Nền kinh tế Việt Nam thu hút mạnh mẽ các nhà xuất khẩu New Zealand

Ủy viên Thương mại New Zealand nêu rõ Việt Nam là "thị trường tuyến đầu" mang đến nhiều cơ hội mới cho các nhà xuất khẩu New Zealand đang tìm cách đa dạng hóa thị trường.

Ảnh minh họa. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Trang tin 1news.co.nz mới đây đã dẫn báo cáo Bộ Ngoại giao và Thương mại New Zealand nhận định Việt Nam đang nổi lên là một trong những nền kinh tế mạnh nhất trong khu vực và là một lựa chọn tốt cho các nhà xuất khẩu xứ Kiwi.

Trang tin trên cho biết theo báo cáo do Đại sứ quán New Zealand tại Hà Nội thực hiện, từ năm 2016 đến năm 2021, Việt Nam dẫn đầu Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về tốc độ tăng trưởng bình quân đầu người, cao hơn so với các thị trường lớn khác trong ASEAN như Singapore, Malaysia hay Philippines.

Ủy viên Thương mại Joseph Nelson nêu rõ Việt Nam là "thị trường tuyến đầu" mang đến nhiều cơ hội mới cho các nhà xuất khẩu New Zealand đang tìm cách đa dạng hóa thị trường.

Ông nói: "Khi Việt Nam thoát ra khỏi làn sóng COVID-19, chúng tôi đang chứng kiến sự phục hồi thực sự mạnh mẽ của nền kinh tế nước này. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam dự kiến sẽ tăng từ 6,5% đến 7,5% trong năm tới. Tất cả các thị trường ở Đông Nam Á đang tăng trở lại khá mạnh, nhưng Việt Nam chắc chắn là thị trường hoạt động tốt nhất hiện nay."

[Chuyên gia Australia: Kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh sau dịch COVID-19]

Trang tin của New Zealand cũng dẫn lời ông Warrick Cleine, công ty KPMG Việt Nam, cho biết kể từ khi các hiệp định thương mại tự do được thiết lập giữa New Zealand và Việt Nam, giá trị thương mại hai chiều đã tăng mạnh lên khoảng 2 tỷ USD trong năm nay.

Theo ông Warrick, có ba lý do cơ bản giúp thị trường Việt Nam trở nên hấp dẫn đối với các doanh nghiệp New Zealand, đó là thị trường tiêu dùng lớn, vị trí địa chính trị an toàn, và một mạng lưới thương mại tự do rộng lớn.

Hiện các sản phẩm thực phẩm và đồ uống chiếm gần 2/3 kim ngạch xuất khẩu của New Zealand sang Việt Nam, trong khi nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam, nhất là tầng lớp trung lưu, đối với các sản phẩm chất lượng, có lợi cho sức khỏe ngày càng tăng sau đại dịch.

Bên cạnh đó, ông Paul Harvey, người đứng đầu bộ phận dịch vụ thực phẩm toàn cầu của công ty Fonterra, New Zealand, cho biết thị trường Việt Nam không chỉ dành cho các doanh nghiệp lớn.

Ông nói: "Tôi cho rằng các công ty khác đang có ý định chiến lược mở rộng thị trường hãy nhìn sang Việt Nam. Đây là một quốc gia có quy mô lớn, dễ kinh doanh và người tiêu dùng đang tìm kiếm sự đổi mới.”

Ông đánh giá chính phủ Việt Nam đã xử lý tốt đại dịch COVID-19, chính sách tài khóa mạnh mẽ; lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát; chi tiêu của người tiêu dùng gia tăng; biên giới đã mở cửa trở lại, và vì vậy đây chính là thời điểm rất tốt để “mọi người nghĩ về quốc gia này."./.

Nguyễn Minh (TTXVN/Vietnam+)