Ngân hàng Thế giới: G20 cần xem xét lại cơ chế giảm nợ cho nước nghèo
Hơn một nửa trong số 75 quốc gia đủ điều kiện nhận tài trợ ưu đãi từ WB đang hoặc sắp rơi vào tình cảnh khó khăn, trong khi các khoản hoàn trả cao đang làm trầm trọng thêm tình trạng nghèo đói.
Cơ chế giảm nợ cho các nước nghèo nhất trên thế giới hiện nay không khả thi và cần phải xem xét lại. Đây là nhận định của ông Indermit Gill, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB), đưa ra mới đây.
Trả lời phỏng vấn của báo giới bên lề Hội nghị thường niên mùa Xuân của WB và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) diễn ra ở Washington (Mỹ), ông Gill cho biết sau 4 năm thành lập, cơ chế chung của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) về giãn nợ hoặc giảm nợ cho các nước nghèo đã không cung cấp được khoản tài trợ mới nào.
Hơn một nửa trong số 75 quốc gia được cho là đủ điều kiện nhận tài trợ ưu đãi từ WB đang hoặc sắp rơi vào tình cảnh khó khăn, trong khi các khoản hoàn trả cao đang làm trầm trọng thêm tình trạng nghèo đói ở những nước này.
Ông cảnh báo các khoản nợ đang buộc các nước thu nhập thấp phải cắt giảm chi tiêu công cho y tế, giáo dục và đầu tư.
Nhà kinh tế trưởng của WB cho rằng một trong những mặt hạn chế của cơ chế chung này là các trái chủ tư nhân - nhóm chủ nợ ngày càng đóng vai trò quan trọng, chỉ tham gia tái cơ cấu nợ khi kết thúc các cuộc đàm phán về nợ.
Ông kêu gọi đưa ra một cách tiếp cận có hệ thống để giảm nợ, đảm bảo các chủ nợ tư nhân tham gia vào quá trình tái cơ cấu nợ ngay từ đầu và yêu cầu họ chấp nhận thiệt hại để đổi lấy sự đảm bảo về khả năng trả nợ của các quốc gia nợ.
Chuyên gia Gill dự báo cuộc khủng hoảng nợ ở các nước nghèo sẽ không thể giải quyết trong "một sớm một chiều," đồng thời bày tỏ hoài nghi rằng gánh nặng nợ sẽ giảm bớt khi lãi suất ở Mỹ giảm.
Ông nhấn mạnh: “Các chu kỳ thắt chặt tiền tệ kéo dài nhiều năm chứ không phải vài tháng. Những quốc gia nghèo sẽ tiếp tục phải đối mặt với chi phí trả nợ rất cao.”
Tháng 11/2020, các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của G20 đã thông qua cơ chế chung về tái cơ cấu nợ của hàng chục quốc gia đang phát triển bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19.
Cho đến nay, chỉ có một số quốc gia - bao gồm Cộng hòa Chad, Ethiopia, Ghana và Zambia, nộp đơn xin giảm nợ thông qua cơ chế này./.