Ngân hàng trung ương Hàn Quốc nỗ lực cân bằng giữa điều kiện bất ổn

Theo Phó Thống đốc BoK Kim Woong, tỷ lệ lạm phát của Hàn Quốc, vẫn ở mức 1% trong hai tháng liên tiếp, cũng cung cấp nền tảng vững chắc cho sự ổn định giá cả.

Trụ sở Bank of Korea. (Nguồn: KoreanTech)

Theo các nhà quan sát thị trường, lạm phát ở mức 1% và tăng trưởng chậm chạp đang tạo tiền đề cho một đợt cắt giảm lãi suất khác ở Hàn Quốc.

Khi Ủy ban Thị trường Mở Liên bang Mỹ (FOMC) hạ lãi suất chủ chốt 0,25 điểm phần trăm ngày 7/11, mọi sự chú ý đều đổ dồn vào việc liệu Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) có làm theo hay không tại cuộc họp hội đồng chính sách tiền tệ dự kiến diễn ra vào ngày 28/11 tới.

Thị trường nhận định có thể BoK sẽ giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp tháng 11/2024. Sau quyết định của FOMC, Phó Thống đốc cấp cao của BoK, Ryoo Sang Dai đã bày tỏ lo ngại về khả năng gia tăng biến động sau cuộc bầu cử Mỹ.

Phó Thống đốc cấp cao Ryoo cho biết: "Do tình hình tăng trưởng toàn cầu và xu hướng lạm phát ngày càng bất ổn, cũng như quỹ đạo chính sách tiền tệ của các nước lớn, có khả năng sự biến động trên thị trường ngoại hối và tài chính sẽ tăng lên, tùy thuộc vào các chi tiết cụ thể trong định hướng chính sách dưới thời chính quyền Trump thứ hai."

Các điều kiện để cắt giảm lãi suất đã có sẵn. Quyết định của FOMC đã thu hẹp khoảng cách lãi suất chính giữa Mỹ và Hàn Quốc xuống còn 1,5 điểm phần trăm.

Theo Phó Thống đốc BoK Kim Woong, tỷ lệ lạm phát của Hàn Quốc, vẫn ở mức 1% trong hai tháng liên tiếp, cũng cung cấp nền tảng vững chắc cho sự ổn định giá cả.

Một lý do chính đáng hơn nữa để cắt giảm lãi suất là mức tăng trưởng kinh tế chậm chạp 0,1% trong quý 3 năm nay, thấp hơn đáng kể so với dự báo ban đầu của BoK là 0,5%. BoK cũng dự kiến sẽ điều chỉnh dự báo tăng trưởng hàng năm của quốc gia và sẽ công bố các dự báo cập nhật tại cuộc họp chính sách tiền tệ vào tháng 11/2024.

Tuy nhiên, mối lo ngại lớn nhất chính là tỷ giá hối đoái tăng cao, chạm mức 1.400 won/USD kể từ khi cuộc bỏ phiếu bầu cử ở Mỹ bắt đầu. Theo Christy Tan, chiến lược gia về đầu tư khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại Viện Franklin Templeton, điều này có thể dẫn đến sự gia tăng nguồn cung trái phiếu chính phủ dài hạn, đẩy lãi suất dài hạn lên và làm đồng USD mạnh hơn.

Nếu BoK cắt giảm lãi suất chính sách trong bối cảnh này, tỷ giá hối đoái leo thang có thể được khuếch đại hơn nữa, do đó đẩy nhanh quá trình "di cư" của các quỹ nước ngoài khỏi Hàn Quốc và gây ra giá nhập khẩu cao hơn.

Một mối quan tâm khác là vẫn còn quá sớm để cảm thấy tự tin về nợ hộ gia đình, vì tỷ lệ nợ/GDP của Hàn Quốc vẫn là một trong những tỷ lệ cao nhất thế giới.

Thống đốc BoK Rhee Chang Yong phát biểu tại cuộc kiểm toán của quốc hội vào tháng 10/2024 rằng hội đồng sẽ đưa ra quyết định "sau khi xem xét toàn diện cách đồng USD mạnh sẽ hoạt động như thế nào sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và các chính sách kinh tế vĩ mô hướng tới sự ổn định, bắt đầu từ một tháng trước, sẽ tác động như thế nào đến bất động sản và các khoản vay hộ gia đình".

Ông Lee Jae Hyung, chiến lược gia thu nhập cố định tại Yuanta Securities, cho biết: "BoK có dư địa vì mức lãi suất của Mỹ vẫn cao hơn Hàn Quốc"./.