Nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp
Hội nghị về giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp, tổ chức sáng 7/9, tại Trụ sở Chính phủ, do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chủ trì.
Sáng 7/9, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chủ trì Hội nghị về giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn trăn trở, tìm tòi giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế
Phát biểu mở đầu Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh cuộc họp nhằm tìm giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận, hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân. Đây là nội dung quan trọng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan, doanh nghiệp, người dân hết sức quan tâm.
Theo Phó Thủ tướng, hoạt động ngân hàng hết sức quan trọng trong điều hành kinh tế vĩ mô, tác động đến nền kinh tế nói chung, đặc biệt là tín dụng. Đây là kênh dẫn vốn quan trọng. Mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm và tình hình kinh tế có tốt lên, nhưng đánh giá 6 tháng và kết quả tổng hợp của Tổng cục Thống kê vừa qua cho thấy chưa đạt như mong muốn, tương đối xa so với mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn trăn trở, tìm tòi để có những giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả lạm phát.
Hiện tình hình thế giới, trong nước có thuận lợi và khó khăn đan xen. Với khó khăn, chúng ta chưa tìm được giải pháp xử lý hiệu quả nhất. Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo liên quan đến tăng trưởng tín dụng, tiếp cận vốn tín dụng để hỗ trợ, tạo động lực cho nền kinh tế. Thường trực Chính phủ đã tổ chức hội nghị cùng các bộ, ngành, ngân hàng, hiệp hội.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng đã có 5-6 cuộc họp với các bộ, ngành, ngân hàng; các ngân hàng tại địa phương cũng tổ chức hàng chục cuộc về vấn đề này. Tuy nhiên, nhìn chung chưa đạt mong muốn kỳ vọng. Tăng trưởng kinh tế quý 2 và 6 tháng đầu năm chỉ đạt 3,72%, tăng trưởng tín dụng xấp xỉ 5%. Báo cáo cuối tháng Tám vừa qua là tăng 5,33% so với cùng kỳ năm trước, tăng trưởng tín dụng rất thấp.
[Thống đốc Ngân hàng lý giải về điều hành lãi suất, gỡ khó tiếp cận vốn]
"Thủ tướng rất trăn trở, tôi phụ trách lĩnh vực này cũng họp với các đồng chí rất nhiều, đến hôm nay, chúng ta tiếp tục tìm giải pháp. Các đồng chí chia sẻ tham gia cùng Chính phủ để trong những tháng còn lại của năm và đặc biệt trong những năm còn lại của nhiệm kỳ, với những giải pháp tổng thể hỗ trợ tăng trưởng, đảm bảo thực hiện tốt nhất những nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra," Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nói.
Phó Thủ tướng cũng cho biết vừa qua Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã áp dụng nhiều giải pháp như liên tục giảm lãi suất cho vay (đến nay đã giảm khoảng 1,5%), đơn giản các thủ tục, điều kiện, hỗ trợ về thuế… để tăng cường giải ngân, thu hút đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Chia sẻ mong muốn được nghe các ý kiến nhiều chiều, Phó Thủ tướng đề nghị các đại biểu phát biểu thẳng thắn, trực tiếp vào những giải pháp để tiếp cận tín dụng tốt hơn, tăng trưởng tín dụng cao hơn trong thời gian tới. Qua đó, Chính phủ cùng các bộ, ngành có giải pháp kịp thời, hiệu quả, thiết thực hơn, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế, đảm bảo kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn, các nhiệm vụ, giải pháp Chính phủ đề ra trong năm 2023 và những năm tiếp theo.
Ngân hàng thương mại đang "tồn kho tiền"
Cho rằng chưa bao giờ điều hành tín dụng khó như bây giờ, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú bày tỏ hiện nay toàn hệ thống ngân hàng đang phải "chữa bệnh thừa tiền." Cũng giống như các doanh nghiệp bị tồn kho hàng hóa, các ngân hàng thương mại cũng đang "tồn kho tiền."
