Ngân hàng Trung ương châu Âu hạ lãi suất lần thứ ba kể từ đầu năm 2024
Đây là lần đầu tiên ECB giảm lãi suất liên tiếp trong 13 năm, báo hiệu sự thay đổi trọng tâm từ việc chống lạm phát sang kích thích tăng trưởng kinh tế cho Khu vực Eurozone.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 17/10 đã cắt giảm lãi suất lần thứ ba kể từ đầu năm 2024 đến nay, chỉ ra rằng lạm phát ở Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang ngày càng được kiểm soát trong khi triển vọng kinh tế đã xấu đi.
Đây là lần đầu tiên ECB giảm lãi suất liên tiếp trong 13 năm, báo hiệu sự thay đổi trọng tâm từ việc chống lạm phát sang kích thích tăng trưởng kinh tế cho Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) - vốn đã tụt hậu đáng kể so với Mỹ trong hai năm liên tiếp.
Với mức cắt giảm 25 điểm cơ bản, lãi suất của ECB hiện giảm xuống còn 3,25%.
Thị trường tiền tệ đang dự đoán ECB sẽ có ba lần cắt giảm lãi suất nữa cho tới tháng 3/2025.
ECB cho hay sẽ vẫn duy trì cách tiếp cận “từng cuộc họp cụ thể” và dựa trên dữ liệu, đồng thời cam kết giữ lãi suất ở mức phù hợp khi cần thiết.
Quyết định cắt giảm lãi suất mới nhất được đưa ra trong bối cảnh lạm phát đang được kiểm soát. Mức lạm phát tháng 9/2024 của Eurozone là 1,7%, lần đầu tiên xuống dưới mục tiêu 2% của ECB trong ba năm.
Các chỉ số hoạt động kinh doanh và tâm lý thị trường cũng thấp hơn dự đoán. ECB dự báo lạm phát có thể tăng nhẹ lên trên mức 2% vào cuối năm nay, nhưng sẽ duy trì quanh mức đó trong thời gian tới.
ECB thừa nhận việc tăng lương đang góp phần gây áp lực lạm phát trong khu vực Eurozone, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ và hàng hóa sản xuất trong nước.
Tuy nhiên, áp lực chi phí lao động đang dần giảm bớt, một phần nhờ lợi nhuận doanh nghiệp bù đắp tác động của khoản chi này lên lạm phát.
Mặc dù việc kiểm soát lạm phát là một thành tựu đáng kể song tăng trưởng kinh tế khu vực Eurozone cũng chịu tổn thương.
Lãi suất cao đã cản trở đầu tư, góp phần vào sự suy yếu kinh tế kéo dài tại Eurozone.
Dữ liệu gần đây, bao gồm sản lượng công nghiệp và số liệu cho vay ngân hàng, cho thấy tình trạng này có thể tiếp diễn trong những tháng tới.
Thậm chí, thị trường lao động vốn dĩ đã phục hồi tốt cũng đang có dấu hiệu căng thẳng, với tỷ lệ vị trí việc làm trống cần tuyển dụng giảm từ mức cao kỷ lục.
Tình trạng này đã thúc đẩy các lời kêu gọi nới lỏng chính sách tiền tệ trong nội bộ ECB, do những lo ngại về khả năng lạm phát xuống dưới mục tiêu và nguy cơ mất việc làm cũng như giảm đầu tư.
Trong thông báo, ECB cho hay ngân hàng này nhận thức được tầm quan trọng của việc giảm chi phí đi vay để hỗ trợ tăng trưởng, đồng thời thừa nhận rằng các vấn đề mang tính cấu trúc như chi phí năng lượng cao và khả năng cạnh tranh giảm sút đòi hỏi những giải pháp toàn diện hơn, vượt ngoài việc điều chỉnh chính sách tiền tệ./.