Ngân hàng Trung ương châu Âu có thể tiếp tục hạ lãi suất trong năm 2025
Trả lời phỏng vấn trên đài phát thanh BFM, một chuyên gia cấp cao của Ngân hàng Trung ương châu Âu cho rằng sẽ có thêm các đợt cắt giảm lãi suất trong năm tới.
Ông Francois Villeroy de Galhau, một nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và đồng thời là Thống đốc Ngân hàng trung ương Pháp, ngày 13/12 cho biết ECB có khả năng sẽ tiếp tục hạ lãi suất trong năm tới.
Trả lời phỏng vấn trên đài phát thanh BFM, ông Villeroy cho rằng sẽ có thêm các đợt cắt giảm lãi suất trong năm tới. Ông cũng nói thêm ECB không cam kết trước bất kỳ một lộ trình lãi suất cố định nào, mà sẽ linh hoạt và điều chỉnh chính sách dựa trên tình hình kinh tế thực tế. Ông lưu ý rằng những dự đoán về lãi suất của thị trường trong năm tới khá phù hợp với quan điểm của ECB.
Ngày 12/12, ECB đã cắt giảm lãi suất lần thứ tư trong năm nay, và để ngỏ khả năng nới lỏng hơn nữa khi nền kinh tế của Khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone) đang bị kìm hãm bởi tình hình bất ổn chính trị trong khu vực và nguy cơ gia tăng căng thẳng thương mại với Mỹ.
Trong quyết định chính sách mới nhất, ECB đã giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm xuống mức 3%. Ngân hàng trung ương này cũng đã thay đổi thông điệp chính sách của mình, ngụ ý rằng họ sẽ không còn giữ lãi suất ở mức đủ để có tác động hạn chế đối với nền kinh tế. Các chuyên gia kinh tế cho rằng đó là dấu hiệu cho thấy ECB sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách hơn nữa trong thời gian tới, có thể là vào tháng 1/2025, khi lạm phát được dự đoán ổn định ở mức mục tiêu 2% của ECB vào đầu năm sau.
Trước đó, ông Holger Schmieding, nhà kinh tế trưởng tại ngân hàng Berenberg, cho biết Hội đồng Quản trị của ECB đang có những quan điểm khác nhau về sự suy yếu kinh tế hiện tại là do chu kỳ hay do cơ cấu. Cuộc tranh luận này sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong việc đưa ra quyết định có nên hạ lãi suất xuống dưới mức trung lập hay không.
Theo chuyên gia này, trên thực tế, sự suy yếu kinh tế hiện tại là sự kết hợp của cả hai yếu tố trên. Điều đó nghĩa là ECB vẫn phải thực hiện vai trò của mình, nhưng việc cắt giảm lãi suất sẽ không phải là "liều thuốc bách bệnh" cho nền kinh tế.
Mặc dù tăng trưởng của khối 20 quốc gia này đã bất ngờ bứt lên trong quý III, nhưng dữ liệu gần đây lại cho thấy dấu hiệu suy yếu. Những khó khăn cũng đang gia tăng, từ sự trở lại Nhà Trắng của ông Donald Trump và kéo theo đó có thể là các mức thuế quan thương mại, đến các tình hình căng thẳng ở Ukraine và Trung Đông.
Nền kinh tế lớn nhất khu vực là Đức đang phải đối mặt với năm tăng trưởng âm thứ hai liên tiếp, cộng thêm cuộc bầu cử bất thường sẽ diễn ra vào tháng 2/2025. Trong khi đó, Pháp - nền kinh tế lớn thứ hai của Eurozone - đang phải trải qua những bất ổn chính trị và ngân sách riêng.
Trong bối cảnh đó, việc cắt giảm lãi suất có những lợi thế rõ ràng. Việc này sẽ giảm chi phí lãi vay cho hộ gia đình và làm cho việc tiết kiệm kém hấp dẫn hơn, từ đó thúc đẩy hoạt động tiêu dùng tư nhân, vốn chỉ mới bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc. Tín dụng rẻ hơn cũng có thể thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư - đặc biệt là các công ty xây dựng nhà ở, trong bối cảnh tỷ suất lợi nhuận giảm đang hạn chế khả năng chi tiêu của giới doanh nghiệp.
Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách có thiên hướng ủng hộ chính sách tiền tệ thắt chặt hơn, như thành viên Ban điều hành ECB Isabel Schnabel, cảnh báo rằng việc cắt giảm lãi suất có thể không hiệu quả nếu các vấn đề mà ECB đang cố gắng giải quyết cũng mang tính chất cơ cấu, như năng suất kém, khả năng cạnh tranh giảm sút, nhân khẩu học bất lợi….
Bà Schnabel cho rằng nếu các doanh nghiệp không đầu tư vì những lý do khác ngoài chính sách tiền tệ, thì việc hạ lãi suất xuống dưới mức trung lập có thể sẽ không thúc đẩy đầu tư, và cần có các chính sách cơ cấu để giải quyết việc này. Bà cho rằng trong trường hợp này, cái giá của việc hạ lãi suất thậm chí có thể lớn hơn lợi ích mà nó mang lại, vì nó làm giảm "không gian chính sách" cần thiết để ứng phó với những cú sốc có thể xảy ra trong tương lai.
