Ngân hàng Trung ương Nhật Bản: Các hộ gia đình nắm giữ tài sản ở mức kỷ lục
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã khuyến khích các hộ gia đình ưa tiền mặt tăng cường nắm giữ cổ phiếu và trái phiếu bởi đây vẫn là tài sản an toàn.
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) vừa cho biết các hộ gia đình nước này đã nắm giữ tài sản ở mức kỷ lục là l 2.121.000 tỷ yen (15.000 tỷ USD) vào cuối tháng 9/2023, nhờ giữ cổ phiếu và quỹ ủy thác đầu tư đạt mức cao nhất từ trước đến nay.
Dữ liệu cũng cho thấy BoJ sở hữu trái phiếu Chính phủ Nhật Bản trị giá 574.110 tỷ yen, tương đương mức kỷ lục 53,9% tổng dư nợ, mặc dù BoJ đã tìm cách giảm lượng mua trái phiếu bằng cách thực hiện chương trình trần lãi suất linh hoạt trong khuôn khổ nới lỏng tiền tệ.
Ngay cả sau khi bao gồm trái phiếu ngắn hạn, tỷ lệ nắm giữ trái phiếu của BoJ vẫn lên tới 47,7% tổng dư nợ cũng là một kỷ lục.
Trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài đã giảm lượng nắm giữ trái phiếu của họ xuống 8,6% so với cùng kỳ năm trước và là mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2010. Theo BoJ, đây là lần giảm đầu tiên kể từ năm 2014.
Thủ tướng Fumio Kishida đã khuyến khích các hộ gia đình Nhật Bản ưa tiền mặt tăng cường nắm giữ cổ phiếu và trái phiếu bởi đây vẫn là tài sản an toàn. Tiền mặt và tiền gửi tăng 1,2% lên 1.113.000 tỷ yen, chiếm 52,5% trong tổng số. Lượng nắm giữ cổ phiếu cũng tăng 30,4% lên 273.000 tỷ yen, trong khi quỹ ủy thác đầu tư tăng 17,4% lên 101.000 tỷ yen.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và các ngân hàng trung ương khác đã tăng lãi suất mạnh để kiềm chế lạm phát, khiến lãi suất ở nước ngoài tăng. BoJ vẫn là một ngoại lệ với cam kết lãi suất cực thấp nhưng dần dần nới lỏng quyền kiểm soát đối với lãi suất trái phiếu dài hạn.
Vào tháng 7/2023, BoJ đã quyết định cho phép lãi suất trái phiếu Chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm tăng trên 0,5%. Sau đó, BoJ đã loại bỏ mức trần đó vào tháng 10/2023 để lãi suất chuẩn tăng lên hơn 1,0%./.