Nắng nóng cực độ, cháy rừng và lũ lụt đe dọa nền kinh tế châu Âu
Nguy cơ biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, được thể hiện qua những trận nắng nóng cực độ, cháy rừng và lũ lụt đã tàn phá nhiều khu vực ở châu Âu có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế khu vực.
Biến đổi khí hậu khiến các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt trở nên dữ dội hơn.
Ủy ban châu Âu (EC) vừa đưa ra cảnh báo rằng nguy cơ biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, được thể hiện qua những trận nắng nóng cực độ, cháy rừng và lũ lụt đã tàn phá nhiều khu vực ở châu Âu trong mùa Hè này, và có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế khu vực ngay trong năm nay.
Trong dự báo kinh tế mới nhất, cơ quan điều hành của Liên minh châu Âu (EU) đã hạ dự báo tăng trưởng khu vực này trong năm 2023 và 2024.
Dự kiến Tổng sản phẩm quốc nội của EU sẽ tăng 0,8% trong năm nay, giảm so với dự báo tăng 1% vào mùa Xuân. Mức tăng trưởng của năm tới đã được điều chỉnh là 1,4% so với mức 1,7% trước đó.
[Bão và mưa lớn bất thường tại Tây Ban Nha khiến 2 thiệt mạng]
Ủy ban cho rằng nhu cầu trong nước yếu, bị cản trở bởi lạm phát tăng, cũng như lãi suất cao là nguyên nhân dẫn đến việc hạ xếp hạng tăng trưởng. Tuy nhiên, còn có những bất ổn lớn do thời tiết khắc nghiệt trong số những rủi ro “bất lợi."
Ủy ban Du lịch châu Âu, hiệp hội các tổ chức du lịch, hồi tháng 7/2023 cho biết số lượng du khách châu Âu dự định tới các điểm đến Địa Trung Hải vào mùa Hè và mùa Thu năm nay đã giảm 10% so với cùng kỳ năm 2022. Du lịch có thể chiếm tới 20% GDP hàng năm ở một số nước trong khu vực.
Người châu Âu đã bắt đầu suy nghĩ lại về nơi họ sẽ đi nghỉ trong tương lai sau khi nhiệt độ thiêu đốt trong năm nay ở miền Nam châu Âu và mùa Hè năm 2022 nóng nhất từng được ghi nhận trên lục địa này.
Du khách ngoài EU cũng có thể mất hứng thú với các kỳ nghỉ ở Italy và Hy Lạp do cả hai quốc gia này đều đang phải vật lộn với cháy rừng.
Người phát ngôn của ForwardKeys, một công ty dữ liệu du lịch, cho biết trong tháng 7/2023, du khách Vương quốc Anh đã thay đổi xu hướng du lịch hướng tới các điểm đến mát mẻ hơn và hướng về phía Bắc do các đợt sóng nhiệt ở lục địa châu Âu trong tháng này.
Sự ấm lên toàn cầu cũng có thể ảnh hưởng đến du lịch theo một cách khác như đẩy nhanh quá trình xói mòn các bãi biển và các vụ cháy rừng đã phá vỡ môi trường tự nhiên của châu Âu, David Owen, nhà kinh tế trưởng tại Saltmarsh Economics cho biết.
Trong một nghiên cứu được công bố vào tháng 10/2022, Ngân hàng Trung ương Italy đã cảnh báo rằng nhiệt độ tăng có nguy cơ làm chậm sự tăng trưởng ở nền kinh tế lớn thứ ba của EU này, trong đó du lịch và nông nghiệp bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Thời tiết nóng nực cũng là tin xấu đối với cây ôliu trong năm thứ hai liên tiếp, khi các chuyên gia trong ngành cảnh báo về giá cả tăng vọt và khả năng thiếu dầu ôliu. Tại Tây Ban Nha, nước sản xuất dầu ô liu lớn nhất thế giới, sản lượng đã bị sụt giảm.
Toàn bộ thiệt hại do nắng nóng năm nay sẽ chưa thống kê được cho đến sau thời điểm thu hoạch ô liu vào tháng 10 và tháng 11/2023, nhưng sản lượng dầu ô liu của châu Âu có thể giảm 700.000 tấn - giảm hơn 30% - so với mức trung bình 5 năm trước đó, theo chuyên gia Kyle Holland tại nhóm nghiên cứu thị trường Mintec.
Còn chuyên gia Owen tại Saltmarsh Economics cho rằng xây dựng và sản xuất là một trong những lĩnh vực kinh tế dễ bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ cực cao.
Tương tự EC, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đã chỉ ra những rủi ro nghiêm trọng đối với sự thịnh vượng của nền kinh tế do biến đổi khí hậu.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Ấn Độ, Giám đốc điều hành IMF, Kristalina Georgieva phát biểu rằng các thành viên G20 phải làm gương trong việc thực hiện lời hứa cấp 100 tỷ USD mỗi năm để tài trợ cho khí hậu. Các quốc gia cũng cần huy động nguồn lực trong nước để tài trợ và quản lý quá trình chuyển đổi xanh thông qua cải cách thuế, chi tiêu công hiệu quả và thể chế tài chính mạnh./.