Ngân hàng gấp rút hỗ trợ khách hàng cập nhật sinh trắc học trước "giờ G"
Theo quy định, từ 1/1/2025, khách hàng chưa cập nhật/đối chiếu thông tin sinh trắc học sẽ chỉ được giao dịch tại quầy và không thể thực hiện các giao ngân hàng dịch trực tuyến.
Kể từ ngày 1/1/2025, nếu chủ tài khoản ngân hàng chưa thực hiện xác thực sinh trắc học sẽ không thể thực hiện giao dịch điện tử như rút tiền, chuyển khoản và thanh toán thẻ online. Đây là việc làm không thể trì hoãn để mỗi người dân có thể tự bảo vệ tài sản của mình khi giao dịch trên môi trường mạng.
Gấp rút hoàn thành sinh trắc học
Những ngày vừa qua tại chi nhánh, phòng giao dịch của các ngân hàng, số lượng khách đến đối chiếu giấy tờ tuỳ thân, xác thực thông tin sinh trắc học có tăng hơn những ngày trước, nhưng không xảy ra tình trạng quá tải. Tại quầy giao dịch của các nhà băng, nhân viên ngân hàng luôn sẵn máy quét khuôn mặt, cài đặt và kết nối sẵn dữ liệu… Theo sự hướng dẫn của nhân viên ngân hàng, khách hàng chỉ mất khoảng 3-5 phút để hoàn tất việc xác thực sinh trắc học.
Để hỗ trợ khách hàng, chi nhánh các ngân hàng quốc doanh Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV cũng mở cửa làm việc ngoài giờ hành chính và cuối tuần.
Thậm chí, một số ngân hàng như BIDV, VPBank, MB, Vietbank, MSB… còn ưu đãi hấp dẫn tặng cho khách hàng xác thực sinh trắc học và cập nhật giấy tờ tùy thân nhằm thúc đẩy, khuyến khích người dân cập nhật thông tin sinh trắc học trước thời hạn.
Ghi nhận của phóng viên ngày 29/12 cho thấy phần lớn khách tới phòng giao dịch là người lớn tuổi, điện thoại có vấn đề về kỹ thuật hoặc chưa cập nhật căn cước công dân mới.
Ông Nguyễn Văn Ngọc (Quận Long Biên – Hà Nội) cho biết: “Tài khoản của tôi chỉ nhận lương hưu hàng tháng nên không có nhu cầu chuyển tiền trên 10 triệu đồng nhưng cứ vài ngày ngân hàng lại nhắn tin cảnh báo. Theo quy định mới, từ 1/1/2025 tất cả giao dịch cần có sinh trắc học nên tôi mới ra ngân hàng để nhờ hướng dẫn cài đặt. Các nhân viên ngân hàng hỗ trợ nhiệt tình, tạo thuận lợi. Chỉ trong khoảng 5 dưới sự hướng dẫn tôi đã hoàn thành việc đối chiếu thông tin, xác thực sinh trắc học.”
Một số ngân hàng cho biết sau khi triển khai làm việc ngoài giờ, lượng khách hàng cập nhật sinh trắc học thành công tăng gấp đôi so với trước đó. Tại một số địa bàn khu công nghiệp, lượng khách hàng là nhân viên các nhà máy, công ty đến cập nhật sinh trắc học tăng đột biến, đặc biệt là vào cuối tuần.
Tại SHB, ông Chu Lâm Thái - Phó Giám đốc Khối Công nghệ thông tin cho hay tính đến thời điểm hiện tại, số lượng khách hàng đã thực hiện xác thực sinh trắc học đạt khoảng 90% so với tổng số khách hàng cần thực hiện giao dịch, cho thấy sự quan tâm tích cực của khách hàng trong việc áp dụng và tuân thủ yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.
Cũng theo ông Thái, để có được kết quả trên, ngay khi có quy định từ Ngân hàng Nhà nước, SHB đã thành lập tổ dự án 2345 thực hiện đánh giá, lựa chọn nhà cung cấp giải pháp sinh trắc học một cách kỹ lưỡng và thực hiện thiết kế kiến trúc tổng thể trên tất cả các lớp ứng dụng, hệ thống liên quan, tránh bỏ sót. Sự phối hợp nhịp nhàng và phân chia trách nhiệm hợp lý giữa các bộ phận trong dự án là yếu tố then chốt đã giúp ngân hàng giải được bài toán thời gian gấp rút phải hoàn thành việc xác thực sinh trắc học.
“SHB đặt mục tiêu đến trước ngày 1/1/2025 tất cả các khách hàng trên kênh online đều được cập nhật sinh trắc học để không ảnh hưởng đến giao dịch của khách hàng. Tôi tin mục tiêu này có thể đạt được với tất cả sự nỗ lực của ngân hàng và hợp tác của khách hàng,” ông Thái chia sẻ.
Cùng các ngân hàng thương mại, các ví điện tử cũng đang gấp rút thực hiện xác thực khách hàng. Theo đó, ví điện tử MoMo đang triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ người dùng kịp thời hoàn tất xác thực sinh trắc học trên ứng dụng MoMo, đồng thời mở rộng đa kênh để tuân thủ Thông tư số 40 của Ngân hàng Nhà nước.
