Nga điều chỉnh quy định để ngăn chặn dòng vốn đổ ra ngoài
Chủ nước ngoài rời khỏi thị trường Nga có thể sẽ chỉ nhận được 5% giá trị thị trường của tài sản, vì khoản đóng góp tự nguyện cũng có thể áp dụng cho người mua.
Mới đây, Bộ Tài chính Nga đã gửi đến các cơ quan liên bang văn bản cho biết các điều kiện bán doanh nghiệp tại Nga cho người nước ngoài đã được sửa đổi theo chỉ thị của Tổng thống.
Theo quy định mới, chủ sở hữu nước ngoài của doanh nghiệp tại Nga phải chiết khấu cho người mua ít nhất 60% giá trị thị trường của tài sản được bán, so với mức trước đây là 50%. Mức đóng góp tự nguyện vào ngân sách đã được nâng từ 15% lên 35% giá trị thị trường của doanh nghiệp.
Do đó, chủ nước ngoài rời khỏi thị trường Nga có thể sẽ chỉ nhận được 5% giá trị thị trường của tài sản, vì khoản đóng góp tự nguyện cũng có thể áp dụng cho người mua.
Việc đóng góp phải được thực hiện theo tiến độ: 25% trong vòng một tháng kể từ ngày giao dịch, 5% trong vòng một năm, 5% còn lại trong vòng hai năm. Đặc biệt, những giao dịch rất lớn, với giá trị hơn 50 tỷ ruble (khoảng 520 triệu USD), giờ đây sẽ phải có sự cho phép của Tổng thống Nga.
Các luật sư cho rằng quy định thắt chặt luật chơi mới sẽ ảnh hưởng đáng kể đến tốc độ và quy mô doanh nghiệp nước ngoài rời khỏi Nga.
Vào tháng 3/2023, ngoài yêu cầu chiết khấu cho người mua khi bán tài sản của nước ngoài, Nga còn đưa ra yêu cầu đóng góp vào ngân sách ít nhất 5–10% giá trị thị trường của tài sản đó, tùy thuộc vào mức chiết khấu. Đến tháng 10 cùng năm, mức đóng góp được nâng lên 15%. Điều này đã phát huy hiệu quả.
Theo công ty luật Kept, năm 2022 có 204 giao dịch liên quan đến việc doanh nghiệp nước ngoài rời khỏi Nga, nhưng con số này trong năm 2023 là 120 và trong 5 tháng đầu năm 2024 là 31 giao dịch. Giờ đây, các luật sư kỳ vọng con số này sẽ giảm tiếp.
Giám đốc Tài chính công ty Aspring Capital Liliya Iost nhận định, việc sửa đổi quy định nói trên chắc chắn tạo thêm áp lực đối với các giao dịch tài sản nước ngoài, vì nó làm tăng chi phí rút lui khỏi thị trường. Ông cho rằng số lượng giao dịch sẽ phụ thuộc vào mức giá mà người nước ngoài sẵn sàng trả để rời khỏi thị trường Nga.
Đối tác điều hành của Hiệp hội luật sư “Nikolaev và các đối tác” Yury Nikolaev phân tích, quy định mới có mục đích hạn chế doanh nghiệp nước ngoài rời khỏi Nga. Theo ông, các công ty nước ngoài ở Nga hiện nay có thể được chia thành nhiều nhóm.
Đầu tiên là những người có lợi ích kinh doanh và có ý định ở lại Nga ngay cả khi chịu áp lực của các lệnh trừng phạt. Luật sư Nikolaev tin tưởng: các công ty này sẽ tìm mọi cách có thể để ở lại Nga và không bán tài sản.
Nhóm thứ hai bao gồm các công ty sẵn sàng tặng cổ phiếu miễn phí cho người mua ở Nga, bán chúng với giá 1 ruble hoặc tặng chúng chỉ để rời khỏi Nga.
Ông Nikolaev chắc chắn rằng điều này chỉ xuất phát từ quan điểm (chính trị) của các chủ sở hữu công ty.
Còn nhóm thứ ba là các công ty sử dụng nhiều phương pháp pháp lý khác nhau để thể hiện việc rời khỏi Nga về pháp lý, song trên thực tế vẫn ở Nga và kiểm soát lợi nhuận. Ông Nikolaev cho rằng nhóm này sẽ gia tăng.
Trong giai đoạn từ tháng 1-8/2024, ngân sách Liên bang Nga đã thu về gần 140 tỷ ruble từ khoản đóng góp tự nguyện, vượt kế hoạch cả năm 2024, cũng như vượt doanh thu của cả năm 2023 (116,5 tỷ ruble).
Việc giảm giao dịch tài sản nước ngoài cũng khiến tài sản trên thị trường Nga trong nửa đầu năm 2024 bắt đầu được định giá cao hơn.
Theo báo cáo của công ty tài chính và đầu tư Advance Capital, từ tháng 1-6/2024, các công ty tham gia giao dịch mua bán và sáp nhập (M&A) được định giá bằng 5 lần lợi nhuận năm trước trừ lãi vay, thuế thu nhập và khấu hao (EBITDA), cao hơn mức 3-4 lần lợi nhuận vào năm 2023.
Trong dự thảo ngân sách giai đoạn 2025–2027 của Nga, nguồn thu từ các tổ chức phi chính phủ, bao gồm cả việc bán tài sản của các công ty nước ngoài, cho đến nay được ước tính rất khiêm tốn, ở mức 295 triệu ruble mỗi năm, dù thực tế là doanh thu năm nay ước tính cao hơn gần 500 lần - 140 tỷ ruble.
Rõ ràng, Bộ Tài chính Nga hiện đang đặt khoản thu “không ổn định” này ở mức tối thiểu.
Giới luật sư tin rằng, việc thắt chặt quy định nói trên có thể giữ chân các công ty ở Nga và ngăn chặn dòng vốn chảy ra ngoài, duy trì hoạt động kinh doanh của họ tại thị trường Nga và do đó hỗ trợ nền kinh tế thông qua các khoản thuế.
Đối tác của công ty Stonebridge Legal, ông Roman Prudentov, cũng tin rằng chính quyền đang cố gắng bảo toàn các tài sản có tầm quan trọng chiến lược ở Nga và tăng cường kiểm soát tình hình kinh tế trong nước./.