Nga sẽ phản ứng tương xứng nếu Mỹ cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa

Nếu các nước phương Tây cho Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa tấn công vào lãnh thổ Nga, Nga sẽ buộc phải tiến hành điều mà Tổng thống Putin gọi là "những quyết định tương xứng" để ứng phó.

(Ảnh minh họa. Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 17/11, trước thông tin Tổng thống Mỹ Joe Biden dỡ bỏ quy định hạn chế việc Ukraine sử dụng vũ khí của Mỹ để tấn công vào lãnh thổ Nga, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhấn mạnh Tổng thống Nga Vladimir Putin trước đó đã nêu rõ quan điểm của Moskva trong vấn đề này.

Theo bà Zakharova, vào tháng 9 năm nay, Tổng thống Putin đã nói rằng nếu các nước phương Tây đồng ý cho Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa do các nước này viện trợ tấn công sâu lãnh thổ Nga, điều này đồng nghĩa Mỹ và các nước Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) can dự trực tiếp vào cuộc xung đột Nga-Ukraine. Theo đó, Nga sẽ buộc phải tiến hành điều mà Tổng thống Putin gọi là "những quyết định tương xứng" để ứng phó với những mối đe dọa mới.

Trong khi đó, trả lời phỏng vấn với hãng thông tấn RIA Novosti, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Duma Quốc gia Nga (Hạ viện Nga) Leonid Slutsky cảnh báo việc Mỹ cho phép Ukraine sử dụng tên lửa chiến thuật ATACMS tấn công vào lãnh thổ Nga, nếu được xác nhận, đồng nghĩa Washington tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột Nga-Ukraine và do đó sẽ dẫn đến phản ứng cứng rắn nhất từ phía Moskva.

Trước đó cùng ngày, truyền thông phương Tây đồng loạt đưa tin Tổng thống Biden đã “bật đèn xanh” cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa do Washington cung cấp để tấn công sâu vào bên trong lãnh thổ Nga. Quyết định này đồng nghĩa với sự thay đổi đáng kể trong chính sách của Mỹ trong cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Theo các nguồn tin giấu tên, Ukraine dự định thực hiện các đợt tấn công tầm xa đầu tiên trong những ngày tới. Các đòn tập kích có khả năng sẽ được thực hiện bằng tên lửa ATACMS có tầm bắn lên tới 306 km.

Trong bài phát biểu được phát đi vào tối 17/11, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết kế hoạch tăng cường cho Ukraine chính là nội dung Kế hoạch chấm dứt xung đột mà ông đã trình bày với các đối tác. Một trong những điểm chính là khả năng nâng tầm xa cho quân đội Ukraine.

Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan Radoslaw Sikorski đã hoan nghênh động thái trên trong một bài đăng trên mạng xã hội X.

Thông tin Mỹ dỡ bỏ hạn chế việc Ukraine sử dụng vũ khí tấn công sâu vào lãnh thổ Nga, nếu được xác nhận, sẽ đánh dấu bước thay đổi lớn trong chính sách của Mỹ dưới thời Tổng thống Biden.

Ukraine từ lâu đã đề nghị Mỹ và các đồng minh, đối tác phương Tây dỡ bỏ hoàn toàn các hạn chế đối với Kiev trong việc sử dụng vũ khí tầm xa tấn công vào sâu lãnh thổ Nga. Tuy nhiên, phương Tây ban đầu tỏ ra khá dè dặt với yêu cầu này./.