Ông Nguyễn Bá Diệp, đồng sáng lập MoMo cho biết từ tháng 11/2024, MoMo đã phối hợp Bộ Công an để tích hợp dịch vụ xác thực điện tử ngay trên ứng dụng VNeID. Người dùng MoMo có thể tự xác thực sinh trắc học qua VNeID một cách thuận tiện, bảo mật mà không cần sử dụng công nghệ NFC, giúp hỗ trợ người dùng gặp khó khăn trong việc xác thực sinh trắc học do thiết bị thiếu NFC hay không thông thạo công nghệ.
Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết đến nay có khoảng 80% tài khoản thẻ, tài khoản thanh toán của khách hàng trong hệ thống ngân hàng đã được xác thực sinh trắc học. Tính đến ngày 20/12, ngành ngân hàng đã có trên 84,5 triệu khách hàng đăng ký sử dụng tài khoản online, trong đó có 61,5 triệu khách hàng đã thực hiện xác thực sinh trắc học.
Tấm “khiên” bảo vệ tài khoản ngân hàng
Theo một khảo sát của Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia (từ 28/11 đến 14/12) cho thấy cứ 220 người dùng thì có 1 người là nạn nhân của lừa đảo trực tuyến, tương đương tỷ lệ 0,45%. Tổng thiệt hại do các vụ lừa đảo trực tuyến gây ra trong năm 2024 ước tính lên tới 18.900 tỷ đồng. Tội phạm mạng không ngừng nghĩ ra các chiêu thức lừa đảo, từ việc giả mạo cơ quan có thẩm quyền gửi đường dẫn giả mạo dịch vụ công, đến các ứng dụng giả mạo như VneID hay ứng dụng thuế.
Để giảm thiểu các rủi ro này, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định 2345/QĐ-NHNN ngày 18/12/2023 về triển khai các giải pháp về an toàn bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng nhằm tăng cường hơn nữa các giải pháp đảm bảo an toàn, bảo mật, bảo vệ người sử dụng dịch vụ tốt hơn trước tình trạng lừa đảo qua mạng. Theo Quyết định này, giao dịch của khách hàng, nhất là các giao dịch từ 10 triệu đồng/lần và 20 triệu đồng/ngày, đều buộc phải xác thực sinh trắc học.
Tiếp theo Quyết định số 2345, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kịp thời ban hành hàng loạt các Thông tư 17/2024/TT-NHNN và Thông tư 18/2024/TT-NHNN quy định về mở và sử dụng tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng… Một trong các điểm mấu chốt của các Thông tư này là nhằm tăng cường bảo vệ khách hàng trước hành vi gian lận, lừa đảo.
Theo đó, kể từ ngày 1/1/2025, khách hàng chưa cập nhật/đối chiếu thông tin sinh trắc học sẽ chỉ được giao dịch tại quầy, còn lại sẽ không thể thực hiện các giao dịch trực tuyến (rút tiền, chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, nạp tiền…) và giao dịch chuyển/rút tiền tại ATM. Đối với khách hàng có giấy tờ tùy thân hết hạn sẽ tạm dừng giao dịch thanh toán, rút tiền từ tài khoản thanh toán, thẻ trên mọi kênh.
Quy định này được xem là bước đi rất mạnh mẽ và quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước trong việc tăng cường đảm bảo an toàn bảo mật trong thanh toán trực tuyến, từ đó tạo dựng môi trường lành mạnh để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt phát triển sâu rộng và bền vững.
Lãnh đạo các ngân hàng đánh giá thời gian qua, việc triển khai Quyết định số 2345 đã cho thấy hiệu quả rõ rệt trong việc phòng, chống lừa đảo.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng cho biết, Quyết định 2345 giải quyết hai vấn đề quan trọng là chấm dứt việc mở tài khoản bằng giấy tờ giả và loại bỏ tài khoản mở bằng giấy tờ thật nhưng không phải chính chủ. Việc yêu cầu xác thực sinh trắc học để đảm bảo tài khoản đúng với căn cước công dân do Bộ Công an cấp.
“Đây là một chiến dịch lớn, cần thiết phải triển khai để làm sạch tài khoản và bảo vệ khách hàng an toàn hơn,” Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Chuyên gia bảo mật Vũ Ngọc Sơn (Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia) nhận định đăng ký và chuyển tiền với xác thực sinh trắc học bằng căn cước công dân gắn chip sẽ không có nhiều tài khoản ngân hàng ảo. Hơn nữa, cơ quan chức năng đã có căn cứ để truy vết tội phạm, thu hồi dòng tiền bất hợp pháp bởi những giao dịch lừa đảo chuyển khoản thành công với số tiền lớn.
Bà Nguyễn Thị Hương - Phó Tổng Giám đốc ABBANK cho hay việc nhanh chóng hoàn tất cập nhật dữ liệu sinh trắc học là một quy định quan trọng nhằm tăng cường bảo mật, bảo đảm an toàn cho khách hàng trong các giao dịch tài chính đồng thời tránh rủi ro cho cả khách hàng và ngân hàng. Ngân hàng sẽ liên tục cải tiến, nâng cao chất lượng dịch vụ và hạ tầng công nghệ để hỗ trợ khách hàng thực hiện việc cập nhật sinh trắc học tiện lợi và dễ dàng nhất.
Tuy nhiên, do các quy định mới này có phạm vi ảnh hưởng sâu rộng và trực tiếp đến hàng triệu khách hàng của các ngân hàng, cho nên công việc xác thực sinh trắc học đòi hỏi các ngân hàng phải chạy đua với thời gian để triển khai cùng lúc nhiều công việc./.