Ngân hàng Nhà nước thông tin về giải pháp "bơm" vốn hỗ trợ ngân hàng SCB

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết đến nay, ngân hàng SCB vẫn đang hoạt động ổn định và Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục xây dựng lộ trình để từng bước tái cơ cấu ngân hàng này.

Ngân hàng Nhà nước thông tin về số tiền cho ngân hàng SBC vay. (Ảnh: Vietnam+)

Tại họp báo thông tin về hoạt động ngân hàng quý 1 do Ngân hàng Nhà nước tổ chức ngày 19/4, liên quan vụ xét xử Vạn Thịnh Phát và Trương Mỹ Lan, trong đó có những sai phạm của Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB), ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là tất cả các sai phạm do cá nhân gây ra. Các chính sách, quy định về cho vay, quản lý của Chính phủ, của ngành đã đầy đủ, rõ ràng.

"Những vi phạm là do một số cá nhân cố tình thực hiện sai các quy định của Nhà nước. Do đó họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Các cơ quan chức năng đã và đang xử lý rất nghiêm minh các cá nhân có liên quan," Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Về thông tin một số tờ báo quốc tế đưa về vụ án Vạn Thịnh Phát và số tiền mà Ngân hàng Nhà nước đã cho vay để hỗ trợ SCB, Phó Thống đốc cho biết khi SCB rơi vào tình trạng khó khăn, thậm chí được xem như khủng hoảng thì cũng giống như nhiều nước trên thế giới, chức năng của Ngân hàng Trung ương là phải có giải pháp kịp thời để can thiệp, đảm bảo cho ngân hàng đó không đổ vỡ và không ảnh hưởng đến hệ thống tài chính quốc gia và sự an toàn của hệ thống các ngân hàng thương mại. Chính vì thế, Ngân hàng Nhà nước đã ngay lập tức có những giải pháp hành động một cách kịp thời.

Thực tế, trước đó khi SCB xảy ra sự cố mất thanh khoản vào tháng 10/2022, Ngân hàng Nhà nước cũng đã thực hiện biện pháp ổn định ngân hàng này.

Theo ông Tú, SCB không phải là ngân hàng đầu tiên xảy ra sự cố, trong vòng 10 năm qua cũng đã có những ngân hàng yếu kém, có những ngân hàng bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt. Cách đây 8-9 năm, có 3 ngân hàng thương mại bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, buộc phải xử lý. Đây cũng là quy luật vận động của nền kinh tế, ở ngay các nước trên thế giới cũng có thể xảy ra, chứ không riêng Việt Nam.

“SCB là ngân hàng có quy mô, tổng tài sản lớn do đó đòi hỏi giải pháp xử lý cũng phải đủ lớn để thực hiện. Chúng tôi tiếp tục xây dựng lộ trình tái cơ cấu từng bước SCB đồng thời nghiên cứu tìm ra giải pháp cơ chế, tạo điều kiện cho SCB ổn định, phục hồi và hoạt động bình thường," ông Tú khẳng định.

Trong các biện pháp ổn định SCB, có những khoản cho vay của Ngân hàng Nhà nước đối với ngân hàng thương mại yếu kém. Việc cho vay cung ứng tiền, dù ít hay nhiều đều có công cụ điều hòa lượng tiền đưa ra thông qua việc cho vay ngân hàng SCB./.