Nâng cao văn hóa kinh doanh hướng tới phát triển bền vững tại Việt Nam
Phát triển văn hóa kinh doanh có bản sắc theo định hướng bền vững sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp gia tăng năng lực cạnh tranh, từ đó góp phần quan trọng vào sự thịnh vượng của đất nước.
Tại Việt Nam, lãnh đạo doanh nghiệp và người lao động có nhận thức về văn hóa kinh doanh hướng tới bền vững là tương đồng với mức khá tốt. Trong đó, nhận thức của người lãnh đạo được coi là yếu tố then chốt trong việc xây văn hóa kinh doanh.
Tuy nhiên, người lao động đang đánh giá tương đối thấp vai trò của mình và điều này bắt nguồn từ đặc tính tôn trọng về quyền lực thứ bậc trong doanh nghiệp còn rất cao.
Đây là một trong số các phát hiện chính được chỉ ra trong báo cáo nghiên cứu "Nhận diện Văn hóa kinh doanh Việt Nam-Hàm ý cho phát triển bền vững và năng lực cạnh tranh," do Viện Phát triển doanh nghiệp, thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp thực hiện trong khuôn khổ Diễn đàn đa phương MSF 2023.
Bình đẳng, công bằng ở mức trung bình
Theo đánh giá từ Ngân hàng Thế giới (WB), tăng trưởng xanh, phát triển bền vững đang là xu thế có tính tất yếu tại các quốc gia. Dự báo của WB cũng chỉ ra biến đổi khí hậu sẽ làm giảm 3,5% GDP của Việt Nam vào năm 2050. Trong bối cảnh đó, Đảng và Chính phủ đã xác định tăng trưởng Xanh và bền vững chính là con đường để thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
[PTT Lê Minh Khái: Xây dựng đội ngũ doanh nhân đủ tài, đủ tâm, đủ tầm]
Một trong các phương thức giúp đạt được mục tiêu này là phát triển văn hóa kinh doanh có bản sắc theo định hướng bền vững, giúp gia tăng năng lực cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp, từ đó góp phần quan trọng vào sự thịnh vượng của đất nước.
Tại diễn đàn, ông Lương Minh Huân, Giám đốc Viện nghiên cứu Doanh nghiệp, VCCI đã trình bày bộ nhận diện căn bản và cấu trúc văn hóa kinh doanh của Việt Nam. Trong đó, yếu tố bình đẳng-công bằng được đánh giá ở mức trung bình, nhưng là thấp nhất trong tương quan chung với các giá trị cốt lõi khác
Vì vậy, ông Huân cho rằng doanh nghiệp cần có định hướng mạnh mẽ hơn trong việc tạo ra các giá trị bền vững thực chất, giải quyết tốt hơn các vấn đề bình đẳng trên khía cạnh cơ hội và thăng tiến cho người lao động. Điều này vừa phù hợp với xu thế của thời đại đồng thời thu hút được động lực và sự đóng góp từ thế hệ trẻ.
Ngoài ra, báo cáo cũng chỉ ra giá trị quyết đoán ở thế hệ người trẻ bắt đầu cao hơn, trong khi đặc tính tôn trọng thứ bậc vẫn nghiêng về thế hệ những người cao tuổi. Vì vậy, kỳ vọng về các giá trị bền vững mà doanh nghiệp cần theo đuổi đang gia tăng theo độ trẻ hoá của lực lượng lao động (trong một tổng thể nhận thức và thực hành khá cao về phát triển bền vững).
Bên cạnh đó, yếu tố vùng miền cũng tác động tới thực hành văn hoá doanh nghiệp. Điều này hàm ý rằng các doanh nghiệp hoạt động trong các vùng miền khác nhau cần có cách thức tiếp cận khác nhau trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp định hướng bền vững nói chung, và thiết kế các giải pháp quan hệ lao động nói riêng, có tính tới đặc điểm thế hệ và văn hóa vùng miền.
Ở cấp độ “lõi” về niềm tin và giá trị căn bản, Bà Nguyễn Ngọc Hiên, Giảng viên Đại học Kinh tế Quốc dân, thành viên nhóm nghiên cứu, chia sẻ người Việt Nam có biểu hiện tổng thể hài hoà, không có đặc tính vượt trội, đề cao một số giá trị như “tính hiệu quả, nhân đạo, định hướng tương lai, thích ổn định-ngại rủi ro.”
