Năng lượng tái tạo đạt gần 14% trong cơ cấu năng lượng của Indonesia

Theo ước tính của Bộ Năng lượng và Tài nguyên Khoáng sản Indonesia, đến cuối năm 2024, tỷ trọng năng lượng tái tạo trong cơ cấu năng lượng của nước này đã đạt 14,1%, với trụ cột chính là địa nhiệt.

Ngày 29/12, Bộ trưởng Năng lượng và Tài nguyên Khoáng sản Bahlil Lahadalia cho biết Indonesia muốn trở thành một quốc gia không chỉ độc lập về dầu khí mà còn độc lập trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Indonesia đang tiếp tục thực hiện nhiều bước đi chiến lược khác nhau để hiện thực hóa mục tiêu tự cung cấp năng lượng, trong đó có việc thúc đẩy phát triển tiềm năng năng lượng tái tạo nhằm tăng đáng kể công suất năng lượng tái tạo trong vài năm tới.

Bước đi này cũng phù hợp với cam kết của chính phủ nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu sang các nguồn năng lượng sạch hơn và thân thiện hơn với môi trường.

Một trong những nỗ lực hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng tại Indonesia là chương trình bắt buộc sử dụng 40% biodiesel (B40) sẽ được triển khai từ đầu năm 2025, tiếp theo sẽ là chương trình B50 vào năm 2026. Dự kiến khi B50 được triển khai, Indonesia sẽ không còn phải nhập khẩu dầu diesel.

Năm 2023, việc sử dụng biodiesel trên thị trường trong nước được ghi nhận ở mức 12,2 triệu kilolit và Indonesia đặt mục tiêu tăng lên 12,5 triệu kilolit vào năm 2025.

Chương trình biodiesel bắt buộc đã giúp Indonesia tiết kiệm tới 7,9 tỷ USD vào năm 2023. Ngoài ra, việc chế biến dầu cọ thô (CPO) thành biodiesel đã tạo ra giá trị gia tăng là 15,82 nghìn tỷ Rp (hơn 1 tỷ USD).

Theo ước tính của Bộ Năng lượng và Tài nguyên Khoáng sản, đến cuối năm 2024, tỷ trọng năng lượng tái tạo trong cơ cấu năng lượng quốc gia đã đạt 14,1%, với trụ cột chính là địa nhiệt. Việc sử dụng năng lượng tái tạo trong cơ cấu năng lượng quốc gia đã đạt 13,9%.

Đóng góp của điện được tạo ra từ năng lượng địa nhiệt đã được ghi nhận ở mức 5% trong tổng cơ cấu năng lượng quốc gia, hoặc khoảng 40% trong cơ cấu năng lượng tái tạo.

Năng lượng địa nhiệt cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các nỗ lực phi carbon hóa ngành điện của Indonesia.

Kể từ năm 2014, công suất lắp đặt của các nhà máy điện địa nhiệt đã tăng 1,2 GW, đưa tổng công suất địa nhiệt lắp đặt của Indonesia lên 2,6 GW.

Con số này tương đương với 11% tổng tiềm năng địa nhiệt của quốc gia này và đưa Indonesia trở thành nhà sản xuất điện địa nhiệt lớn thứ hai trên thế giới.

Việc tăng cường khai thác dầu khí cũng như phát triển năng lượng tái tạo dự kiến sẽ đưa Indonesia hướng tới sự độc lập năng lượng mạnh mẽ và bền vững hơn. Nước này cũng đang tiếp tục nỗ lực đẩy nhanh việc sử dụng xe điện và tăng hiệu quả năng lượng.

Chính phủ Indonesia tin rằng việc tăng cường hợp tác với nhiều bên liên quan, bao gồm khu vực tư nhân và cộng đồng, là chìa khóa để đạt được an ninh năng lượng quốc gia./.