho biết hiệp hội thường xuyên yêu cầu các doanh nghiệp hội viên báo cáo danh sách đại lý vi phạm, những đại lý này sẽ không được hành nghề trong vòng ít nhất ba năm.
Trong năm 2022 đã có hơn 3.100 đại lý vào danh sách vi phạm 14 hành vi. Ngoài các vi phạm như cùng lúc làm đại lý cho nhiều hãng hay liên quan đến tài chính, có trường hợp đại lý tuyên truyền, quảng cáo sai về sản phẩm, dịch vụ...
Sau những lùm xùm mới đây, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cũng đã làm việc với từng bộ phận và kênh phân phối của các công ty bảo hiểm nhân thọ. Theo đó, các bên cam kết tiến hành rà soát hoạt động đào tạo, đảm bảo tuân thủ đúng chương trình đào tạo đại lý bảo hiểm đã đăng ký với Bộ Tài chính, đồng thời thực hiện các hình thức đào tạo bổ sung, cấp nhật kiến thức phù hợp để nâng cao chất lượng đội ngũ tư vấn.
Các doanh nghiệp cũng thống nhất cải tiến quy trình tư vấn, bán hàng, thẩm định, dịch vụ khách hàng và giải quyết quyền lợi bảo hiểm nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng.
Tăng cường quy trình kiểm soát nội bộ, công tác quản trị rủi ro để hạn chế tốt nhất những tranh chấp, khiếu nại của khách hàng. Cam kết hỗ trợ và xử lý khiếu nại của khách hàng một cách nhanh chóng, minh bạch.
Song song đó, các bên cũng sẽ tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục nhằm giúp khách hàng hiểu rõ hơn về sản phẩm bảo hiểm, đồng thời cải tiến chất lượng, hình thức tiếp cận để giúp bảo hiểm trở nên đơn giản, dễ hiểu hơn với người dân…/.