Nâng tầm hợp tác giữa Quốc hội ba nước Campuchia-Lào-Việt Nam
Quốc hội ba nước luôn phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau, thể hiện sự đồng thuận, thống nhất với mục tiêu cùng xây dựng môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển trong khu vực.
Nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội Lào Saysomphone Phomvihane và Chủ tịch Quốc hội Thái Lan Wan Muhamad Noor Matha, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ tham dự Hội nghị Cấp cao Quốc hội ba nước Campuchia-Lào-Việt Nam (CLV) lần thứ nhất, thăm và làm việc tại Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào từ ngày 4-7/12 và thăm chính thức Vương quốc Thái Lan từ ngày 7-10/12.
Nhân dịp này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Lê Thu Hà đã trả lời phỏng vấn báo chí nhằm làm rõ ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt của việc tổ chức Hội nghị cấp cao Quốc hội ba nước CLV lần thứ nhất; chia sẻ những đóng góp, sáng kiến, đề xuất nổi bật của Quốc hội Việt Nam tại Hội nghị lần này.
- Bà có thể cho biết ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt của việc tổ chức Hội nghị Cấp cao Quốc hội ba nước CLV lần thứ nhất?
Phó Chủ nhiệm Lê Thu Hà: Thực tiễn lịch sử đấu tranh giành độc lập, cũng như bảo vệ, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế đã khẳng định, việc củng cố, thắt chặt quan hệ hợp tác Campuchia-Lào-Việt Nam là nhu cầu tất yếu khách quan, có ý nghĩa chiến lược quan trọng đối với cả ba nước và an ninh, phát triển của mỗi nước.
Trên kênh Đảng, quan hệ tiếp tục được tăng cường thông qua việc tổ chức thành công Cuộc gặp giữa Lãnh đạo ba Đảng, các cuộc gặp thường niên giữa Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam với Bộ Chính trị Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, giữa Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam với Ban Thường vụ Đảng CPP.
Trên kênh Nhà nước, ba nước tiếp tục triển khai có hiệu quả các cơ chế hợp tác ba bên như Cơ chế gặp gỡ giữa ba Thủ tướng Khu vực Tam giác phát triển CLV, ba Chủ tịch Mặt trận, Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Tư pháp, các cơ chế giữa ba đoàn thể Thanh niên, Phụ nữ, Công đoàn, giao lưu nhân dân, hợp tác Tiểu vùng sông Mekong và lần đầu tiên tổ chức Chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ ba nước tại Việt Nam, đã và đang thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện giữa ba nước.
Trên kênh Nghị viện, chúng ta vui mừng chứng kiến quan hệ hợp tác chặt chẽ, hiệu quả giữa Quốc hội ba nước thời gian qua cơ chế Hội nghị giữa ba Ủy ban: Quốc phòng-An ninh, Ủy ban Tài chính, Ngân sách, Ủy ban Đối ngoại, được tiến hành định kỳ.
Việc trao đổi đoàn ba bên được duy trì thường xuyên. Các hoạt động giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về công tác lập pháp, giám sát giữa các cơ quan chuyên môn của Quốc hội dưới nhiều hình thức được quan tâm thúc đẩy, góp phần thắt chặt và làm sâu sắc hơn quan hệ giữa ba Quốc hội nói riêng và ba nước nói chung.
Tại các diễn đàn liên nghị viện quốc tế và khu vực, Quốc hội ba nước luôn phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau, thể hiện sự đồng thuận, thống nhất với mục tiêu cùng xây dựng môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển trong khu vực.
Trên cơ sở mối quan hệ hữu nghị, truyền thống tốt đẹp Việt Nam-Lào-Campuchia, để đồng bộ với các cơ chế hợp tác cấp cao giữa ba nước nhằm triển khai có hiệu quả các chủ trương hợp tác đã được người đứng đầu ba Đảng thống nhất cũng như giám sát, thúc đẩy việc triển khai thực hiện các thỏa thuận hợp tác đã ký kết giữa ba nước nói chung, tại khu vực Tam giác phát triển nói riêng, góp phần đưa mối quan hệ giữa ba nước, ba Quốc hội đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả, Quốc hội Việt Nam đã chủ động đề xuất với Quốc hội Lào, Campuchia và nhận được sự đồng thuận cao về việc nâng cấp cơ chế Hội nghị cấp Ủy ban giữa Quốc hội ba nước trở thành Hội nghị cấp cao Quốc hội ba nước.
Tại Đại hội đồng AIPA 43 (tháng 11/2022), Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội Campuchia Heng Samrin, Chủ tịch Quốc hội Lào Saysomphone Phomvihane đã ký Tuyên bố Chung chính thức thiết lập cơ chế Hội nghị Cấp cao Quốc hội ba nước CLV tổ chức hai năm một lần do ba Chủ tịch Quốc hội đồng chủ trì trên cơ sở luân phiên.