Về “nhận thức định hướng bền vững” và “thực hành Văn hóa doanh nghiệp,” bà Hiên chỉ lãnh đạo doanh nghiệp và người lao động có sự tương đồng ở mức độ khá tốt. Trong khi, giá trị “lãnh đạo định hướng bền vững” và “tầm nhìn định hướng bền vững” được đề cao nhất. Ngoài ra, các bên có ghi nhận khá chênh lệch về “giá trị bền vững.” Cụ thể, người lao động có mong đợi nhiều hơn ở các giá trị bền vững thực chất mà doanh nghiệp theo đuổi và thực hành trong thực tế.
Nghiên cứu còn cho biết thực hành văn hóa doanh nghiệp có tỷ lệ thuận với các yếu tố như quy mô, tuổi đời, mức độ hội nhập, tầm nhìn của lãnh đạo. Cụ thể, doanh nghiệp hoạt động lâu năm (trên 20 năm) thực hành văn hóa doanh nghiệp tốt hơn. Họ hiểu tầm quan trọng và sẵn sàng đầu tư nguồn lực cũng như công sức vào xây dựng doanh nghiệp có văn hóa gốc. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp càng hội nhập sâu thì thực hành văn hóa phát triển bền vững càng tốt. Cụ thể, các doanh nghiệp xuất khẩu và đa quốc gia thực hành văn hóa doanh nghiệp tốt hơn so với các doanh nghiệp ở loại hình khác.
Người lao động và doanh nghiệp đánh giá cao tác động của các yếu tố nội tại, thay vì các yếu tố bên ngoài, tới văn hoá kinh doanh của doanh nghiệp
“Về sự ảnh hưởng của nhân tố bên trong, nhà lãnh đạo vẫn là yếu tố cốt lõi. Tìm hiểu sâu hơn về những phẩm chất của lãnh đạo sẽ giúp doanh nghiệp xây dựng văn hóa doanh nghiệp phát triển bền vững, các nhà nghiên cứu ghi nhận bốn giá trị được nhắc tới nhiều nhất, là “công bằng, minh bạch, hiệu quả, tử tế.” Thực tế, người lao động Việt Nam thường e ngại trong quá trình giao tiếp với lãnh đạo. Nên, họ mong muốn nhà lãnh đạo chủ động trong việc minh bạch và công bằng. Hơn nữa, người Việt Nam luôn đề cao tính nhân ái. Vì vậy, những nhà lãnh đạo tử tế được cả bên ngoài cộng đồng và nội bộ doanh nghiệp đánh giá rất cao,” bà Hiên nói.
Về cơ chế truyền dẫn văn hóa kinh doanh hướng tới cạnh tranh và bền vững, bà Hiên cho hay mặc dù nhà lãnh đạo luôn là yếu tố trọng tác động đến văn hóa doanh nghiệp, song trong xã hội còn có chủ thể khác vô cùng quan trọng. Đó là cơ quan chính quyền các cấp. Trong đó, chính quyền trung ương, tỉnh và thành phố sẽ tác động đến doanh nghiệp lớn và vừa. Mặt khác, hành xử của cơ quan chính quyền cấp quận, huyện và thấp hơn sẽ tác động lớn đến doanh nghiệp vừa và nhỏ - là những doanh nghiệp đồng thời chịu sự tác động nhiều của các doanh nghiệp lớn.
Cân bằng giữa cạnh tranh và nhân văn
Từ kết quả nghiên cứu trên, bà Hiên kiến nghị cộng đồng doanh nghiệp phát huy các thế mạnh, giá trị hiện có cũng như phẩm chất phù hợp với tương lai và phát triển bền vững, bao gồm coi trọng tính hiệu quả, nhân đạo và đề cao tính tập thể. Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo cầu cân nhắc “mặt trái” của việc thích ổn định-ngại rủi ro là nắm bắt và biến thách thức thành cơ hội.
Thêm vào đó, các nhà lãnh đạo cần thúc đẩy sự bình đẳng và công bằng, đặc biệt là công bằng trong tiếp cận cơ hội. Cụ thể là nâng cao nhận thức và hành động trong xã hội về phát triển bền vững, coi đây như một tiềm năng lớn còn nhiều dư địa để phát triển của Việt Nam.
Trong bối cảnh mới, bà Hiên cho rằng việc xây dựng đạo đức doanh nhân, văn hóa doanh nhân cần được thúc đẩy. Bởi, đây là nhóm tiên phong trong xây dựng văn hóa kinh doanh hướng tới bền vững. Để làm được những điều này, môi trường thể chế cần cải thiện thuận lợi, phát triển theo định hướng bền vững. Đặc biệt là văn hóa ứng xử của các cấp chính quyền, nhất là cấp quận, huyện, xã với doanh nghiệp và doanh nhân, và ưu tiên xây dựng văn hóa doanh nghiệp đối với nhóm doanh nghiệp quy mô vừa.
