Nền kinh tế Mỹ dần phản ánh hệ quả từ các chính sách của Tổng thống Trump
Nền kinh tế Mỹ bắt đầu ghi nhận tác động từ chính sách của ông Trump, từ lạm phát tăng đến biến động thị trường, dự báo còn nhiều biến đổi trung hạn.
Nền kinh tế Mỹ đang bắt đầu ghi nhận những tác động rõ nét từ các chính sách mà chính quyền của Tổng thống Donald Trump theo đuổi, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại và nhập cư.
Theo nhận định của tờ The Wall Street Journal (WSJ), mặc dù các tác động chưa thực sự rõ rệt ở thời điểm hiện tại, nhưng một số dấu hiệu bất ổn đã bắt đầu xuất hiện - từ lạm phát tăng trở lại đến biến động trên thị trường lao động và trái phiếu.
Báo cáo lạm phát tháng 6/2025 cho thấy chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá các mặt hàng như nội thất và quần áo tăng mạnh nhất, phản ánh tác động từ các chính sách thuế quan đối ứng. Nhóm hàng nhu yếu phẩm, vốn ít biến động, cũng ghi nhận mức tăng nhanh nhất trong ba năm gần đây.
Theo phân tích của ngân hàng UBS, từ nay đến cuối năm 2027, lạm phát của Mỹ sẽ khó có khả năng giảm xuống dưới mức 2,3% ghi nhận vào tháng 4/2025.
Thị trường chứng khoán Mỹ vẫn duy trì đà tăng trưởng ổn định. Tuy nhiên, thị trường trái phiếu lại đang đối mặt với áp lực lớn sau khi Tổng thống Trump nhiều lần công khai chỉ trích Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell, đồng thời đe doạ sẽ thay thế ông.
Động thái này khiến tâm lý bất ổn gia tăng, buộc các nhà đầu tư đẩy mạnh bán ra trái phiếu Chính phủ Mỹ. Theo số liệu từ Yale Budget Lab, mức thuế nhập khẩu trung bình tại Mỹ hiện đã lên tới 20,6% - cao nhất kể từ năm 1910.
Điều này đồng nghĩa với việc mỗi người dân Mỹ đang phải chi thêm khoảng 2.800 USD mỗi năm để mua cùng một lượng hàng hóa như trước đây. Tuy nhiên, tác động từ hàng rào thuế quan sẽ chưa thể hiện ngay lập tức, do các doanh nghiệp đã chủ động tích trữ hàng hóa và còn đang chờ đợi những tín hiệu rõ ràng hơn về định hướng chính sách.
Chính sự thiếu nhất quán và dễ thay đổi của các biện pháp thuế quan khiến nhiều doanh nghiệp lưỡng lự trong việc điều chỉnh giá bán. Một số công ty lo ngại nếu tăng giá, sức mua của người dân sẽ sụt giảm, trong khi nếu chính quyền Tổng thống Trump đảo ngược chính sách, họ sẽ gặp khó trong việc giành lại thị phần đã mất do giá cao hơn so với đối thủ.
Một yếu tố khác có thể khiến lạm phát thực tế của Mỹ chưa được phản ánh đầy đủ là giá cả trong các lĩnh vực dịch vụ như du lịch, nhà hàng, khách sạn hiện đang giảm, xuất phát từ việc người dân cắt giảm chi tiêu, đặc biệt là các hộ gia đình thu nhập thấp. Điều này góp phần ghìm lại mức tăng chung của chỉ số giá tiêu dùng.
Ngoài ra, một số tác động tích cực từ các chính sách tài khóa cũng đang được tính đến. Cụ thể, Đạo luật cắt giảm thuế và ngân sách mà Quốc hội Mỹ vừa thông qua có thể sẽ hỗ trợ tăng trưởng trong một số ngành sản xuất, qua đó giúp bù đắp phần nào các yếu tố tiêu cực nêu trên.
Tờ The Wall Street Journal nhận định, nền kinh tế Mỹ hiện vẫn cho thấy khả năng chống chịu khá tốt trước các biến động chính sách, nhưng triển vọng trung hạn còn nhiều ẩn số.
Nhiều chuyên gia dự báo, các tác động lớn hơn sẽ trở nên rõ nét vào quý 4/2025. Trong bối cảnh đó, khả năng Fed cắt giảm lãi suất tại cuộc họp tháng 7/2025 là rất thấp, do cơ quan này cần thêm thời gian để đánh giá diễn biến kinh tế trong môi trường chính sách nhiều biến động như hiện nay./.