Việc thành lập cơ chế Hội nghị cấp cao Quốc hội ba nước CLV là bước hiện thực hóa kết quả đạt được tại Cuộc gặp cấp cao Người đứng đầu ba Đảng ba nước Campuchia-Lào-Việt Nam vào tháng 9/2021.
Hội nghị Cấp cao Quốc hội ba nước CLV lần thứ nhất tổ chức tại Lào là dấu mốc quan trọng trong lịch sử hợp tác giữa ba Quốc hội CLV, đánh dấu sự nâng tầm hợp tác giữa Cơ quan lập pháp ba nước lên cấp cao nhất, góp phần củng cố và tăng cường quan hệ truyền thống đoàn kết đặc biệt, gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau giữa ba Đảng, Nhà nước và nhân dân ba nước.
Điều này cũng khẳng định quyết tâm của ba Cơ quan lập pháp trong việc làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác và đối tác nghị viện của ba nước, góp phần mang lại lợi ích thiết thực cho người dân mỗi nước.
- Bà có thể thông tin về những nội dung chính sẽ được thảo luận tại Hội nghị cấp cao đầu tiên giữa Quốc hội ba nước Campuchia-Lào-Việt Nam?
Phó Chủ nhiệm Lê Thu Hà: Với thông điệp “Hòa bình, Hữu nghị, Đoàn kết và Hợp tác vì Thịnh vượng và Phát triển Bền vững,” tại phiên toàn thể thứ nhất, Chủ tịch Quốc hội ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia sẽ có bài phát biểu quan trọng về chủ đề “Tăng cường vai trò của Nghị viện Campuchia, Lào và Việt Nam trong thúc đẩy quan hệ hợp tác, đối tác, đoàn kết và thịnh vượng” thể hiện vai trò của Nghị viện trong việc thúc đẩy quan hệ chính trị - nền tảng quan trọng đối với an ninh và phát triển của mỗi nước, nòng cốt định hướng tổng thể quan hệ ba nước.
Hội nghị sẽ nghe báo cáo của Ủy ban Điều phối chung khu vực Tam giác Phát triển CLV và Báo cáo kết quả khảo sát thực địa tại các tỉnh thuộc khu vực Tam giác phát triển ba nước CLV của Đoàn Đại biểu Quốc hội ba nước CLV.
Tại phiên họp Ủy ban về Chính trị Đối ngoại, các đại biểu sẽ thảo luận về chủ đề về “Tăng cường vai trò của Nghị viện Campuchia, Lào và Việt Nam trong thúc đẩy quan hệ hợp tác, đối tác, đoàn kết và thịnh vượng.”
Tại phiên họp Ủy ban về hợp tác Kinh tế-Văn hóa-Xã hội, các đại biểu sẽ thảo luận về chủ đề “Tăng cường hợp tác Nghị viện trong thúc đẩy kết nối ba nền kinh tế hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và bao trùm.”
Tại phiên họp Ủy ban về Hợp tác Quốc phòng-An ninh, các đại biểu sẽ thảo luận về chủ đề “Tăng cường vai trò giám sát của Nghị viện Campuchia, Lào và Việt Nam đối với công tác quốc phòng, an ninh nhằm đảm bảo hòa bình và ổn định.”
Đáng chú ý, ngoài tham luận của các cơ quan Quốc hội, tại các phiên họp Ủy ban, các đại biểu cũng sẽ nghe tham luận của các cơ quan Chính phủ và đại diện các địa phương thuộc khu vực Tam giác phát triển để có cách tiếp cận toàn diện và đầy đủ hơn.
Kết thúc, Hội nghị sẽ ra Tuyên bố chung Hội nghị cấp cao Quốc hội ba nước CLV lần thứ nhất, thể hiện quyết tâm chính trị và cam kết của người đứng đầu ba cơ quan lập pháp trong việc mở rộng và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác và đối tác nghị viện nhằm duy trì và bảo vệ sự hợp tác chặt chẽ, cùng có lợi giữa Quốc hội ba nước, qua đó thúc đẩy hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, văn hóa, kinh tế, đối ngoại, an ninh, quốc phòng vì sự phát triển kinh tế-xã hội của mỗi nước, vì lợi ích chung của người dân trong khu vực Tam giác phát triển CVL.
- Thưa bà, Quốc hội Việt Nam đã có sự chuẩn bị về nội dung cũng như những đóng góp khi tham dự Hội nghị này?
Phó Chủ nhiệm Lê Thu Hà: Là bên đề xuất sáng kiến nâng cấp cơ chế Hội nghị cấp Ủy ban giữa Quốc hội ba nước trở thành Hội nghị cấp cao Quốc hội ba nước, ngay từ những ngày đầu Quốc hội Việt Nam đã chủ động đề xuất và phối hợp chặt chẽ với Quốc hội nước chủ nhà Lào xây dựng chương trình nghị sự, chủ đề thảo luận chính của Hội nghị và các chủ đề thảo luận tại Phiên họp Ủy ban về Chính trị Đối ngoại, Phiên họp Ủy ban về hợp tác Kinh tế-Văn hóa-Xã hội và Phiên họp Ủy ban về Hợp tác Quốc phòng-An ninh, được các bạn đánh giá cao.
