Ngân hàng Bundesbank: Nền kinh tế Đức sẽ lại đình trệ trong quý 3
Ngân hàng Bundesbank cho biết mặc dù các nút thắt trong chuỗi cung ứng đã được nới lỏng, nhưng sản lượng công nghiệp vẫn còn yếu vì nhu cầu nước ngoài đang có xu hướng giảm.
Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank) ngày 21/8 nhận định nền kinh tế của nước này có thể sẽ đình trệ trở lại trong quý 3/2023, do nhu cầu yếu từ nước ngoài và lãi suất cao dự kiến gây thiệt hại cho cường quốc công nghiệp của châu Âu.
Trong báo cáo hàng tháng, Bundesbank cho hay sau khi các ước tính sơ bộ cho thấy nền kinh tế không ghi nhận mức tăng trưởng nào trong quý 2, triển vọng cho giai đoạn từ tháng 7-9/2023 cũng không khả quan hơn nhiều.
Ngân hàng trung ương này đánh giá nền kinh tế lớn nhất châu Âu "vẫn còn thiếu động lực" và "tiếp tục trải qua một thời kỳ suy yếu."
Lĩnh vực công nghiệp chủ chốt của Đức, vốn là một động lực tăng trưởng truyền thống, đã chịu ảnh hưởng đặc biệt nặng nề trong những tháng gần đây do xuất khẩu giảm mạnh trong bối cảnh lạm phát cao và hoạt động kinh tế toàn cầu chững lại.
Báo cáo của Bundesbank cho biết mặc dù các nút thắt trong chuỗi cung ứng đã được nới lỏng, nhưng sản lượng công nghiệp có vẻ vẫn còn yếu vì nhu cầu nước ngoài đang có xu hướng giảm vào giai đoạn gần đây.
Trong khi hoạt động kinh tế ở Mỹ, một đối tác thương mại lớn của Đức đang trong tình trạng tương đối tốt, ngân hàng lưu ý rằng sự phục hồi hậu đại dịch COVID-19 của thị trường chủ chốt Trung Quốc đã "nhanh chóng mất đà."
Ngoài ra, chi phí đi vay cao hơn do Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tăng lãi suất nhằm giảm lạm phát cũng sẽ tiếp tục đè nặng lên lĩnh vực đầu tư và xây dựng của Đức.
Một điểm sáng hiếm hoi là tiêu dùng tư nhân có thể thúc đẩy nền kinh tế Đức trong quý 3 nhờ tình hình việc làm ổn định, tiền lương cho người lao động cao hơn và lạm phát giảm.
Tỷ lệ lạm phát hàng năm của Đức giảm xuống còn 6,2% trong tháng Bảy, chủ yếu nhờ giá năng lượng thấp hơn.
[Bundesbank dự báo kinh tế Đức sẽ suy thoái nhẹ trong năm 2023]
Tuy nhiên, áp lực về tiền lương có thể vẫn mạnh và kéo dài sang năm tới. Diễn biến này sẽ giữ lạm phát trên mức mục tiêu 2% do ECB đề ra trong thời gian dài hơn.
Triển vọng ảm đạm làm tăng thêm lo ngại rằng Đức sẽ kéo tụt hiệu suất kinh tế của Khu vực Sử dụng Đồng euro (Eurozone) trong năm nay.
Nền kinh tế Đức đã suy giảm trong hai quý trước đó, rơi vào tình trạng suy thoái về mặt kỹ thuật. Trước đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã dự báo Đức sẽ là nền kinh tế tiên tiến duy nhất bị suy giảm vào năm 2023. Các viện kinh tế hàng đầu của Đức cũng dự kiến nền kinh tế này sẽ suy giảm từ 0,2-0,4% trong cả năm 2023.
Dự kiến, Cơ quan Thống kê Quốc gia Đức - Destatis sẽ công bố số liệu cuối cùng cho quý 2 vào thứ Sáu tuần này (25/8)./.