Nga đứng trước nguy cơ vỡ nợ lần đầu tiên trong hàng chục năm qua
Khoản thanh toán mà Nga đang gặp vấn đề là 100 triệu USD tiền lãi cho hai loại trái phiếu, một loại bằng đồng USD và một loại bằng đồng euro, đến hạn vào ngày 27/6, ân hạn thanh toán là 30 ngày.
Nga đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ lần đầu tiên trong hàng chục năm qua, khi nhiều nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu của nước này ngày 27/6 cho biết họ chưa nhận được khoản lãi đã đến hạn thanh toán một ngày trước đó.
Khoản thanh toán mà Nga đang gặp vấn đề là 100 triệu USD tiền lãi cho hai loại trái phiếu, một loại bằng đồng USD và một loại bằng đồng euro, đến hạn vào ngày 27/6. Thời kỳ ân hạn cho việc thanh toán khoản lãi này là 30 ngày, kết thúc vào ngày 26/6.
Bộ Tài chính Nga cho biết đã hoàn thành nghĩa vụ của mình sau khi đã thực hiện thanh toán cho Cơ quan Lưu ký Thanh toán Quốc gia (NSD) bằng đồng euro và USD.
Nhưng theo nhiều nguồn tin, nhiều nhà đầu tư ở vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) nắm giữ các loại trái phiếu trên vẫn chưa nhận được tiền lãi thanh toán vào ngày 27/6. Đối với nhiều trái chủ, không nhận được tiền nợ đúng hạn vào tiền khoản có nghĩa là vỡ nợ.
[Mỹ: Lệnh cấm nhập khẩu vàng khiến Nga thiệt hại 19 tỷ USD mỗi năm]
Vì không có một thời hạn chính xác nào được nêu ra trong bản cáo bạch, nên nhiều luật sư cho rằng Nga có thể có thời hạn đến cuối ngày làm việc sau đó để thanh toán cho các trái chủ.
Nga đang gặp khó khăn để tiến hành thanh toán cho 40 tỷ USD trái phiếu kể từ khi xảy ra xung đột giữa nước này với Ukraine, vì các lệnh trừng phạt đã chặn Nga khỏi hệ thống tài chính quốc tế và khiến nhiều nhà đầu tư không thể tiếp cận với các tài sản của nước này. Chính vì vậy, Nga đã cáo buộc phương Tây cố tình đẩy nước này vào tình trạng “vỡ nợ giả tạo.”
Những nỗ lực của Nga nhằm tránh lần vỡ nợ trái phiếu quốc tế đầu tiên kể từ cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga hơn 100 năm trước đã gặp “chướng ngại vật” không thể vượt qua hồi cuối tháng Năm, khi Văn phòng kiểm soát tài sản nước ngoài (OFAC) thuộc Bộ Tài chính Mỹ đã chặn Nga thực hiện thanh toán.
Dù một đợt vỡ nợ chính thức chủ yếu sẽ chỉ mang tính biểu tượng, khi Nga không thể vay nợ trên thị trường quốc tế tại thời điểm này và nước này cũng không cần như thế nhờ có nguồn doanh thu cao từ xuất khẩu dầu khí, nhưng sự việc này có thể sẽ làm tăng chi phí đi vay của Nga trong tương lai./.