Nên lo sợ hay biến trí tuệ nhân tạo thành công cụ hỗ trợ phát triển giáo dục?

Các nhà giáo dục đến từ 63 tỉnh thành trên cả nước và các chuyên gia giáo dục từ 18 nước đã cùng thảo luận về trí tuệ nhân tạo và tương lai của giáo dục.

Ông Sal Khan chia sẻ tại hội thảo. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thay vì lo sợ học sinh gian lận và lười biếng, ngành giáo dục phải nhìn nhận sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI) là tất yếu và sử dụng đúng cách, biến trí tuệ nhân tạo thành trợ lý đào tạo hiệu quả thay vì sợ hãi và cấm đoán học sinh, sinh viên sử dụng.

Và vì thế, cần phát triển mạnh mẽ hơn nữa các công cụ AI hỗ trợ cho học sinh và giáo viên.

Đây là quan điểm được các chuyên gia đồng thuận tại hội thảo quốc tế với chủ đề “Trí tuệ nhân tạo và tương lai của giáo dục” diễn ra sáng nay, 28/2. Hội thảo do Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán, Tổ chức The Vietnam Foundation đồng chức với sự đồng hành của Khan Academy Hoa Kỳ và Hội giảng dạy Toán học phổ thông tại Việt Nam.

Biến AI thành trợ lý giáo dục

Hội thảo có sự tham gia của các nhà quản lý giáo dục, nhà nghiên cứu, các học giả nổi tiếng trong và ngoài nước đến từ 18 quốc gia trên thế giới cùng các nhà quản lý và giáo viên khắp 63 tỉnh, thành trên cả nước. Các đại biểu đã cùng thảo luận, chia sẻ quan điểm về ảnh hưởng của trí tuệ nhân tạo đến tương lai của giáo dục đồng thời đưa ra giải pháp thiết yếu nhằm phát huy tính hiệu quả và giảm thiểu những tác động tiêu cực của trí tuệ nhân tạo đối với giáo dục.

Theo các chuyên gia, sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo có nhiều tác động đến mọi mặt của đời sống, đặc biệt là trong giáo dục và đào tạo. Điều này đặt ra nhiều thách thức nhưng cũng mở ra những cơ hội mới.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Sal Khan, người sáng lập Khan Academy [tổ chức giáo dục phi lợi nhuận tại Mỹ với mục tiêu tạo ra bộ công cụ trực tuyến để cung cấp nội dung giáo dục cho người học] cho biết trí tuệ nhân tạo như Chat GPT có thể giúp học sinh tìm hiểu thông tin nhanh chóng, hỗ trợ các giáo viên soạn bài và vì thế giúp họ tiết kiệm thời gian.

Tại Khan Academy, trí tuệ nhân tạo được ứng dụng để giúp giáo viên xây dựng các hoạt động cũng như xác định các yêu cầu, kỹ năng học sinh cần có. Trên cơ sở các gợi ý đó, giáo viên có thể hoàn thiện giáo án phù hợp với đối tượng học sinh của mình.

“Đặc biệt, chúng ta có thể sử dụng trí tuệ nhân tạo để cá thể hóa chương trình học cho từng học sinh, hỗ trợ đến từng em. Chẳng hạn Chat GPT có thể giúp học sinh sửa lỗi logic, lỗi chính tả, lỗi diễn đạt trong các bài viết cho từng học sinh, điều mà giáo viên khó có thể làm được,” ông Sal Khan nói.

Theo các chuyên gia, trong thời đại mới, việc giảng dạy không chỉ có bảng đen, phấn trắng mà phải ứng dụng công nghệ. (Ảnh minh họa: PV/Vietnam+)

Trước câu hỏi được các đại biểu đặt ra rằng liệu trí tuệ nhân tạo có khiến học sinh trở nên lười biếng hay mất động lực học tập, ông Sal Khan cho hay ngay kiến thức sách vở khô khan đã có thể khiến học sinh không hứng thú với việc học. Vì vậy, điều quan trọng là học sinh phải thấy các kiến thức là hữu ích và cách thức để khơi dậy sự hứng thú trong học tập trong các em.

“Chúng ta có thể hướng dẫn học sinh việc đặt câu hỏi phù hợp để trí tuệ nhân tạo có thể đưa ra câu trả lời tốt nhất. Bên cạnh đó, thay vì đưa ra câu trả lời ngay, nên đưa cho các em các câu hỏi gợi mở để học sinh có sự suy nghĩ, tư duy, tương tác như với giáo viên ảo,” ông Sal Khan chia sẻ.

Không có AI tốt hay xấu?

Cùng quan điểm này với ông Sal Khan, Giáo sư Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục Việt Nam cho rằng công nghệ có ở khắp mọi nơi và việc giảng dạy cũng phải thay đổi chứ không chỉ có bảng đen phấn trắng như truyền thống. Tại Việt Nam đã có một số nền tảng công nghệ sử dụng trí tuệ nhân tạo hỗ trợ giáo dục như Got It, Alpha Geomytry.

Theo Giáo sư Lê Anh Vinh, trí tuệ nhân tạo ngày càng phát triển, thông minh hơn. Chẳng hạn Chat GPT giờ đây có thể hiểu yêu cầu của đề và giải các bài toán hình học, thậm chí giải theo từng bước, vẽ thêm đường vào hình như con người làm thực tế. Các thử nghiệm cũng cho thấy Chat GPT có thể “đỗ đại học” khi có thể giải các bài toán tương đương mức độ đề thi tuyển sinh ở bậc học này.

Hơn một năm sau sự xuất hiện của Chat GPT và đã xuất hiện các tình trạng học sinh, sinh viên ở nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng công cụ trí tuệ nhân tạo này để gian lận. Trí tuệ nhân tạo cũng có thể được sử dụng với các mục tiêu xấu như tạo ra các hình ảnh giả để sử dụng vào mục đích lừa đảo. Hoặc có ý kiến cho rằng một số công việc sẽ biến mất do ảnh hưởng của trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo là xu thế tất yếu và những tác động tiêu cực trên là điều phải đối mặt, ngành giáo dục cần phải tìm cách thích ứng.

Vì vậy, phân tích tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng trí tuệ nhân tạo là một công cụ, vì thế không có tốt hay xấu mà điều quan trọng là con người sử dụng nó như thế nào. Trí tuệ nhân tạo là lực lượng hữu dụng nếu được sử dụng đúng trong giáo dục. Do vậy, điều quan trọng là cần giúp học sinh, giáo viên hiểu về trí tuệ nhân tạo, có kỹ năng sử dụng đúng cách, trách nhiệm và hiệu quả./.