Nâng cao trình độ cho lao động ở những ngành nghề mới trong bối cảnh hội nhập

Các ngành, lĩnh vực mới nổi, ngành nghề, kỹ năng mới bao gồm trí tuệ nhân tạo, chip bán dẫn, chuyển đổi năng lượng, tín chỉ carbon, năng lượng hydrogen, logicstics, đường sắt cao tốc, du lịch halal.

Giới thiệu mô hình tự động hóa cho sinh viên Lớp Điện tử Công nghiệp K13 của Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội. (Ảnh: Hoàng Hiếu/ TTXVN)

Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp yêu cầu các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở có hoạt động giáo dục nghề nghiệp rà soát, đánh giá thực trạng, năng lực tổ chức đào tạo các ngành, lĩnh vực mới nổi, ngành nghề mới, kỹ năng mới, bao gồm trí tuệ nhân tạo, chip bán dẫn, chuyển đổi năng lượng, tín chỉ carbon, năng lượng hydrogen, logicstics, đường sắt cao tốc, du lịch halal.

Đây là nội dung chính của văn bản số 351/TCGDNN-ĐTTX do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành, gửi các cơ sở giáo dục nghề nghiệp về việc tổ chức đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động ở những ngành nghề mới, kỹ năng mới.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần đánh giá tình hình, kết quả triển khai việc tổ chức đào tạo, liên kết tổ chức đào tạo các ngành nghề mới, kỹ năng mới (nếu có); cung cấp thông tin về nhu cầu và các khó khăn, vướng mắc trong việc tuyển sinh, tổ chức đào tạo các ngành nghề mới, kỹ năng mới nêu trên hoặc đào tạo các ngành nghề gần, các ngành nghề hỗ trợ phát triển các ngành, lĩnh vực công nghiệp mới; đề xuất các giải pháp để tổ chức đào tạo hiệu quả các ngành nghề mới, kỹ năng mới.

Đồng thời, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chú trọng, đẩy mạnh công tác tuyển sinh, tổ chức đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động ở những ngành nghề mới, kỹ năng mới để đáp ứng nhu cầu lao động có kỹ năng nghề cho phục hồi, phát triển kinh tế.

Văn bản số 351/TCGDNN-ĐTTX của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệ nhằm triển khai các nghị quyết, chương trình, đề án của Chính phủ về đào tạo nguồn nhân lực trong các ngành, lĩnh vực mới nổi, ngành nghề mới, kỹ năng mới và Kế hoạch hành động của ngành Lao động-Thương binh và Xã hội thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chú yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.

Theo số liệu của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, cả nước hiện có 1.886 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm 399 trường cao đẳng, 429 trường trung cấp, 1.058 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên.

Việc bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động , nhất là ở những địa bàn, khu vực kinh tế trọng điểm, tập trung đông các khu công nghiệp, khu chế xuất cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đặt ra đối với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp trong năm 2024.

Các nhiệm vụ tiếp theo trong năm là: tập trung chỉ đạo công tác tuyển sinh, đẩy mạnh đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động để đáp ứng nhu cầu lao động có kỹ năng nghề cho phục hồi, phát triển kinh tế, góp phần nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế; đẩy nhanh chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất, đổi mới chương trình, phương thức đào tạo…

Đặc biệt, ngành tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là các ngành trọng điểm, mũi nhọn đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, ưu tiên cho các lĩnh vực, ngành nghề mới với kỹ năng mới, góp phần nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế; nghiên cứu, đổi mới việc đánh giá kiến thức, kỹ năng và công nhận chứng chỉ, bằng cấp cho người học, người lao động.

Chỉ tiêu cụ thể được đặt ra đối với giáo dục nghề nghiệp năm 2024 là tuyển sinh đạt hơn 2,43 triệu người; tốt nghiệp hơn 2,1 triệu người.

Năm 2023, tuyển sinh học nghề ước đạt gần 2,3 triệu người; tốt nghiệp ước đạt trên 2 triệu người, đạt mục tiêu kế hoạch./.