Dù Ngân hàng Nhà nước cùng với toàn hệ thống tín dụng liên tục tổ chức các hội nghị kết nối ngân hàng với doanh nghiệp, để lắng nghe ý kiến, rà soát, điều chỉnh quy định pháp lý, thực hiện cải cách thủ tục hành chính, giảm lãi suất cho vay,… nhưng việc cung cấp tín dụng cho nền kinh tế vẫn khó khăn, bởi doanh nghiệp không hấp thụ được vốn, "không muốn vay." Chữa căn bệnh thiếu tiền dễ hơn thừa tiền. Đây là vấn đề rất khó.
Nêu lên hàng loạt giải pháp Ngân hàng Nhà nước đã điều hành từ đầu năm đến nay như điều tiết thanh khoản, điều hành giảm lãi suất để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, điều hành tín dụng phù hợp, đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế; rà soát, hoàn thiện thể chế pháp luật trong hoạt động cấp tín dụng…, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết đến ngày 29/8 vừa qua, tín dụng nền kinh tế đạt khoảng 12,56 triệu tỷ đồng, tăng 5,33% so với cuối năm 2022 (cùng kỳ năm ngoái tăng 9,87%).
Ba năm gần đây, tín dụng toàn hệ thống tăng thêm bình quân khoảng 1 triệu tỷ đồng/năm. Thực tế doanh số cấp tín dụng của hệ thống ngân hàng ra nền kinh tế trong năm lớn hơn rất nhiều lần. Cụ thể, năm 2021 là 17,4 triệu tỷ đồng; năm 2022 là 19,7 triệu tỷ đồng; 6 tháng đầu năm nay gần 10,2 triệu tỷ đồng.
Thời gian qua, trước bối cảnh các kênh huy động vốn khác chưa thực sự phát huy hiệu quả, nhất là thị trường vốn đang tồn tại một số vấn đề và chưa phát triển tương xứng với vai trò cung ứng vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế đã khiến nhu cầu vốn cho phục hồi kinh tế tập trung phần lớn qua kênh tín dụng ngân hàng, tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt từ năm 2020, tuy có dấu hiệu tăng chậm lại trong năm ngoái nhưng vẫn trong xu hướng tăng, tiềm ẩn rủi ro đối với hệ thống các tổ chức tín dụng.
Trong bối cảnh thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng dư thừa và còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng tín dụng (toàn hệ thống còn khoảng 9% để tăng trưởng tín dụng, tương đương khoảng 1 triệu tỷ đồng), lãi suất cho vay có xu hướng giảm, từ đó tổ chức tín dụng có điều kiện thuận lợi để cung ứng vốn tín dụng đối với nền kinh tế. Do đó, Ngân hàng Nhà nước khẳng định tăng trưởng tín dụng thời gian qua chưa cao không phải xuất phát từ nguyên nhân thanh khoản của hệ thống ngân hàng.
Theo Ngân hàng Nhà nước, mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống vẫn thấp so với cùng kỳ các năm trước, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ các yếu tố khách quan như do tác động của đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng; một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa; tác động từ khả năng hấp thụ vốn của nhóm bất động sản… Bên cạnh đó, việc triển khai một số chương trình tín dụng (gói 120.000 tỷ đồng; chương trình hỗ trợ lãi suất) cũng gặp khó khăn, vướng mắc.
Ngân hàng Nhà nước cho rằng trong bối cảnh thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng dư thừa và còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng tín dụng, việc triển khai các giải pháp để tăng khả năng hấp thụ vốn của người dân, doanh nghiệp là rất cần thiết để tổ chức tín dụng có điều kiện cung ứng vốn, mở rộng tín dụng đối với nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng.
Theo đó, để nâng cao hiệu quả tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, tăng khả năng tiếp cận vốn của nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước đề xuất 4 nhóm giải pháp về kích cầu đầu tư, tiêu dùng, thúc đẩy các động lực tăng trưởng kinh tế; phát triển các loại thị trường (trái phiếu doanh nghiệp, bát động sản); nâng cao năng lực, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp; và giải pháp về tiền tệ, tín dụng, lãi suất./.