Vấn đề càng trở nên phức tạp hơn khi Thống đốc Ngân hàng trung ương Phần Lan Olli Rehn lập luận rằng sự phân biệt giữa tính cơ cấu và tính chu kỳ "không bao giờ rõ ràng". Ông cho rằng dù những thách thức về tăng trưởng và khả năng cạnh tranh dài hạn của châu Âu không thể được giải quyết bằng các công cụ chính sách tiền tệ, nhưng đầu tư được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố, đặc biệt là tổng cầu, mà tổng cầu lại rõ ràng bị ảnh hưởng bởi các điều kiện tài chính. Vì vậy, theo ông, sau những cú sốc nguồn cung gần đây, việc nới lỏng các điều kiện tài chính sẽ giúp tránh những tác động tiêu cực đến đầu tư, từ đó giúp tăng năng suất dài hạn.
Trong khi đó, cuộc họp thường kỳ của Nhóm các Bộ trưởng Tài chính Khu vực đồng euro (Eurogroup) đã kết thúc hôm 9/12 tại Brussels với nhiều thông điệp lạc quan về tình hình kinh tế khu vực và các kế hoạch ngân sách cho năm 2025. Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch Paschal Donohoe nhấn mạnh sự phục hồi và ổn định của Eurozone trong bối cảnh đầy thách thức.
Các bộ trưởng đã cùng thảo luận với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về tình hình kinh tế khu vực. Cả IMF và Ủy ban châu Âu (EC) đều nhận định Eurozone đã chứng minh được khả năng chống chịu vượt trội trước các biến động kinh tế và địa chính trị. Theo đó, lạm phát giảm và tỷ lệ việc làm vẫn duy trì ở mức cao kỷ lục. Dù triển vọng còn nhiều bất định, tăng trưởng được kỳ vọng sẽ phục hồi.
Ông Paschal Donohoe nhấn mạnh sự ổn định của Eurozone có được là nhờ những nỗ lực phối hợp từ các quốc gia thành viên. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý để thúc đẩy tăng trưởng và gia tăng năng động kinh tế, các cải cách là điều không thể thiếu. Theo ông, đổi mới cần được đặt làm trọng tâm trong chiến lược đầu tư và là yếu tố then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh của toàn khu vực.
Một phần quan trọng trong cuộc họp là việc đánh giá các kế hoạch ngân sách dự thảo cho năm 2025. Theo ông Donohoe, đây là bước đi đầu tiên nhằm hiện thực hóa khung quản trị kinh tế mới được thông qua đầu năm nay. Các kế hoạch ngân sách được thiết kế với lộ trình thắt chặt tài khóa dần dần, kết hợp với đầu tư vào cải cách cơ cấu nhằm cải thiện năng suất và nâng cao khả năng cạnh tranh.
Ông cho rằng lập trường tài khóa mang tính "thắt chặt nhẹ" cho năm 2025 là lựa chọn hợp lý, nhất là khi khu vực đang đối mặt với các thách thức về ngân sách và mục tiêu giảm lạm phát. Bên cạnh đó, Eurogroup đã gửi lời chúc mừng đến các quốc gia có kế hoạch ngân sách được đánh giá là phù hợp, đồng thời cùng nhau phân tích và thảo luận về những rủi ro tiềm tàng trong năm tới.
Hồi tháng 11/2024, EC dự báo tăng trưởng kinh tế của Eurozone sẽ tăng nhẹ từ 0,8% năm 2024 lên 1,3% năm 2025 và lạm phát sẽ tiếp tục giảm từ 2,4% xuống 2,1%. Tuy nhiên, EC cũng chỉ ra những rủi ro phát sinh từ căng thẳng địa chính trị, cũng như đầu tư yếu và chi phí sinh hoạt cao. Đức, nền kinh tế lớn nhất trong khối, dự kiến sẽ vẫn trì trệ.
Phó Chủ tịch EC Valdis Dombrovskis nhận định nền kinh tế Eurozone đang phục hồi ổn định, với tăng trưởng sẽ tăng tốc hơn trong năm tới. Tuy nhiên, khu vực còn những thách thức lâu dài về mặt cấu trúc cần phải giải quyết trong bối cảnh bất ổn địa chính trị hiện nay.
Theo EC, cả nhu cầu tiêu dùng và đầu tư đều được kỳ vọng sẽ phục hồi. Khi sức mua được cải thiện và lãi suất giảm, tiêu dùng sẽ tiếp tục tăng. Đầu tư dự kiến sẽ tăng nhờ bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp vững chắc, lợi nhuận khả quan hơn và điều kiện tín dụng thuận lợi hơn.
Trong khi đó, lạm phát ở Eurozone đã giảm đáng kể trong 2 năm qua, sau khi tăng lên tới 8,4% trong năm 2022 do xung đột Nga - Ukraine. Cùng với đó, tỷ lệ thất nghiệp của Liên minh châu Âu (EU) giảm xuống mức thấp kỷ lục 5,9% trong tháng 10/2024.
Mặc dù vậy, Ủy viên phụ trách các vấn đề kinh tế của EU Paolo Gentiloni cảnh báo rằng vẫn tồn tại một số bất ổn lớn trước những thay đổi về địa chính trị và nhu cầu tiêu dùng giảm. Trong khi đó, triển vọng thương mại kém lạc quan, do nhu cầu toàn cầu đối với hàng công nghiệp yếu trong những năm tới./.