Trong quá trình chuẩn bị nội dung tham gia của Đoàn Việt Nam, các Ủy ban chuyên môn của Quốc hội đã chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan chuẩn bị kỹ lưỡng nội dung tham gia thảo luận tại các phiên họp, đề xuất các sáng kiến, trong đó có sáng kiến thành lập Nhóm Nghị sĩ hữu nghị giữa các địa phương trong khu vực Tam giác phát triển CLV, sáng kiến thiết lập cơ chế hoạt động của các Ủy ban Văn hóa Xã hội ba nước trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao Quốc hội ba nước CLV.
Đóng góp cụ thể tại Hội nghị của Quốc hội Việt Nam là các phát biểu của Trưởng đoàn tại Phiên toàn thể với nhiều đề xuất cụ thể, thiết thực; tham luận của các Ủy ban Đối ngoại, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Quốc phòng và An ninh, tham luận của các Bộ: Ngoại giao, Kế hoạch và Đầu tư, Quốc phòng, Công an và các tỉnh thuộc khu vực Tam giác phát triển của Việt Nam: Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Gia Lai tại các phiên họp của các Ủy ban của Hội nghị.
Về Tuyên bố Chung của Hội nghị, Quốc hội Việt Nam đã tham gia tích cực vào quá trình soạn thảo văn kiện và đóng góp nhiều ý kiến hoàn thiện trên tinh thần xây dựng, thể hiện thiện chí và trách nhiệm, thúc đẩy đồng thuận chung, với tinh thần hỗ trợ cao nhất Quốc hội nước chủ nhà và hài hòa lợi ích chung của khu vực.
- Bà có kỳ vọng như thế nào về kết quả của Hội nghị này?
Phó Chủ nhiệm Lê Thu Hà: Tôi đặt rất nhiều tin tưởng vào thành công của Hội nghị cấp cao Quốc hội ba nước CLV lần này, chính thức đặt nền móng cho sự hợp tác đa phương ở cấp độ cao nhất của Quốc hội ba nước.
Điều này có ý nghĩa rất quan trọng, một mặt tiếp tục phát triển quan hệ chính trị thực sự là nòng cốt định hướng tổng thể quan hệ ba nước, góp phần củng cố đoàn kết, đẩy mạnh hợp tác, ủng hộ và giúp đỡ lẫn nhau, mặt khác, thúc đẩy quan hệ song phương Việt Nam-Campuchia, Việt Nam-Lào, Campuchia-Lào.
Bên cạnh đó, góp phần tăng cường quan hệ hợp tác giữa các cơ quan Đảng, cơ quan dân cử, bộ, ngành, Chính phủ, Mặt trận, các tổ chức nhân dân và địa phương của ba nước, nhất là các địa phương có chung biên giới trong khu vực Tam giác phát triển.
Việc ký kết Tuyên bố Chung trong bối cảnh hiện nay có ý nghĩa hết sức quan trọng để Quốc hội ba nước cùng phối hợp hành động, thúc đẩy các chương trình hợp tác giữa Chính phủ 3 nước, phối hợp giám sát việc thực hiện các chương trình, kế hoạch hợp tác giữa 3 nước đi vào chiều sâu, ngày càng hiệu quả, thiết thực.
- Theo chương trình, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ thăm và làm việc tại nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Xin bà cho biết ý nghĩa của chuyến thăm này?
Phó Chủ nhiệm Lê Thu Hà: Trên cơ sở mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước, hai Quốc hội và nhân dân hai nước Việt Nam-Lào, trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Lào, Chủ tịch Quốc hội dự kiến sẽ có các cuộc tiếp xúc, hội đàm, hội kiến với các Lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Quốc hội Lào.
Nội dung trao đổi trong các tiếp xúc song phương tập trung nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của Hội nghị Cấp cao Quốc hội ba nước CLV lần thứ nhất tổ chức tại Lào; trao đổi một số nội dung chính về tình hình thế giới và khu vực, khẳng định quan điểm, chủ trương, đường lối đối ngoại của Việt Nam; chúc mừng những thành tựu to lớn, toàn diện mà Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào giành được trong những năm qua...
Chủ tịch Quốc hội sẽ thông báo về một số nét nổi bật về tình hình Việt Nam, kết quả Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội, chính sách đối ngoại và những định hướng lớn trong thời gian tới; trao đổi một số phương hướng, biện pháp tăng cường hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự kiến sẽ tham dự cuộc gặp mặt cựu học sinh, sinh viên Lào đã học tập tại Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp và người Việt Nam tại Lào và một số hoạt động quan trọng khác.
- Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của Phó Chủ nhiệm Lê Thu Hà./.