Cũng theo bà Hiên, văn hóa doanh nghiệp và tinh thần doanh nhân cần được thúc đẩy xây dựng theo các giá trị cốt lõi “Minh bạch, hiệu quả, tử tế, công bằng,” trong đó phát huy vai trò người đứng đầu đảm bảo cân bằng giữa yếu tố cạnh tranh và các giá trị nhân văn.
Cụ thể, doanh nghiệp đề cao giá trị bền vững, lãnh đạo bền vững, tầm nhìn định hướng bền vững để xây dựng giá trị cốt lõi, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút và gắn kết lao động trẻ. Doanh nghiệp nên có định hướng mạnh mẽ hơn trong việc tạo ra các giá trị bền vững thực chất, như giải quyết tốt hơn các vấn đề bình đẳng trên khía cạnh cơ hội và thăng tiến cho người lao động, phù hợp với xu thế của thời đại, thu hút được động lực và sự đóng góp từ thế hệ trẻ.
Phát triển văn hóa kinh doanh và văn hóa doanh nghiệp định hướng bền vững đáp ứng đòi hỏi thực tiễn phát triển trong bối cảnh biến động và cạnh tranh ngày một mạnh mẽ.
Đại điện cho cộng đồng doanh nghiệp, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhấn mạnh vai trò, vị thế quan trọng của doanh nghiệp, doanh nhân trong xã hội ngày càng được khẳng định. Đây cũng là điều kiện quan trọng để văn hóa kinh doanh Việt Nam từng bước được khơi dậy, phát huy.
“Văn hóa kinh doanh đang có những thay đổi nhất định, hướng đến sự phát triển bền vững và kinh doanh có trách nhiệm, đòi hỏi doanh nghiệp phải kịp thời nắm bắt để điều chỉnh và thích nghi, qua đó trở thành những đối tác tin cậy, phát huy tính sáng tạo, đổi mới, sẵn sàng hợp tác,” ông Công nói.
Với nghiên cứu trên, ông Phan Văn Anh, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng là các kiến nghị giải pháp là hết sức thực tiễn, phù hợp với xu hướng và bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng của Việt Nam với quốc tế trên mọi lĩnh vực, đáp ứng kỳ vọng và mong mỏi của tất cả các cơ quan, đối tác, doanh nghiệp, người lao động và tổ chức công đoàn.
Theo ông Phan Anh, việc thực hiện tốt vấn đề này sẽ giúp xây dựng hình ảnh, cải thiện mạnh mẽ khả năng cạnh tranh, phát triển bền vững của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, từ đó góp phần quan trọng vào việc nâng cao năng lực, vị thế của quốc gia trên trường quốc tế, hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
“Tầm quan trọng của văn hóa kinh doanh đối với sự phát triển của một đất nước là vô cùng lớn. Văn hóa kinh doanh không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp mà còn giúp các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc điều chỉnh hành vi của các chủ thể tham gia kinh doanh tại những điểm còn khoảng trống về pháp luật. Văn hóa kinh doanh cũng giúp người dân hình thành nên văn hóa tiêu dùng lành mạnh và tham gia có trách nhiệm vào các quan hệ kinh tế với doanh nghiệp và Nhà nước,” ông Phan Anh nhấn mạnh.
Tại sự kiện, ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam, đơn vị khởi xướng Diễn đàn đa phương thường niên, chia sẻ về nỗ lực xây dựng văn hóa doanh nghiệp lấy con người làm trụ cột: “Trong những năm gần đây, Diễn đàn Đa phương đã trở thành một nền tảng để trao đổi kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi, đối thoại xây dựng và thúc đẩy tầm nhìn chung giữa các bên liên quan về sự phát triển bền vững của Việt Nam.”
Là một thành viên của Liên minh Doanh nghiệp có Trách nhiệm (RBA), ông Choi Joo Ho cho biết Samsung Việt Nam ưu tiên hàng đầu việc bảo vệ và tôn trọng quyền lao động cho cả nhân viên và người lao động tại các công ty đối tác. Các giá trị cốt lõi của Samsung, như "Con người-Vươn tới đỉnh cao-Thay đổi-Tính liêm chính-Cùng thịnh vượng" được thấm nhuần ở tất cả các cấp quản lý và nhân viên của Samsung.
“Chất lượng tổ chức được đánh giá định kỳ thông qua chỉ số Văn hóa Samsung với sự tham gia của tất cả các cấp quản lý và nhân viên. Quy trình này giúp công ty xác định điểm mạnh và điểm yếu trong văn hóa tổ chức của mình, tối ưu hóa điểm mạnh và tích cực giải quyết các thách thức tồn tại trong văn hóa doanh nghiệp,” ông Choi Joo Ho trao đổi.