Nâng cao nhận thức nhân quyền từ cơ sở: Vững niềm tin bảo vệ Tổ quốc
Nghị quyết Đại hội Đảng XIII tiếp tục nhấn mạnh nhiệm vụ bảo đảm quyền con người khi khẳng định nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Khẳng định Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn xác định bảo đảm, thúc đẩy quyền con người là chủ trương xuyên suốt, trong đó "nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới," ngày 23/8, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Nhân quyền Chỉnh phủ phối hợp Ban Chỉ đạo Nhân quyền tỉnh Lai Châu tổ chức Hội nghị tập huấn công tác nhân quyền trên địa bàn tỉnh năm 2022, thông qua hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với hơn 3.100 đại biểu tham dự.
Không để phát sinh các vấn đề phức tạp
Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo về Nhân quyền Chính phủ nhấn mạnh nhân quyền ngày càng trở thành vấn đề quan trọng trong đời sống chính trị thế giới, là một trong ba trụ cột hoạt động của Liên Hợp quốc cùng với hòa bình, an ninh và phát triển.
Đối với Việt Nam, Đảng và Nhà nước luôn xác định bảo đảm, thúc đẩy quyền con người là chủ trương xuyên suốt, thể hiện trong hàng loạt các văn bản của Đảng, Chính phủ và hiến định trong Hiến pháp 2013.
Tại Nghị quyết Đại hội Đảng XIII nhấn mạnh nhiệm vụ bảo đảm quyền con người khi khẳng định: “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân; lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu.”
Tuy vậy, theo Thiếu tướng Kỷ, thời gian qua các thế lực thù địch, thiếu thiện chí ở trong và ngoài nước vẫn thường xuyên lợi dụng vấn đề nhân quyền để kích động các hoạt động chống phá đất nước. Trong đó, vấn đề dân tộc thiểu số, tự do tôn giáo, tín ngưỡng, tự do ngôn luận, Internet và gần đây là vấn đề mua bán người đang được triệt để lợi dụng để xuyên tạc, vu cáo, hạ uy tín của Việt Nam, tạo cớ cho các hoạt động gây sức ép, can thiệp vào công việc nội bộ của nước ta.
Đáng chú ý, Mỹ và một số nước phương Tây thường xuyên sử dụng các báo cáo thường niên để xuyên tạc, vu cáo tình hình nhân quyền Việt Nam, nhất là Báo cáo về nhân quyền, Báo cáo về tự do tôn giáo, Báo cáo về mua bán người. Đơn cử, ngày 20/7/2022, Bộ Ngoại giao Mỹ công bố Báo cáo về tình hình mua bán người trên thế giới năm 2022, sau 3 năm liên tiếp từ 2019-2021 xếp Việt Nam vào “Nhóm 2 cần theo dõi,” lần đầu tiên Việt Nam bị hạ bậc xuống “Nhóm 3” - các quốc gia trong danh sách này sẽ phải chịu một số chế tài từ chính quyền Mỹ.
Thực tế trên cùng với việc một số cơ chế nhân quyền Liên Hợp quốc nêu quan ngại liên quan người lao động Việt Nam ở nước ngoài sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, đặc biệt trong giai đoạn Việt Nam đang ứng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025.
[Tăng cường rà soát, hoàn thiện các chính sách thúc đẩy quyền con người]
Về phía địa phương, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhân quyền tỉnh Lai Châu Tống Thanh Hải cũng cho biết thời gian qua công tác nhân quyền trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm; thực hiện tốt các chính sách phát triển kinh tế-xã hội, chính sách dân tộc, tôn giáo, chính sách an sinh xã hội, đảm bảo cuộc sống và quyền con người của nhân dân các dân tộc trên địa bàn.
Do đó, tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn cơ bản ổn định, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống; không để phát sinh các vấn đề phức tạp, không để các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề nhân quyền tuyên truyền, chống phá Đảng, Nhà nước.
Tuy vậy, ông Hải cũng lưu ý nhận thức về vấn đề nhân quyền và công tác nhân quyền của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương vẫn chưa được đầy đủ; chưa được tiếp cận sâu, rộng với các kiến thức nền về công tác nhân quyền.
Xây dựng nền tảng kiến thức thống nhất tới các cấp cơ sở
Trước thực tế nêu trên, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhân quyền tỉnh Lai Châu Tống Thanh Hải cho biết hội nghị tập huấn về công tác nhân quyền là cơ hội để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị-xã hội; đặc biệt là các lãnh đạo, cán bộ trực tiếp tham mưu, triển khai thực hiện công tác bảo vệ và đấu tranh về nhân quyền từ cấp tỉnh đến huyện, xã.
Đây cũng là lần đầu tiên Ban Chỉ đạo Nhân quyền tỉnh Lai Châu tổ chức một hội nghị tập huấn trên lĩnh vực nhân quyền quan trọng với quy mô lớn, qua đó xác định: "Công tác nhân quyền là nhiệm vụ quan trọng của toàn hệ thống chính trị; cần sự vào cuộc của các cấp, ngành từ cấp tỉnh đến cấp cở sở, trong đó lực lượng nào gần dân, sát dân và liên quan đến quyền và lợi ích của người dân nhất thì đó là lực lượng đóng vai trò nòng cốt trong công tác bảo vệ và đấu tranh về nhân quyền."
Khẳng định việc trang bị thông tin, kiến thức cho cán bộ trực tiếp làm công tác nhân quyền ở các địa phương là hết sức cần thiết, Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ cho rằng hội nghị là diễn đàn để chia sẻ; giải đáp những vấn đề còn khó khăn vướng mắc, mở ra các định hướng cho công tác nhân quyền tại địa bàn Lai Châu.
Bên cạnh đó, theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ, việc tổ chức hội nghị tập huấn công tác nhân quyền không chỉ cập nhật, nâng cao và thống nhất nhận thức cho đội ngũ cán bộ cấp cơ sở của tỉnh về tình hình, công tác nhân quyền trong giai đoạn mới; nâng cao kỹ năng xử lý tình huống cho cán bộ trực tiếp làm công tác nhân quyền tại địa phương, mà còn góp phần đấu tranh hiệu quả với hoạt động lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền chống phá Việt Nam.
“Với ý nghĩa đó, tôi mong muốn những nội dung được truyền đạt tại hội nghị tập huấn về công tác nhân quyền lần này sẽ là cơ sở để các đồng chí vận dụng vào công tác tại địa phương; là nguồn tài liệu tham khảo để tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn cho đội ngũ cán bộ cấp cơ sở,” Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ nhấn mạnh.
Trên cơ sở đó, tại hội nghị, hơn 3.100 đại biểu tại 14 điểm cầu trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã được nghe các báo cáo viên báo cáo 5 chuyên đề chính, bao gồm: Cơ chế nhân quyền Liên hợp quốc và sự tham gia của Việt Nam; đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và một số kinh nghiệm trong công tác đấu tranh đối với hoạt động của các đối tượng theo đạo Tin Lành hoạt động chống phá Việt Nam.
Tiếp đó là các chuyên đề về công tác nhân quyền trong tình hình mới; quyền tự do ngôn luận, tự do internet và nhận diện các hoạt động lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do internet hoạt động chống phá Việt Nam. Tại chuyên đề về công ước CERD và bảo đảm quyền của người dân tộc thiểu số ở Việt Nam, nội dung trọng tâm là vấn đề đặt ra trong xóa bỏ các hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu vừa đảm bảo quyền của người dân tộc thiểu số vừa góp phần nâng cao dân trí, đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.../.