Ngân hàng hỗ trợ cho vay gần 5.000 tỷ đồng các đối tượng ảnh hưởng bởi bão số 3
Nhằm khắc phục bão số 3, ngành ngân hàng tiếp tục thực hiện các chính sách như: Giãn, hoãn việc nộp thuế, phí, lệ phí để tạo dòng tiền cho các doanh nghiệp, hộ gia đình sớm phục hồi.
Chiều 7/10, tại Họp báo Chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã đưa ra thông tin về những thiệt hại của cơn bão số 3 và các giải pháp để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Ước thiệt hại khoảng 81,5 nghìn tỷ đồng
Theo ông Trần Quốc Phương, đây là cơn bão mạnh chưa từng có gây thiệt hại rất lớn cho nhiều tỉnh, thành. Số liệu cho thấy, cập nhật tới ngày 27/9, ước thiệt hại khoảng 81,5 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, các vấn đề nữa như, các công trình, hạ tầng công cộng, hạ tầng lớn của địa phương bị ảnh hưởng nặng nề và thậm chí thiệt hại (như cầu Phong Châu), hay hạ tầng công cộng như: về điện, nước, thông tin liên lạc, trường học…
Thông tin thêm, theo ông Phương, khi cập nhật ảnh hưởng của bão số 3 với Thủ tướng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đánh giá sơ bộ tác động đến tăng trưởng kinh tế. Do vậy, ngay khi bão qua đi, Thủ tướng đã chỉ đạo kịp thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ, ngành khẩn trương báo cáo với Thủ tướng, Chính phủ để có giải pháp hỗ trợ ngay đối với các đối tượng bị ảnh hưởng sau bão.
Theo ông Phương, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 143/NQ/CP ngày 17/9/2024, nội dung chính là các giải pháp trọng tâm để khắc phục hậu quả cơn bão số 3 và nhanh chóng ổn định tình hình đời sống của nhân dân cũng như đẩy mạnh khôi phục sản xuất-kinh doanh ở những khu vực bị ảnh hưởng.
Nghị quyết gồm 6 nội dung cơ bản, thể hiện tư tưởng chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng về thứ tự ưu tiên ở trong các giải pháp, trong đó là ưu tiên về con người, tính mạng con người và sức khỏe con người đặt lên hàng đầu, là trên hết, trước hết, cho nên giải pháp đầu tiên là bảo vệ tính mạng an toàn sức khỏe, tính mạng của nhân dân sau đó đến các giải pháp khôi phục hoạt động sản xuất-kinh doanh.
Giải thích thêm, theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, trong quá trình triển khai Nghị quyết 143 đã tập hợp các giải pháp, trong đó các giải pháp tập trung 2 khía cạnh đó là: giải pháp về tài khóa và tiền tệ.
Đặc biệt, khi triển khai Nghị quyết 143 đã có sự vào cuộc tích cực của ngành tài chính-ngân hàng các giải pháp thuộc thẩm quyền của Thủ tướng cũng như thẩm quyền các bộ, ngành. Đơn cử, việc cơ cấu lại nợ cho các doanh nghiệp, hộ gia đình bị ảnh hưởng thiệt hại bởi bão lũ (tiếp tục cho vay để khôi phục sản xuất); hay chính sách tài chính, đó là tiếp tục thực hiện các chính sách trước đây đã áp dụng giai đoạn COVID-19, như: giãn, hoãn việc nộp thuế, phí, lệ phí để tạo dòng tiền cho các doanh nghiệp, hộ gia đình sớm phục hồi.
Bên cạnh đó, theo yêu cầu của Thủ tướng, các công ty bảo hiểm khẩn trương rà soát đánh giá thiệt hại để đền bù cho các hợp đồng bảo hiểm của những tài sản và doanh nghiệp bị ảnh hưởng…
“Đó là những chính sách kịp thời, tác động ngay lập tức tới thiệt hại của doanh nghiệp, hộ gia đình sau bão để phục hồi sản xuất. Tín hiệu đáng mừng là qua thực tế tại Quảng Ninh, Hải phòng, tại các khu công nghiệp, sau bão lũ các doanh nghiệp đã quay trở lại phục hồi sản xuất rất nhanh, chỉ sau hơn 1 tuần có thể phục hồi được rồi,” ông Phương cho hay.
Tập trung tăng tốc từ 2 “đầu tàu” cả nước
Tuy công nghiệp có thể phục hồi nhanh nhưng theo đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngành nông nghiệp và du lịch bị tác động lâu hơn, khả năng phục hồi cũng lâu hơn.
Cụ thể, lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt các giống cây con phải cần thời gian dài ngày, còn chăn nuôi phải tính bằng tháng, quý thì mới phục hồi được. Trong khi đó, lĩnh vực du lịch, các nơi như Hạ Long, tài sản lớn tiền như tàu thuyền bị chìm, để phục hồi thì mất rất nhiều thời gian... Do đó, trong báo cáo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị Chính phủ quan tâm hơn tới 2 ngành nông nghiệp và du lịch, các khu vực bị thiệt hại.
Về số liệu, đối với ngành ngân hàng đã hỗ trợ cho vay vốn khoản 84,5 nghìn đối tượng bị ảnh hưởng bởi bão, với tổng số tiền khoảng 5.000 tỷ đồng. Thủ tướng cũng chỉ đạo xuất, cấp 432,6 tấn gạo để cứu đói, cũng như chi ngay số tiền dự phòng từ ngân sách Trung ương để hỗ trợ các địa phương triển khai ngay hỗ trợ người dân. Cùng đó, với sự quan tâm hỗ trợ của nhiều nhà hảo tâm, các cá nhân, doanh nghiệp, toàn xã hội…
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho hay đánh giá thiệt hại của phía bộ là con số sơ bộ và đánh giá nhanh để Thủ tướng có chỉ đạo kịp thời. Tuy vậy, nếu không có bão xảy ra thì con số tăng trưởng sẽ cao hơn 7%.
Đối với mục tiêu tăng trưởng 7% theo kịch bản xây dựng, ông Phương cho hay cùng với kết quả tăng trưởng quý 3 và 9 tháng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục báo cáo với Thủ tướng, Chính phủ vẫn giữ mục tiêu phấn đấu tăng trưởng cả năm ở mức 7%, nếu có điều kiện thì có thể nâng cao hơn mức 7%.
Về giải pháp, ông Phương cho hay, Bộ tham mưu đó là với những địa phương không bị ảnh hưởng và có tiềm năng thì cần phải chia sẻ và nỗ lực hơn để bù đắp lại thiệt hại của các địa phương bị ảnh hưởng, trong đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị có 2 địa bàn trọng điểm nếu như tăng trưởng phấn đấu ở mức cao hơn sẽ tác động rất tốt tới tăng trưởng kinh tế cả nước, là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, đây là hai đầu tàu, động lực chính của cả nước.
Tại họp báo, Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho hay, mặc dù chịu tác động của nhiều yếu tố, song kinh tế-xã hội 9 tháng năm 2024 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước. Đơn cử, sau 9 tháng, GDP tăng 6,82%, kim ngạch xuất khẩu tăng 15,4%; nhập khẩu tăng 17,3%; xuất siêu ước đạt 20,8 tỷ USD.
Chính phủ và các bộ, ngành địa phương đã triển khai nhiều giải pháp tích cực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ứng phó, phòng, chống và khắc phục hậu quả cơn bão số 3, trong đó, đã huy động gần 3,4 nghìn tỷ đồng và Chính phủ đã cấp 432,6 tấn gạo hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng./.